Chiều 13.6, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Mục tiêu của quy hoạch nhằm phát triển Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Xây dựng Hà Nội thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước. Người dân Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.
Theo đó, Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc; quản lý chặt chẽ phát triển nhà ở cao tầng ở khu vực trung tâm, triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị.
Phát triển không gian ngầm đô thị; xây dựng khu vực nông thôn hài hòa với đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường cảnh quan, tạo sự bền vững.
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sau khi nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt, thành phố sẽ lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch; thành lập nhóm chuyên gia, nhà khoa học phản biện, nghiên cứu sâu các động lực phát triển cho thủ đô; tổ chức điều tra, phân tích, đánh giá thực trạng; thu thập, chuẩn hóa số liệu…
Quá trình thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Hội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sẽ được triển khai song song, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, tích hợp liên thông với Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng.
Đề nghị Hà Nội khẩn trương hoàn thành dự thảo, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu phải lựa chọn những tổ chức tư vấn lập quy hoạch nổi tiếng, uy tín, các chuyên gia phản biện hàng đầu để xác định tầm nhìn, mục tiêu và động lực phát triển của thủ đô trong tương lai ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo về quy hoạch của thủ đô, cũng như lấy ý kiến nhân dân về các nội dung trong quy hoạch…
Quy hoạch phải quan tâm đặc biệt đến không gian ngầm và hạ tầng ngầm; định hướng mở rộng không gian phát triển đô thị mới theo trục sông Hồng, tuyến đường Vành đai 4, 5 và các trục hướng tâm đô thị…
Hình thành mạng lưới giao thông đa loại hình (đường bộ, đường sắt đô thị, hàng không, đường thủy), bảo đảm kết nối và định hướng tuyến phát triển các khu đô thị mới, thành phố vệ tinh.
Đồng thời, quy hoạch cần đặt ra tiêu chí, nguyên tắc, yêu cầu đối với việc xây dựng, chỉnh trang, cải tạo ở các khu đô thị hiện hữu, phát triển khu đô thị mới phù hợp với hình thái quy hoạch, kiến trúc đặc trưng cho đô thị Hà Nội; xác lập vành đai khu vực nông thôn, thành thị đúng bản sắc, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên.
“Đối với khu vực đô thị trung tâm cần nghiên cứu mô hình “nhà xây nén”, “đô thị nén” nhưng trong nhà có vườn cây, trong thành phố có rừng”, Phó thủ tướng gợi mở.
Theo Báo Thanh Niên