Theo các chuyên gia trong và ngoài nước, tranh của họa sĩ Việt Nam đẹp không thua kém gì thế giới nhưng giá thành rất thấp. Một trong những nguyên nhân do Việt Nam chưa có thị trường mỹ thuật.
Tiến sĩ Mã Thanh Cao – nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM – đã có buổi giao lưu, chia sẻ thú vị xoay quanh chủ đề “Ảnh hưởng của mỹ thuật phương Tây đến Việt Nam”, tại Trà Sử quán – Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, vào sáng 11-6.
Ảnh hưởng của mỹ thuật phương Tây
Tồn tại trong khoảng thời gian 20 năm, từ năm 1925 đến 1945, Trường Mỹ thuật Đông Dương đã đào tạo nên một thế hệ họa sĩ, điêu khắc tài năng và tạo tiếng vang.
Trong đó phải kể đến ba bộ tứ gồm: Nhất Trí nhì Lân tam Vân tứ Cẩn (tức họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cẩn); bộ tứ Liên – Nghiêm – Sáng – Phái (tức Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái) và bộ tứ thứ ba (đã sống tại Pháp) là Phổ – Thứ – Lựu – Đàm (tức Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm).
Bà Mã Thanh Cao cho biết nghệ sĩ phương Tây truyền dạy kiến thức kỹ thuật hội họa, chất liệu mới nhưng các nghệ sĩ Việt Nam vẫn giữ được tâm hồn người Việt, lưu giữ nét vẽ rất Việt Nam.
“Một trong những yếu tố tạo nên nền mỹ thuật đương đại của Việt Nam chính là ý thức bảo tồn giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Đường lối chủ trương chính sách về văn học nghệ thuật của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là một yếu tố tạo nên mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Văn học nghệ thuật thực sự đã có vai trò trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước” – bà Cao chia sẻ thêm.
Nỗi lo không của riêng ai
Tranh của họa sĩ Việt có giá thấp hơn so với thị trường chung của các nước trong khu vực và quốc tế.
Bà Cao lý giải do Việt Nam chỉ mới có dấu hiệu mà chưa có thị trường mỹ thuật thật sự.
Bởi người chơi tranh không nhiều mà người chơi có tầm lại ít, dẫn đến giá tranh giao dịch trên thị trường trong nước chưa tương xứng với giá trị thật của tác phẩm.
Mặt khác Việt Nam còn tồn tại tình trạng tranh giả làm cho người yêu tranh nước ngoài ngần ngại khi chọn mua tranh Việt.
Điều này làm giảm uy tín, thậm chí khiến khách mất niềm tin đối với tranh Việt Nam.
Tại các sàn đấu giá tranh trên thế giới không có chuyên gia về tranh Việt Nam, nên đã xảy ra tình trạng đấu giá tranh giả bởi tranh giả ngày càng tinh vi, khó phân biệt.
Bà Mã Thanh Cao cho rằng để ngăn chặn tranh giả, ngoài câu chuyện quản lý của các cơ quan chức năng thì ý thức của người dân rất quan trọng.
Tại buổi tọa đàm, câu chuyện bảo quản tranh tại các bảo tàng được đặt ra. Đây là thực trạng nan giải đối với các cơ quan quản lý và các bảo tàng. Nguyên nhân do thiếu chuyên gia được đào tạo chuyên về bảo quản và thiếu cơ sở vật chất.
Không những vậy, khi tranh bị “bệnh” thì không thể điều trị được vì thiếu đơn vị phục chế, sửa chữa, chuyên sâu.
Hoạt động giao lưu văn hóa này do anh Trần Công Danh – chi hội trưởng Chi hội Kết nối văn hóa di sản Trà Việt, Hội Di sản văn hóa TP.HCM – khởi xướng tổ chức đều đặn hai lần một tháng tại Trà Sử quán – Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.
Mỗi buổi sẽ có một chủ đề khác nhau hướng đến các hoạt động giao lưu văn hóa truyền thống đặc sắc, dành cho các bạn trẻ và khách tham quan bảo tàng.
Theo Báo Tuổi Trẻ