Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 183/TB-VPCP về kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc đấu thầu mua sắm thuốc tại Bộ Y tế và các địa phương.
Tại thông báo, Phó thủ tướng kết luận: việc chuyển đổi tiêm chủng mở rộng (TCMR), cấp phát vitamin A, thuốc ARV, điều trị lao từ Chương trình mục tiêu y tế – dân số sang nhiệm vụ thường xuyên là một tiến bộ trong công tác y tế, tiêm chủng thời gian qua.
Bộ Y tế với vai trò là cơ quan tiếp nhận viện trợ, điều phối cung cấp vắc xin, vitamin A… trong thời gian tới tiếp tục tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đặt hàng một số loại thuốc phổ biến có tỷ trọng lớn, vắc xin sử dụng trong TCMR để giảm giá thành, bảo đảm nguồn cung cho các địa phương mua sắm. Trên tinh thần đó, bộ cần rà soát, thống kê nhu cầu của 63 tỉnh, thành, cân đối với nguồn viện trợ để đấu thầu cấp quốc gia hoặc đặt hàng theo đúng chỉ đạo tại Thông báo số 26/TB-VPCP ngày 12.2; sau khi đấu thầu tập trung thành công, xây dựng hợp đồng mẫu và hướng dẫn các địa phương làm việc với nhà thầu cung cấp thuốc, vắc xin.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp để xảy ra tình trạng thiếu các loại thuốc, vắc xin này…
Để có vắc xin sử dụng cho trẻ đầy đủ, kịp thời, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế thực hiện đấu thầu tập trung hoặc đàm phán giá để cung ứng thuốc, vắc xin cho các địa phương. Mỗi địa phương dự trù số lượng vắc xin và thanh toán chi phí mua sắm bằng ngân sách địa phương. Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, hiện Bộ Y tế chưa có văn bản điều chỉnh công văn số 1810, vì trách nhiệm đã được giao cho các tỉnh nếu thiếu vắc xin, nên rất rối.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cũng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương có công văn gửi các tỉnh nói rõ vai trò bộ này tiếp tục đảm nhận đàm phán giá để cung ứng vắc xin và khẩn trương làm.
Các địa phương thận trọng trong mua sắm
Trước năm 2020, vắc xin tiêm chủng được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), nhưng sau năm 2020 khi hết chương trình thì được bố trí từ ngân sách nhà nước (NSNN).
Năm 2023, quy định về bố trí ngân sách T.Ư triển khai mua vắc xin theo CTMTQG không được tiếp tục thực hiện. Sau khi các CTMT và các thông tư hướng dẫn được ban hành, Bộ Tài chính đã rà soát thực hiện đúng theo quy định của luật NSNN về phân cấp quản lý. Theo đó, không có quy định ngân sách T.Ư bảo đảm kinh phí mua vắc xin trong TCMR. Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Y tế xây dựng dự toán năm 2023 đối với các nhiệm vụ, nội dung do Bộ Y tế thực hiện theo quy định và có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương. Trường hợp cần thiết bố trí ngân sách T.Ư thực hiện mua một số thuốc, vắc xin… cho trẻ em dưới 5 tuổi, đề nghị Bộ Y tế trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để có cơ sở bố trí kinh phí ngân sách T.Ư. Bộ Tài chính đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành hướng dẫn việc thực hiện một số nhiệm vụ thuộc CTMT y tế – dân số giai đoạn 2016 – 2020 chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên. Tuy nhiên, vướng mắc phát sinh do các địa phương thận trọng trong việc mua vắc xin (lý do là chưa được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về cách mua sắm, giá mua sắm, chủng loại…).
Về bố trí kinh phí 2023 cho chương trình TCMR, do chưa rõ cơ chế thực hiện nên Bộ Tài chính đã dành sẵn khoảng 300 tỉ đồng cho nhiệm vụ chi này để thực hiện ngay khi cấp thẩm quyền cho phép và hướng dẫn. (Nguồn: Bộ Tài chính)
Theo Báo Thanh Niên