Về trang chủ Khỏe-Đẹp Bệnh tay chân miệng tăng cao, ‘cạn’ thuốc điều trị

Bệnh tay chân miệng tăng cao, ‘cạn’ thuốc điều trị

Ngày 15.6, theo khảo sát của PV Thanh Niên, tại ĐBSCL, tình hình dịch tay chân miệng đang diễn biến rất phức tạp, số ca mắc và ca nặng tăng đột biến ở nhiều địa phương.
Hết thuốc và chuyển viện

Tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng Cần Thơ (nơi tiếp nhận bệnh nhi cả vùng ĐBSCL), tính từ đầu năm đến nay BV này đã tiếp nhận hơn 2.400 ca tay chân miệng (TCM), trong đó có 426 ca điều trị nội trú.

Theo bác sĩ (BS) Ông Huy Thanh, Phó giám đốc BV Nhi Đồng Cần Thơ, từ tháng 5 số ca tay chân miệng tăng cao lên đến 409 ca (tăng 140%) so với tháng trước đó. Đặc biệt chỉ trong 2 tuần đầu tháng 6 đã có thêm 390 ca mắc, trong đó 80 ca điều trị nội trú. Số ca TCM nặng tăng nhiều; 1 trường hợp độ 4 tử vong, 5 trường hợp nặng độ 3 đã được chuyển tuyến trên tại TP.HCM.

“Hiện tại, vẫn còn 10 ca độ 3, độ 4 rất nặng đang được điều trị tích cực tại BV. Tuy nhiên, khó khăn là thuốc Immunoglobulin điều trị tay chân miệng đang cạn dần. Nếu trong 1 – 2 tuần nữa, lượng bệnh nhân tiếp tục gia tăng mà không có nguồn thuốc mới bổ sung sẽ rất khó khăn”, BS Ông Huy Thanh nói.

Bệnh tay chân miệng tăng cao, 'cạn' thuốc điều trị - Ảnh 1.

DUY TÍNH

Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết số ca mắc TCM đang xuất hiện trên khắp các địa bàn trong tỉnh. 5 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã ghi nhận hơn 332 ca mắc tay chân miệng, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ ghi nhận 7 ca. Tuy chưa có trường hợp tử vong nhưng số ca nặng gia tăng đáng ngại. Ngành y tế Cà Mau cũng đang gặp nhiều khó khăn khi một số thuốc điều trị đặc hiệu như Phenobarbital, Immunoglobulin truyền tĩnh mạch (để điều trị từ độ 2b trở lên) đã cạn kiệt do hết thầu và vẫn đang phải chờ làm thủ tục đấu thầu.

Còn tại Bạc Liêu, BS Đỗ Thị Yến, Trưởng khoa Nhi, BV đa khoa Bạc Liêu, cho biết hiện bình quân mỗi ngày ghi nhận từ 10 – 20 ca TCM, nhưng có 4 – 5 ca nặng từ độ 2b, độ 3, 4. Đặc biệt gần đây, BV tiếp nhận và điều trị 2 ca độ 4 phải lọc máu, thở máy.

Ở An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh…, số ca TCM ở trẻ em cũng đang gia tăng đáng báo động. An Giang ghi nhận 380 ca TCM từ đầu năm đến nay, tăng 14% so với cùng kỳ. Dự báo trong thời gian tới số ca mắc có khả năng tiếp tục tăng, đặc biệt vào thời gian học sinh trở lại trường cho năm học mới.

Ở Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay ghi nhận 750 ca TCM, tăng 25% so với cùng kỳ 2022, trong đó trên 60% là trẻ em dưới 3 tuổi. Trong 2 tuần trở lại đây, số ca TCM tỉnh này có chiều hướng gia tăng, trung bình mỗi tuần gần 70 ca. Ngoài ra, tỉnh đã xử lý 24 ổ dịch TCM, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Trong tổng số ca mắc TCM đa phần ghi nhận độ 1 và 2 thể nhẹ, tuy nhiên vẫn ghi nhận các trường hợp có phân độ lâm sàng nặng.

Những lưu ý đối với phụ huynh

PGS-TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV Nhi đồng 1, cho biết trong khoảng 1 tháng gần đây, các BV tuyến tỉnh ở ĐBSCL đã tiếp nhận các bệnh nhi TCM nhập viện trong tình trạng nặng, nguy kịch (độ 3, 4). BV Nhi đồng 1 đã hội chẩn từ xa cứu nhiều bệnh nhi nặng vì chuyển viện rất nguy hiểm.

“Các bậc phụ huynh cần chú ý bệnh TCM đã bắt đầu vào mùa, đặc biệt có sự xuất hiện của Enterovirus 71 (EV71) là tác nhân thường gây bệnh TCM nặng, nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, bệnh nhi TCM cần được chẩn đoán sớm, theo dõi sát và điều trị kịp thời”, PGS-TS Phạm Văn Quang nói.

PGS-TS Phạm Văn Quang cũng lưu ý, bệnh nhi có loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối… cần đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán, nhất là khi có kèm dấu hiệu giật mình chới với. Các dấu hiệu nặng của bệnh TCM cần chú ý như sốt cao liên tục, khó hạ, sốt trên 2 ngày, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run chi, đi đứng loạng choạng, tay chân lạnh, vã mồ hôi, li bì, thở mệt… Khi có các dấu hiệu này, cần đưa bệnh nhi đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

TP.HCM dự trù thuốc

Tại TP.HCM, số ca tay TCM cũng gia tăng, tuy nhiên lo ngại nhất của TP.HCM là vấn đề các tỉnh chuyển bệnh nặng về. Trước tình hình đó, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ nguồn cung ứng thuốc điều trị. Hiện các BV của TP.HCM dự trù thuốc đủ cho địa bàn TP, tuy nhiên khi các tỉnh chuyển bệnh nhân lên nhiều thì nguy cơ hết thuốc sớm. Bộ Y tế sau đó trả lời tháng 7.2023 sẽ có thuốc.

Mặt khác, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC) triển khai, giám sát các hoạt động phòng chống TCM trên toàn địa bàn. Các BV chuyên về nhi, bệnh nhiệt đới tập huấn điều trị cho tuyến dưới. Các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh TCM.

Theo Báo Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm