Hôm nay (8-6), Quốc hội thảo luận dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Trước đó, thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đã quan tâm nhóm cơ chế vượt trội về tổ chức bộ máy để TP.HCM phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân đánh giá việc rút ngắn thời gian giải quyết công việc, tăng nhân lực, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức là mục tiêu mà TP kỳ vọng vào cơ chế vượt trội mới sẽ đáp ứng được.
Rút thời gian, giảm trung gian
TP.HCM đã đề xuất cơ chế cho UBND TP được phân cấp, ủy quyền, giao chức năng – nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn khác trực thuộc TP và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức.
Nói về đề xuất này, ông Huỳnh Thanh Nhân cho rằng qua thực tiễn có những nội dung, công việc thuộc thẩm quyền của quận, huyện giải quyết nhưng phải xin ý kiến thẩm định của các sở, ngành hoặc phải báo cáo UBND TP thống nhất chủ trương. Chưa kể, tại một số luật chuyên ngành về quản lý đô thị, xây dựng…, cùng một nội dung nhưng có nhiều đầu mối là các cơ quan chuyên môn theo dõi, phụ trách dẫn đến việc triển khai thực hiện của UBND cấp quận, huyện còn chưa kịp thời, chưa thể chủ động đưa ra các phương án, quyết định xử lý.
Vì vậy, theo ông Nhân, với việc ủy quyền này, TP muốn tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm, đảm bảo hiệu quả quản lý, điều hành gắn cụ thể trách nhiệm từng cấp chính quyền, từng sở ngành, đơn vị. Qua đó, phát huy vai trò người đứng đầu, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ cũng như có cơ sở để đánh giá hiệu quả công việc ngày càng thực chất hơn.
“Cơ chế này cũng giúp rút ngắn thời gian giải quyết một số nội dung được ủy quyền vì giảm khâu trung gian khi hồ sơ không phải qua sở, ngành thẩm định hoặc phải trình UBND TP xem xét, quyết định. Điều này cũng góp phần thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp” – ông Nhân giải thích thêm.
TP.HCM không để hồ sơ chất cao hơn đầu người
Ngoài cơ chế phân cấp và ủy quyền, dự thảo nghị quyết mới cũng kiến nghị để HĐND TP được quyết định nhân lực cán bộ tại các phường, xã, thị trấn phù hợp với một đô thị đặc biệt. Theo đó, phường, xã, thị trấn từ 15.000 dân trở xuống sẽ bố trí bình quân 8 cán bộ và 15 công chức. Sau đó, cứ 5.000 dân trở lên sẽ bổ sung thêm một công chức.
Đối với phường, xã, thị trấn có từ 50.000 dân trở lên có số lượng đảng viên lớn sẽ bổ sung thêm một cán bộ chuyên trách công tác Đảng. Như vậy, số cán bộ, công chức cần bổ sung dự kiến khoảng 985 người. Về cán bộ không chuyên trách, xã, phường, thị trấn từ 15.000 dân trở xuống sẽ bố trí 14 người, cứ 5.000 dân sẽ bổ sung thêm một người, toàn TP dự kiến thêm 945 người. Cơ chế này tránh việc nơi nhiều việc cần người không có, nơi ít việc lại thừa người.
Vì sao TP cần có cơ chế này?
Ghi nhận ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) vào đầu giờ trưa một ngày cuối tuần đã thấy nhiều người dân có mặt. Ông Vũ Anh Tuấn, công chức địa chính, ngồi trước chồng hồ sơ chất cao ngang mặt. Xã có 16 ấp với ba cán bộ địa chính, mỗi cán bộ phụ trách hơn 50.000 dân, trung bình mỗi tuần nhận khoảng 50 hồ sơ, chưa kể do đặc thù phức tạp về xây dựng còn thường xuyên phải phối hợp tuần tra địa bàn, xử lý vi phạm. Cùng với đó là xử lý công trình tồn các năm, các dự án bồi thường.
“Trước đây, tôi công tác ở xã Tân Túc, dân số hơn 30.000 người, qua đây dân đông gấp 5 lần, việc cũng tăng gấp 5 lần nhưng lượng cán bộ như nhau. Công việc quá nhiều nên khó lòng hoàn thành, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ. Tôi gần như không còn thời gian cho gia đình…” – ông Tuấn nói.
Tương tự, ghi nhận tại phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) là phường đông dân nhất nhì TP, ông Trương Công Dũng, cán bộ tư pháp – hộ tịch, cho hay mỗi năm chỉ riêng thủ tục khai sinh phường phải giải quyết cho hơn 1.000 trẻ em, gấp 3 lần số lượng các phường khác trong khi số lượng công chức phụ trách vẫn như các phường khác.
Do đó việc căn cứ dân số thực tế của từng phường xã để HĐND TP được quyết định nhân lực tại các phường, xã, thị trấn như kiến nghị trên là hết sức cần thiết và phù hợp với một đô thị đặc biệt như TP.HCM.
Tổ chức thực hiện ngay khi cơ chế được thông qua
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Thanh Nhân nhấn mạnh ngay sau khi nghị quyết mới được ban hành, Sở Nội vụ sẽ nhanh chóng tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, mức thu nhập và các chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Đồng thời, TP được phân cấp, ủy quyền đi liền với việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ nên đề xuất trung ương xem xét bố trí thêm biên chế cho TP. “TP rất cần sự quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời từ bộ ngành trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung phân cấp, ủy quyền, nhất là những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế triển khai” – ông Nhân nói.
Cán bộ, công chức phấn khởi với nhiều cơ chế mới
Dự thảo nghị quyết mới cũng đề xuất HĐND TP được quyền dùng ngân sách TP chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức với mức chi không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.
Đáng chú ý, so với nghị quyết 54, lần này TP đề xuất bổ sung thêm đối tượng người lao động, người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn; một số hội có tính chất đặc thù và một số cơ quan trung ương trên địa bàn được hưởng thu nhập bình quân tăng thêm theo hiệu quả công việc.
Theo ước tính, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước của TP phục vụ 700 người dân (trung bình cả nước một cán bộ phục vụ khoảng 350 người dân). Năng suất lao động của TP cao hơn khoảng 2,7 lần năng suất lao động của cả nước.
Ngoài ra, với khối lượng công việc rất lớn, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải sắp xếp thời gian làm thêm buổi tối mỗi ngày, kể cả ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật, để giải quyết hồ sơ nhằm giảm ách tắc công việc của người dân và đảm bảo thời gian giải quyết theo quy định.
Ngoài ra, một trong những cơ chế về tổ chức bộ máy được đề xuất là trao quyền cho UBND TP được quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP.
Theo quy định hiện nay, thẩm quyền này là của Thủ tướng và phải trải qua nhiều trình tự, thủ tục. Đến cuối năm 2021, TP.HCM có 23 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP và 353 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cơ quan chuyên môn và cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP, hơn 1.300 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND quận, huyện, TP Thủ Đức.
Khi thực hiện nghị quyết 54, nghị quyết số 03 của HĐND TP, các đơn vị sự nghiệp công lập trích 40% (riêng lĩnh vực y tế là 35%) số thu được để lại hằng năm nhằm tạo nguồn tăng lương tối thiểu và chi thu nhập tăng thêm. Nếu đơn vị nào tự đảm bảo việc tăng lương tối thiểu theo lộ trình và chi thu nhập tăng thêm sẽ được sử dụng nguồn còn dư để chi đầu tư, thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngoại trừ một số ít đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo kinh phí hoạt động có thể chi tăng lương tối thiểu theo lộ trình và chi thu nhập tăng thêm, nhiều đơn vị sau khi trích nguồn cải cách tiền lương thì không còn nguồn dư và ngân sách nhà nước phải bổ sung.