Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác phải bằng những việc làm cụ thể, gắn liền với cuộc sống và từ đó thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi con người.
Trong hội thảo khoa học “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM, nhiệm vụ và giải pháp”, do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức sáng 6/6, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II bày tỏ không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác là khoảng không gian, là môi trường văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM.
“Điều đó không chỉ dừng lại ở nơi có những giá trị vật thể, những công trình vật thể về Bác, mà còn bao trùm cả thành phố này. Nó gắn liền với các vật thể, ký ức liên quan đến Hồ Chí Minh”, ông nói.
Từ góc nhìn trên, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng cho rằng việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải khắc họa được những đặc điểm, những tính chất văn hóa đặc trưng của Nam Bộ.
Ông nhìn nhận văn hóa của TPHCM cũng là văn hóa chung của cả nước, do đó việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ làm sâu sắc, độc đáo thêm cho thành phố mang tên Bác ở vùng đất phương Nam.
“Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác phải bằng những việc làm cụ thể, gắn liền với cuộc sống và từ đó thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi con người”, ông Dũng chia sẻ.
Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cho biết việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố thực hiện liên tục và kéo dài nhiều nhiệm kỳ…
Dù TPHCM đã xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong suốt nhiều năm qua, bà Thảo cho rằng phải thực hiện nhiệm vụ này với sự tập trung, có điểm nhấn ngay trong năm 2023. “Trong đó, cần hoàn thành quy hoạch tổng thể Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó tiến hành đầu tư thêm một số điểm chính trong những công trình vật thể về Hồ Chí Minh như Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM, Quảng trường Hồ Chí Minh ở Thủ Thiêm…”, bà Thảo đề xuất.
Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cũng đề nghị đẩy mạnh sáng tác văn học nghệ thuật bởi đây là lĩnh vực tác động nhiều đến nhận thức, tình cảm của con người.
“Mỗi chi bộ, cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện phải phấn đấu là một không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ. Mỗi cộng đồng, mỗi gia đình cũng là không gian văn hóa này, trong đó chú trọng đến các công trình của người dân”, bà Thảo nói thêm.
Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng
Kết luận tại hội thảo, Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải khẳng định các nội dung tại hội thảo đã góp phần làm rõ thêm về khái niệm, quan điểm, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác.
“Hội thảo giúp chúng ta nhìn nhận một cách tương đối toàn diện, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, góp phần gợi mở cũng như tổ chức đồng bộ về những giá trị bền vững nhằm xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM”, ông Hải nêu rõ.
Ông Hải đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhằm tạo sự đồng thuận chung trong nhận thức, tư tưởng, đến thống nhất trong hành động, từ đó phát động toàn dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ tại từng địa phương, đơn vị, từng bước hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Thành ủy TPHCM cũng đề nghị các cấp, ngành quan tâm, chú trọng việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng, truyền thông, báo chí…
Theo Báo Tiền Phong