“Khi em mới bắt đầu vào trường, các bạn mặc dù chưa biết em hay chơi với em một lần nào nhưng các bạn lại đặt điều, nói xấu, thậm chí trong 1 năm đó em chỉ chơi với vài người trong lớp, em không dám đi ra ngoài vì cứ đi đâu họ lại bàn tán và nói xấu…”. Đó chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện được tâm sự bởi các nạn nhân của bắt nạt trực tuyến trên Fanpage có tên “Bắt nạt trực tuyến – chuyện không của riêng ai” được nhiều người quan tâm.
Con số “cứ 5 trẻ em và thanh thiếu niên thì có 1 trẻ em bị bắt nạt trên mạng, đáng lo ngại 3/4 trong số đó không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu” được công bố hôm 23.5 vừa qua bởi bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại VN ở hội thảo “Trẻ em trong thế giới số – giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội” càng khiến chúng ta đặc biệt lưu tâm tới vấn đề này. Đặc biệt đang trong dịp nghỉ hè, thời gian trẻ em được nghỉ xả hơi, thời gian sử dụng internet nhiều hơn.
Bị bắt nạt vì “thấy mặt nó câng câng”
“Tôi có một cô bạn chơi thân từ hồi tiểu học. Vào năm chúng tôi học lớp 10, cô ấy đã bị bắt nạt, ở trên trường và cả trên mạng. Mặc dù tôi chơi chung với cô ấy nhưng nhóm bạn bắt nạt ấy không có làm gì tôi, vì từ lúc bạn tôi chưa bị bắt nạt tôi có chơi với nhóm đó. Tôi có hỏi vì sao họ lại bắt nạt cô ấy, họ bảo: “tao thấy mặt nó cứ câng câng nên tao ghét”. Ở trên trường thì họ lườm nguýt, đụng chạm trước kiếm cớ gây chuyện. Có lần họ chụp ảnh cô ấy và đăng lên mạng xã hội, những người trong nhóm đó và cả những người ngoài cuộc không liên quan đều vào cười cợt. Thật sự tôi rất bức xúc nhưng tôi lại không thể làm gì vì nhóm đó chơi với dân anh chị”, đó là tâm sự của một nữ sinh trên một trang tâm sự của những nạn nhân bị bắt nạt trực tuyến.
Một phụ huynh khác thì giãi bày câu chuyện của con gái mình, năm đó cháu học lớp 9. Luôn là học sinh xuất sắc trong lớp và có ngoại hình xinh xắn, tính cách hồn nhiên, hòa đồng với mọi người, nhưng cháu bị bắt nạt. Một ngày đi học về, chị phát hiện con có những vết xước ở tay, sau đó thu mình lại trong phòng, mặt luôn buồn bã, đáng lo hơn khi cháu nói với mẹ “con không muốn đến trường nữa”. Tâm sự với con, chị mới biết trên lớp cháu bị các bạn nữ có hành vi trêu đùa quá mức, đụng chạm đến thân thể, có lần còn chặn đánh, quay lại cảnh bắt nạt, cắt tóc cháu đăng lên mạng xã hội…
Mặt trái của ẩn danh
Từng là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến, N.U.P, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể rằng hồi năm nhất, có lần cô và các thành viên chung nhóm cùng xây dựng “kịch bản” nói xấu nhau trên Facebook để thu hút bạn bè vào xem sản phẩm môn học. Dù chỉ đăng thông tin trên trang cá nhân nhưng chỉ vài ngày sau đó, hành động của cả nhóm đã bị công kích ẩn danh bằng những từ ngữ gay gắt, miệt thị trên trang thú tội (confession) có hơn 140.000 lượt theo dõi của trường.
Các hình thức bắt nạt trực tuyến
Theo UNICEF, các hình thức của bắt nạt trực tuyến có thể thường xảy ra là:
Lan truyền những lời nói dối về hoặc đăng những bức ảnh đáng xấu hổ của ai đó trên mạng xã hội;
Gửi tin nhắn hoặc đe dọa gây tổn thương qua các nền tảng kỹ thuật số, mạo danh ai đó và thay mặt họ gửi những thông điệp ác ý cho người khác;
Giả danh ai đó và lấy danh nghĩa của họ gửi những tin nhắn ác ý cho người khác hoặc thông qua tài khoản giả mạo.
UNICEF nhấn mạnh rằng một số trẻ em gặp khó khăn khi chưa thể phân biệt rõ ràng giữa đùa giỡn và bắt nạt trực tuyến. Nhưng nếu bạn cảm thấy khó chịu, tổn thương vì một hành vi trên mạng của ai đó có liên quan đến bạn, và không thể yêu cầu chấm dứt hành vi trên thì rất có thể bạn đang là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến.
Theo Báo Thanh Niên