Chùa Hương Tích nằm trên ngọn núi cao hơn 650 m ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) được mệnh danh là một trong 21 danh lam thắng cảnh đẹp nhất nước Nam xưa. Nơi đây thu hút nhiều khách đến vãn cảnh, chiêm bái.
Chùa Hương Tích hay còn gọi là Hương Tích Cổ Tự (nghĩa là chùa Thơm, ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Quần thể chùa có khu vực chính là thượng điện, đền Trang Vương, am Thánh Mẫu xếp từ thấp đến cao tựa theo sườn núi. Ngoài ra, quần thể còn có miếu cửa rừng, trạm nghỉ Phật Bà, am Giác Phổ, khe Quỷ Khốc, thác Giải Oan. Theo sử sách, chùa Hương xây dựng thời Trần, thế kỷ XIII, là một trong những ngôi chùa lâu đời, nổi tiếng nhất Việt Nam. Chùa nằm ở độ cao 650 m, lưng chừng đỉnh Hương Tích, một trong những đỉnh đẹp nhất trong 99 ngọn trên núi Hồng Lĩnh. Đây là nơi thờ công chúa Diệu Thiên, con của vua Trang Vương nước Sở và được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”. Du khách khi đến vãn cảnh chùa có thể di chuyển từ khu vực bán vé lên chùa bằng xe điện với giá 35.000 đồng khứ hồi. Sau 10 phút di chuyển sẽ đến khu vực cáp treo hoặc leo bộ lên chùa. Ngoài ra, du khách cũng có thể di chuyển bằng thuyền từ bến Hương Tuyền qua đập Nhà Đường. Sau khi di chuyển khoảng 20 phút, du khách tiếp tục đi bộ đường rừng khoảng 500 m để mua vé đi cáp treo lên chùa. Mỗi lần đi thuyền, một du khách phải trả 10.000 đồng cho cả lượt khứ hồi. Tuyến cáp treo ở chùa Hương dài 900 m, đi qua hai ga là Miếu Cô và Hương Tích. Mỗi cabin có sức chứa khoảng 8 người di chuyển mất khoảng 5 phút. Giá vé người lớn là 180.000 đồng, trẻ em 120.000 đồng cả khứ hồi. Vào ngày khai hội hoặc lễ, Tết, du khách đổ về vãn cảnh chùa rất đông, chật kín khu vực cáp treo Đường lên thượng điện vào ngày khai hội cũng chật kín du khách. Nơi thờ tự chính của chùa là thượng điện, bên trong có nhiều tượng phật cổ và kiểu kiến trúc độc đáo. Quanh khuôn viên chùa được bố trí nhiều điểm thắp hương. Bên phải thượng điện có tượng hổ bằng đá, nhiều du khách khi đến chùa thường khấn vái, xức dầu lên thân tượng để mong được chữa bệnh. Tuy nhiên, việc xoa dầu lên tượng để chữa bệnh là không có căn cứ. Ngày khai hội vào 18/2 âm lịch hàng năm, khu vực sân chùa thường sẽ được bố trí các điểm check-in hoặc nơi các ông đồ cho chữ đầu năm. Lãnh đạo Ban quản lý chùa Hương Tích cho biết mỗi năm chùa đón hàng trăm nghìn lượt khách đến vãn cảnh, thắp hương, chiêm bái.
Theo Báo Tiền Phong