Nhiều mảng chạm và màu sơn cột ở di tích quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang (Vĩnh Phúc) sau trùng tu đã khiến người yêu di sản lo lắng.
Nỗi lo lắng của người yêu đình làng
Hình ảnh về việc tu bổ đình Thổ Tang (TT.Thổ Tang, H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) ngay lập tức đã thu hút người yêu di sản trong nhóm Đình làng Việt. Từ thông tin khởi đầu là những ảnh chụp các cột đình, các mảng chạm sau trùng tu, nhóm những người yêu di sản đặt liên tiếp các câu hỏi về quá trình trùng tu này. “Sau khi đình Thổ Tang trùng tu xong, chúng ta thử so sánh một số mảng chạm qua ảnh chụp từ năm 2014 và mới chụp năm 2023 sẽ thấy chất lượng tu bổ của di tích quốc gia đặc biệt này như thế nào?”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, sáng lập viên nhóm Đình làng Việt, đặt câu hỏi.
Ông Bình phân tích các hình ảnh tư liệu: “Mảng chạm nổi tiếng Hai người đá cầu sau khi tu bổ xong, cánh tay hình người bên phải đã bị bẻ sang tư thế khác. Nhiều mảng chạm, xử lý vết keo gắn rất lem nhem. Mảng chạm có bố cục đông người rất đặc sắc mà chỉ ở đình Thổ Tang có được, sau khi tu bổ xong chẳng hiểu sau lại có bề mặt nham nhở, rất thiếu thẩm mỹ”.
“Tôi cũng không hiểu tại sao cột lại có màu đỏ chói như vậy trong khi màu của cây cột còn lại không phải thế. Các mảng chạm cũng thay đổi chi tiết”, nhà nghiên cứu tự do Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi. Ông Nam cũng là người tham gia thực hiện cuốn sách Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích, tập 1. Tập sách cung cấp tư liệu về những ngôi đình quý, có vẻ đẹp tiêu biểu, trong số đó có đình Thổ Tang.
Theo tư liệu của cuốn sách này, đình làng Thổ Tang là ngôi đình sớm nhất của tỉnh Vĩnh Phúc được xếp hạng là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 29 – VH/QĐ ngày 13.1.1964 của Bộ Văn hóa. Đình làng Thổ Tang nằm trên một bãi đất rộng, quay hướng Tây, nhìn ra sông Phan (một nhánh của sông Cà Lồ), nay đã mất do bị chuyển dòng. Nghi môn mới xây kiểu tứ trụ dẫn vào sân đình từ phía bên phải. Cụm công trình chính có bố cục kiểu chữ Đinh, gồm Đại bái và Hậu cung.
Cuốn Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích, tập 1 cũng khẳng định giá trị của nghệ thuật chạm khắc ở đình Thổ Tang. Theo đó, đình làng Thổ Tang được chạm khắc trang trí khá dày đặc. Nghệ thuật chạm khắc trang trí ở đây mang đậm tính dân gian với các kỹ thuật chạm nổi, chạm kênh bung, chạm thủng. Hình tượng con người được thể hiện dưới hai dạng: tiên nữ và người thường. Đề tài người thường với các sinh hoạt hằng ngày được thể hiện sinh động, phong phú, từ thường dân cho đến tầng lớp quan lại, với các đề tài: uống rượu, chơi cờ, đánh ghen, bơi thuyền, đi cày… Hình tượng con người chủ yếu dùng kỹ thuật chạm nổi với các khối lớn, khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, ít chú ý đến tỷ lệ của cơ thể.
Cũng trong cuốn sách này, mảng chạm người đá cầu được đưa vào giới thiệu với hình ảnh chụp năm 2015. Ở hình này, tay của nhân vật đã bị mất phần bàn tay. Tuy nhiên, hướng phần tay còn lại cũng không giống với hướng tay sau trùng tu tại đình. Đây cũng chính là mảng chạm được ông Nguyễn Đức Bình nhắc tới.
Sở chỉ trách nhiệm lên Bộ dù đã phân cấp
Năm 2018, đình làng Thổ Tang trở thành di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2019, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 71 quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ hệ thống di tích lịch sử – văn hóa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2019 – 2025. Nghị quyết này quyết định đầu tư, hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo theo lộ trình 63 di tích đang xuống cấp từ 60% trở lên, trong đó ưu tiên đầu tư, hỗ trợ các di tích quốc gia đặc biệt.
Theo nghị quyết này, các di tích quốc gia đặc biệt được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ 100% kinh phí theo dự án được duyệt. Hai di tích quốc gia đặc biệt đang bị xuống cấp nghiêm trọng là tháp Bình Sơn và đình Thổ Tang được tỉnh đầu tư khoảng 40 tỉ đồng để trùng tu, tôn tạo. Cũng tại văn bản này, tỷ lệ xuống cấp của đình Thổ Tang được xác định là 70%. Tháng 5.2022, UBND H.Vĩnh Tường phối hợp với đơn vị chủ đầu tư và các cơ quan liên quan tiến hành khởi công tu bổ, tôn tạo di tích đình Thổ Tang.
Về hiện trạng đình làng Thổ Tang mà các nhà nghiên cứu tự do, cũng là những người yêu đình làng phản ánh, Sở VH-TT-DL Vĩnh Phúc cho biết việc này nên hỏi Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL). Ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở VH-TT-DL Vĩnh Phúc, cho biết dự án đình Thổ Tang do Bộ VH-TT-DL duyệt. “Cái này của Bộ, phải làm việc với Bộ VH-TT-DL. Đây là di tích quốc gia đặc biệt, Cục Di sản duyệt trực tiếp. Chắc chắn là y hệt Cục phê duyệt, di tích quốc gia đặc biệt cơ mà. Không bao giờ dám lệch được”, ông Đô nói.
Theo TS Nguyễn Viết Cường, Trưởng phòng Quản lý di tích (Cục Di sản văn hóa), việc tu bổ di tích quốc gia được quy định tại Nghị định 166 về quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh cũng như Thông tư số 15 quy định chi tiết một số quy định về bảo quản tu bổ, phục hồi di tích. Theo đó, Bộ ban hành văn bản thẩm định là cơ sở cho tỉnh xem xét trước khi phê duyệt dự án. Điều đó có nghĩa là Cục Di sản văn hóa chỉ có thỏa thuận về chuyên môn, việc tu bổ sau đó do địa phương thực hiện và chịu trách nhiệm.
Theo Báo Thanh Niên