Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM không chỉ kỳ vọng đưa TP bật lên về kinh tế mà còn hướng tới một cuộc sống xanh hơn, chất lượng hơn, tiệm cận và ngang bằng với những TP lớn của thế giới.
Kế hoạch thực hiện có thể sẽ bắt đầu từ Cần Giờ. Tại cuộc trao đổi với báo chí mới đây, ông Trần Quang Lâm – giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM – cho biết TP đang nghiên cứu ưu tiên thí điểm 100% xe điện trên toàn huyện Cần Giờ và một số khu vực, lĩnh vực trong TP. Cơ chế đặc thù sẽ là chìa khóa quan trọng để thực hiện đề xuất này.
Về Cần Giờ đi xe điện
Cách trung tâm khoảng 50km, Cần Giờ được xem là “lá phổi xanh” của TP do có rừng phòng hộ, hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Thành ủy TP.HCM đã có nghị quyết định hướng phát triển Cần Giờ đến năm 2030, với mục tiêu đưa khu vực này trở thành TP nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.
Để gìn giữ “lá phổi xanh”, rất cần xây dựng một hệ thống giao thông xanh theo hướng hiện đại. Lộ trình mà Sở Giao thông vận tải đề xuất là đến năm 2025 phủ kín xe điện 100% cho Cần Giờ.
Có thể hình dung thế này: khi cầu Cần Giờ hoàn thành, tại khu vực Mỹ Khánh sẽ hình thành một bãi đệm. Xe cộ khi đi vào Cần Giờ nếu không phải xe điện sẽ dừng lại. Người dân sẽ được xe điện trung chuyển chở đi các nơi trong huyện Cần Giờ.
Đánh giá về việc TP chọn thí điểm áp dụng phương tiện xanh ở huyện Cần Giờ, PGS.TS Vũ Anh Tuấn – giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường ĐH Việt Đức) – nhận định đề xuất này là rất cần thiết.
Theo ông, Cần Giờ là “lá phổi xanh” cần được bảo vệ, giữ gìn và còn là tiềm năng du lịch rất lớn. Với khoảng 80.000 dân, xe máy khá nhiều nên việc thí điểm áp dụng xe điện sẽ giúp nơi đây thành vùng phát thải thấp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Ngọc Hải – trưởng phòng quản lý vận tải Sở Giao thông vận tải TP.HCM – khẳng định vào năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khi carbon và khí mêtan.
Việc chuyển đổi phương tiện xanh đã có lộ trình cụ thể. Vì vậy, cơ chế đặc thù sẽ là chìa khóa để TP triển khai đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.
Ông Hải cho rằng khi cơ chế đặc thù được thông qua, TP sẽ triển khai khoanh vùng áp dụng thí điểm sử dụng xe điện ở một số khu vực, ví dụ như Cần Giờ…
Theo dự thảo nghị quyết, HĐND TP ban hành chính sách, dùng ngân sách để khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi và lộ trình để cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi từ xe chạy xăng, dầu sang xe điện.
Theo đó, TP sẽ chi ngân sách để thu mua, đổi xe cũ sang xe mới sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường và sử dụng xe công cộng nhằm giảm ùn tắc giao thông.
TP sẽ phân vùng khu vực hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp không chấp hành theo quy định.
Phải nhanh chân vì nhiều nước đã làm giao thông xanh
PGS.TS Vũ Anh Tuấn đánh giá những năm qua giao thông xanh đã trở thành xu hướng chung của thế giới. Các nước Mỹ, Đức, Pháp… cam kết đến năm 2030 giảm phát thải và không phát thải CO2 từ năm 2040.
Ở Trung Quốc, để khuyến khích mạnh và hiệu quả, họ hỗ trợ tiền mặt từ 4.000 – 5.000 USD cho những trường hợp đổi xe cá nhân.
Đến nay, Trung Quốc đang dẫn đầu trong sử dụng năng lượng xanh, có nơi như Thâm Quyến sử dụng buýt điện 100%. Ấn Độ, Thái Lan… cũng đang chuyển đổi năng lượng xanh mạnh mẽ.
Để phát triển được giao thông xanh, ông Tuấn nhận định TP cần phải có quy hoạch lâu dài về đi lại, hạ tầng, phủ kín trạm sạc cùng loạt chính sách chuyển đổi. Nhất là chính sách khuyến mãi, trợ giá trong giai đoạn đầu để người dân, doanh nghiệp tham gia chuyển đổi.
Còn đối với chuyển đổi xe công cộng thì thách thức đặt ra là làm sao chuyển từ xe chạy xăng, dầu diesel sang chạy điện. Theo ông Tuấn, phải có chính sách đột phá, Nhà nước và tư nhân cùng làm.
Chúng ta ước tính từ nay đến năm 2025 trở đi, tuyến buýt mở mới nhiều, cần đổi đoàn xe nhiều. Toàn bộ phải chuyển sang xe điện, bình quân một xe giá 7-8 tỉ đồng, trong khi xe chạy xăng hoặc diesel chỉ 2-3 tỉ đồng.
Nhà đầu tư tư nhân khó mà kham nổi, vì vậy cần sự chia sẻ và hỗ trợ từ Nhà nước ở giai đoạn ban đầu.
Theo ông Tuấn, TP.HCM có thể tham khảo các nước trên thế giới và áp dụng phù hợp với đặc điểm TP.HCM. Từ đó đưa ra hình thức, phương án trợ giá hợp lý, đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp.
Phương án tốt nhất là tập trung vào hỗ trợ trong giai đoạn đầu mua và khai thác xe buýt điện, hỗ trợ ít nhất 30% giá trị xe. Sau quá trình khai thác, các đơn vị điều chỉnh trợ giá cho phù hợp. Về phía doanh nghiệp phải cam kết vận hành trên các tuyến buýt tối thiểu 10 – 12 năm.
Khi xe buýt điện vận hành sẽ đem lại giá trị tốt hơn, có thể điều chỉnh giá vé cao hơn để bù đắp chi phí đầu tư.
Tính ra theo vòng đời 10 năm khai thác liên tục thì chi phí xe buýt điện khoảng 19.000 – 20.000 đồng/km. Con số này chỉ cao hơn xe xăng, diesel vài ngàn đồng nhưng giá trị giao thông xanh mang lại cao hơn, bền vững hơn.
“TP.HCM đang có quyết tâm chính trị rất lớn và chúng ta cần phương án tốt nhất. Có thể xem xét ba phương án như Nhà nước đầu tư phương tiện và cho tư nhân thuê lại khai thác hoặc tổ chức đấu thầu cho nhà đầu tư sản xuất cho thuê lại khai thác hoặc trợ giá mua xe”, ông Tuấn nêu.
Còn theo ông Đỗ Ngọc Hải, sau khi nghị quyết được thông qua, TP sẽ lập tổ công tác xây dựng kế hoạch triển khai.
Trong đó, đề xuất các bộ ngành ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn… về đầu tư hạ tầng trạm sạc. Phủ khắp trạm sạc là một yêu cầu cấp thiết để TP phát triển xe điện.
Các trạm sạc có thể thực hiện theo hình thức xã hội hóa, TP sẽ có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp hoặc người dân tham gia đầu tư.
Theo ông Đỗ Ngọc Hải, các đô thị hiện đại trên thế giới đã sớm xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, chính sách hỗ trợ phát triển xe điện hoàn chỉnh.
Chẳng hạn ở Amsterdam của Hà Lan, họ hỗ trợ 4.000 euro khi mua xe mới, đổi xe cũ hỗ trợ 2.000 euro. Dự kiến năm 2030, Amsterdam sẽ cấm ô tô và xe máy đi vào TP nếu không phải là xe điện.
Chưa làm được vì thiếu cơ chế
Cách đây 13 năm, Thủ tướng đã phê duyệt đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe máy. Giai đoạn 2010 – 2013 triển khai đề án tại hai đô thị lớn nhất nước là TP.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, đề án vẫn chưa được thực hiện do nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan.
Ba năm trước, TP.HCM đã triển khai nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải mô tô, xe máy đang hoạt động để tiến tới thí điểm kiểm soát khí thải, góp phần cải thiện môi trường.
Gần 11.000 xe được kiểm tra trên địa bàn hai quận Tân Phú và Phú Nhuận và cuộc điều tra xã hội học với quy mô hàng ngàn người. Kết quả, vì cuộc sống xanh, môi trường sạch và đặt lợi ích sức khỏe lên hàng đầu, rất nhiều người dân ủng hộ triển khai kiểm soát khí thải.
Đề án đã hoàn thiện mà chưa thể triển khai thực tế bởi hiện chưa có quy định về kiểm định khí thải định kỳ cho xe máy, xe ba bánh đang lưu hành.
Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người đi xe không thực hiện kiểm định, xe không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải cũng chưa có. Vì vậy, dù muốn hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện cũng chưa có cơ sở.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là cảng xanh
Dự thảo nghị quyết cơ chế đặc thù cho TP phát triển cũng ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM đầu tư dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Cảng trung chuyển này hiện đang được TP xây dựng đề án.
Cảng sẽ sử dụng công nghệ cảng xanh, sử dụng điện. Nhà đầu tư cũng đã cam kết mang công nghệ hiện đại nhất đến Cần Giờ.
Quen dần với xe buýt điện
Không chỉ xe buýt điện, hiện nay nhiều nhà đầu tư cũng đã đề xuất chuyển đổi sang sử dụng xe điện vào các hoạt động taxi, giao hàng, chở khách du lịch…
Người dân muốn có thêm buýt điện
Tuyến xe buýt điện số D4 (Vinhomes Grand Park – bến xe buýt Sài Gòn) là tuyến xe buýt điện đầu tiên hoạt động tại TP.HCM. Nó như một làn gió mới thu hút hành khách đi lại đông hơn trên các tuyến vận tải công cộng của TP.
Đi từ bến xe buýt Sài Gòn đến khu đô thị Sala, anh Bùi Thanh Nghĩa (26 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho biết từng đi du lịch tại nước Anh và ở đó xe buýt của họ cũng sử dụng điện.
Hiện xe buýt điện chạy ở TP.HCM cũng rất hiện đại giống xe buýt ở Anh mà anh từng có dịp sử dụng, có cả ghế cho người khuyết tật, xe lăn và xe đẩy em bé. Anh mong rằng TP sẽ mở rộng nhiều tuyến xe buýt và xe tham quan trong nội thành hơn.
Còn anh Nguyễn Tiến Đạt (23 tuổi, ngụ quận 1) bị ám ảnh với mùi đặc trưng khi đi cạnh những chiếc xe buýt hiện tại là mùi khói xe. “Khói thải từ xe buýt khiến tôi ngột ngạt, tuy nhiên với những chiếc xe buýt điện thì tôi không còn ngửi thấy mùi này nữa”, anh Đạt chia sẻ.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, tuyến xe buýt điện đầu tiên của TP sau một thời gian triển khai thí điểm nhận được sự quan tâm rất lớn từ hành khách. Và người dân mong muốn các tuyến buýt điện trên địa bàn TP được mở rộng thêm.
Về chính sách cho loại xe này, hiện Trung tâm Giao thông công cộng TP đang triển khai xây dựng đơn giá, định mức cho loại xe này.
Khi có đơn giá định mức cùng với chiến lược phát triển phương tiện xanh sẽ góp phần thu hút hơn nữa doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia.
Không chỉ xe buýt điện mà thời gian qua nhiều nhà đầu tư cũng đề xuất thêm các loại hình xe điện mới nhằm đáp ứng việc đi lại của người dân.
Cụ thể, mới đây Công ty TNHH Saigon Public Transport đề xuất đề án sử dụng loại xe điện 5 – 14 chỗ chở khách tham quan ở khu vực trung tâm TP. Hay các doanh nghiệp hiện nay cũng đã đưa vào dịch vụ giao hàng bằng xe điện.
Chuẩn bị các kịch bản
Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) nghiên cứu xây dựng kế hoạch hành động giao thông vận tải bằng xe điện tại TP.HCM.
Hiện công trình đã hoàn thiện báo cáo cuối kỳ, dự kiến đầu tháng 6-2023 sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề và công bố kết quả nghiên cứu.
Hiện đơn vị tư vấn đã đưa ra các kịch bản và từng giai đoạn phát triển giao thông điện TP, bao gồm kịch bản phát triển cho xe điện cá nhân và xe công cộng sử dụng điện và ước tính quy mô hạ tầng trạm sạc, nhu cầu năng lượng.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đề nghị Sở Công Thương TP chủ trì xem xét cho ý kiến về một số nội dung.
Cụ thể là xác định khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phù hợp với kế hoạch, lộ trình chuyển đổi xe điện theo các kịch bản và từng giai đoạn phát triển giao thông điện TP.
Tiếp đó là kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện để nâng cao năng lực truyền tải, đảm bảo cung ứng điện ổn định vừa phát kinh tế – xã hội vừa đảm bảo nguồn điện dự trữ cung ứng cho việc phát triển xe điện theo từng giai đoạn.
Cuối cùng, các kế hoạch và các giải pháp phát triển hệ thống trạm sạc và các đề xuất, kiến nghị liên quan nhằm đáp ứng mục tiêu, kế hoạch chuyển đổi xe điện trên địa bàn TP.
Đưa taxi điện vào sân bay
Công ty cổ phần di chuyển xanh và thông minh GSM đã đề nghị được cung cấp dịch vụ taxi điện tại các sân bay, góp phần giảm phát thải khí carbon và khí mêtan, và Bộ Giao thông vận tải đã có ý kiến đồng thuận.
Bộ đề nghị Cục Hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không phối hợp hướng dẫn, tạo điều kiện cho Công ty cổ phần di chuyển xanh và thông minh GSM được triển khai taxi điện tại các sân bay theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Báo Tuổi Trẻ