Tốc độ chuyển đổi số tại TP.Đà Nẵng diễn ra khá nhanh trong khi cơ chế, chính sách, nhất là văn bản pháp luật chưa theo kịp thực tiễn phong phú.
1 vấn đề, nhiều sở lúng túng
Theo báo cáo của UBND TP.Đà Nẵng, dù thành phố đạt được nhiều thành tựu, được nhiều tổ chức ghi nhận với các giải thưởng, danh hiệu… nhưng vẫn gặp một số điểm nghẽn trong triển khai chuyển đổi số (CĐS), nhất là về cơ chế, chính sách, khung pháp lý, các văn bản pháp luật do trước đây chưa quy định áp dụng công nghệ số/thông minh.
Hiện nay, các sản phẩm công nghệ số xu hướng là tích hợp đa chức năng, trong khi chức năng quản lý nhà nước được phân công bởi nhiều cơ quan, trở thành “rào cản” khi lựa chọn đơn vị quản lý các sản phẩm công nghệ số, chưa tạo điều kiện thuận lợi trong áp dụng công nghệ mới…, như nền tảng quan trắc dùng chung liên quan đến quan trắc môi trường, công trình cầu, camera giám sát an ninh, giao thông. Ông Trần Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.Đà Nẵng, cho rằng vướng mắc lớn nhất là cơ chế, chính sách, khung pháp lý chưa thay đổi kịp. Như Thông tư 10 năm 2021 Bộ TN-MT yêu cầu trạm quan trắc nước thải phải có trụ sở, máy bơm, thùng chứa mẫu, điều hòa, báo cháy… nhưng thực tế hiện nay có thể sử dụng công nghệ IoT và năng lượng mặt trời để vận hành; hoặc trạm di động di chuyển cả hồ quan trắc, thay cho nhiều trạm trước đây.
Một số nghị định chuyên ngành về bảo hiểm, hải quan, thuế, ngân hàng, công an chưa sửa đổi kịp nên chưa chia sẻ dữ liệu cho địa phương. Sản phẩm công nghệ số có xu hướng tích hợp đa chức năng, trong khi quản lý nhà nước phân công nhiều cơ quan nên trong quá trình phân công triển khai, bàn giao, vận hành, cung cấp dịch vụ cho người dân thì không có chủ thể tiếp cận, làm rời rạc, tăng chi phí. Đơn cử, hiện Sở TN-MT chịu trách nhiệm quan trắc nước mặt, Sở NN-PTNT quan trắc nước mưa, Sở Xây dựng quan trắc nước cấp… trong khi đây là những sản phẩm tích hợp, nền tảng quan trắc dùng chung, vì vậy chưa biết giao đơn vị nào vận hành để phù hợp chức năng.
Tăng trách nhiệm lãnh đạo
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn thiếu thông tin, dữ liệu, chưa đảm bảo để địa phương khai thác sử dụng trong dịch vụ công, chưa có dịch vụ chia sẻ dữ liệu dân cư địa phương phục vụ quản lý chuyên ngành và xây dựng chính sách, ứng dụng xã hội số, kinh tế số.
Tồn tại, vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ CĐS còn có trách nhiệm của cấp ủy các cấp, các cơ quan đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu còn hạn chế, chưa quan tâm, chủ động, tích cực ứng dụng CNTT, chưa xác định CĐS là công cụ lõi để nâng cao hiệu quả hoạt động trong xu hướng tinh giản biên chế như hiện nay. Các ứng dụng nền tảng, phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu chuyên ngành triển khai đến các sở ngành chưa phát huy hiệu quả, ít phát sinh dữ liệu.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết CĐS là xu thế tất yếu, nếu không CĐS nhanh, mạnh, toàn diện thì địa phương sẽ bị tụt hậu. Do đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là các cấp ủy, người đứng đầu đơn vị tập trung đẩy mạnh, tạo động lực mới và không gian phát triển mới cho thành phố; trong đó xác định dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng, càng chia sẻ, khai thác dùng chung thì càng tạo ra giá trị.
Đối với các khó khăn chưa có kinh nghiệm xử lý, nhất là trong bối cảnh đang triển khai song song CĐS và chính quyền đô thị, ông Lê Trung Chinh đề nghị các đơn vị nghiên cứu các thành tựu, kinh nghiệm quốc tế, tham vấn chuyên gia, vận dụng sáng tạo, phù hợp đặc thù, thực tiễn của thành phố với tư duy đột phá, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung. “Sở TT-TT, Ban chỉ đạo CĐS sớm trình, ban hành Kế hoạch quản trị và phát triển hạ tầng dữ liệu, trong đó xác định rõ mô hình quản trị dữ liệu với nguyên tắc dữ liệu số là tài sản chung của thành phố, phải được chia sẻ, khai thác, sử dụng chung. Mọi chính sách phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để họ hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích, không phát sinh thêm thủ tục phiền hà”, ông Lê Trung Chinh nói.
Theo Báo Thanh Niên