Trải qua hơn 2 thập kỷ với 10 phần phim, thương hiệu bom tấn Fast & Furious đã vô số lần bị đánh giá ngày càng “siêu thực”, “bất chấp các định luật vật lý” và ngớ ngẩn. Vậy tại sao nó vẫn là một trong những “franchise” ăn khách nhất của Hollywood, tổng giá trị doanh thu đã lên đến hơn 6 tỉ USD?
Fast X – phần phim thứ 10 thuộc loạt Fast & Furious vừa ra mắt khán giả toàn cầu hồi tuần trước. Phim hiện giữ vị trí số 1 tại phòng vé ở 84 quốc gia ngoài Bắc Mỹ với doanh thu 251,4 triệu USD, trở thành bộ phim có doanh thu mở màn lớn nhất tại thị trường quốc tế tính từ đầu năm đến nay. Trên toàn cầu, bộ phim đạt tổng doanh thu 320 triệu USD.
Dễ thấy Fast & Furious chưa bao giờ vơi đi sức nóng với khán giả dù thương hiệu này đã được duy trì qua hơn 2 thập kỷ, với 10 phần phim. Đáng nói, chất lượng của Fast & Furious luôn là điều gây chia rẽ trầm trọng, người thì yêu thích, người thì chê bai thậm tệ. Phim lúc nào cũng đạt doanh thu “khủng” bất chấp bị đánh giá sở hữu kịch bản ngu ngốc, hỗn độn và càng ngày càng phi logic. Có những lý do khiến cho câu chuyện về Dom Toretto cùng gia đình tốc độ của anh luôn kích thích khán giả ra rạp.
Màu sắc ‘độc nhất vô nhị’
Năm 2000, nhà báo Ken Li điều tra về giới đua xe ngầm tại New York và cho ra đời bài viết Racer X trên tạp chí Vibe. Nó đã trở thành nguồn cảm hứng để hãng Universal cho ra đời bộ thương hiệu tỉ đô Fast & Furious. Phần đầu tiên chỉ được đầu tư với kinh phí của một bộ phim hạng B 38 triệu USD, với kỹ xảo còn khá xoàng xĩnh. Tuy nhiên, với góc độ khai thác độc đáo, cốt truyện đơn giản đánh trúng nhu cầu giải trí của khán giả đại chúng, Fast & Furious thu về 144,5 triệu USD tại Bắc Mỹ và 207,2 triệu USD trên toàn thế giới. Con số phòng vé này thuộc hàng ấn tượng ở thời điểm 2001.
Sau khởi đầu rực rỡ, Universal mạnh dạn đầu tư cho những phần tiếp theo. Fast & Furious đi theo mô tuýp hành động đơn giản, xoay quanh những con người nằm ngoài vòng pháp luật nhưng vẫn mang hào quang “anh hùng” nhờ sở hữu tinh thần trượng nghĩa, biết đấu tranh cho lẽ phải. Đặc sản của Fast & Furious là những màn đua xe tốc độ thần sầu, loạt phân cảnh hành động, cháy nổ, đánh đấm mãn nhãn. Phim sặc mùi nam tính, đánh mạnh vào niềm đam mê phiêu lưu mạo hiểm của phái mạnh: những chiếc xe phân khối lớn, bạo lực, chiến đấu và tất nhiên là cả những cô đào nóng bỏng.
Thông thường, các loạt phim hành động thường rơi vào trạng thái “đuối” sau “triology” (bộ ba). Để tránh sa ngã vào tình cảnh này, đội ngũ “cầm trịch” Fast & Furious đã có những định hướng táo bạo cho thương hiệu phim này. Từ phần 4 (ra mắt 2004), Fast & Furious đưa dàn diễn viên chính gồm Paul Walker, Vin Diesel, Jordana Brewster, Michelle Rodriguez trở lại đầy đủ và khai sinh khái niệm “Gia đình Fast”, xác lập giá trị tình thân vốn là sợi chỉ đỏ cho toàn bộ các phần phim sau. Cùng lúc, tiêu chí vui, lạ, kích thích adrenaline được đưa lên hàng đầu, logic có thể được bỏ qua. Các đạo diễn vì vậy có thể tha hồ phóng tác những pha hành động không tưởng, thậm chí ngốc nghếch, miễn nó độc lạ và giải trí. Bước ngoặt theo chủ nghĩa thượng tôn giải trí này đưa Fast & Furious đến với quy mô khán giả lớn mạnh hơn.
Giải trí không cần dùng não
Những khoảnh khắc hành động bất chấp mọi quy luật vật lý của Fast & Furious mang đến cho người xem trải nghiệm khiến họ phải há hốc mồm. “Trò vui” trong dàn cảnh hành động và ứng dụng công nghệ kỹ xảo của phim được nâng cấp theo thời gian. Ngoài ra, bối cảnh câu chuyện cũng được nới giãn hết cỡ, không còn khu biệt trong phạm vi Los Angeles mà “bành trướng” ra tận Mexico, Tokyo, Rio de Jainero, London… Vì vậy, khán giả cũng như được đi du lịch cùng các thành viên nhà Dom.
Ước tính có tới hơn 12.000 chiếc ô tô đã được sử dụng trong cả 10 phần phim. Khoảng 2.500 chiếc xe đã bị phá huỷ trong suốt quá trình làm phim, đồng nghĩa với việc cứ 49 giây trong phim sẽ có 1 chiếc ô tô bị phá huỷ hoàn toàn. Càng về những phần cuối, mức độ điên rồ trong các pha hành động của Fast & Furious càng “ảo diệu”, từ những pha câu xe lên không trung, kéo lê két sắt ngân hàng trên cao tốc, chạy đua với bom hẹn giờ cày nát thành Rome… Hơn nữa, tham chiến không chỉ có ô tô mà còn có cả container, xe tăng, trực thăng. lẫn tàu ngầm hạt nhân.
Mỗi một phần Fast & Furious ra đời, khán giả biết rõ họ đang bỏ tiền mua vé để được thụ hưởng điều gì. Những căng thẳng đời thường sẽ được giải tỏa thông qua đường đua rực lửa, những chiếc xe sáng loáng được “độ” một cách thần sầu gây thích thú, rượt đuổi, cháy nổ, lật xe… Sau những hồi vờn nhau, kẻ xấu bị trừng trị, hoặc được “thuần hóa” để trở thành bạn bè, chiến hữu. Đọng lại ở cuối phim bao giờ cũng là những giây phút đoàn tụ gia đình ấm áp. Những nhân vật bạn yêu thích sau khi lâm vào bi kịch sinh tử vẫn có thể được hồi sinh ngoạn mục ở phần sau.
Đó là thứ trải nghiệm giải trí dễ chịu, ít rủi ro. Một khi đến với Fast & Furious, khán giả cũng đã biết rõ bản thân không nên đòi hỏi sự tinh vi trong logic câu chuyện hay tìm kiếm sự suy ngẫm. Thế nên dù có ngớ ngẩn đến mức nào, chỉ cần Dom Toretto vẫn sống, những “quái xế” vẫn còn băng băng trên đường đua thì khán giả vẫn còn tiếp tục xem Fast & Furious.
Dàn sao ‘khủng’
Fast & Furious góp phần đưa tên tuổi của Paul Walker, Vin Diesel, Jordana Brewster, Michelle Rodriguez thành sao. Song, khi tạo được danh tiếng, thương hiệu này cũng là nơi “quyến rũ” nhiều ngôi sao hạng A khác của Hollywood gia nhập. Có thể kể đến: Hellen Mirren, Charlize Theron, Jason Statham, Gal Gadot, “The Rock” Dwayne Johnson, John Cena, Brie Larson, Jason Momoa…
Đây là những gương mặt mà khi tên họ chỉ cần được in lên poster thì công chúng sẽ ồ ạt đi xem phim chưa cần biết đó là phim gì, nội dung ra sao. Chẳng cần một vai diễn quá sâu sắc, những ngôi sao trên chỉ cần đứng vào khung hình là đã tỏa sáng nhờ nhan sắc hơn người. Qua mỗi phần phim, Fast & Furious cũng rất chịu khó chiêu mộ thêm các diễn viên mới đa sắc tộc. Điều này vừa mang đến phong vị mới lạ cho phim, cũng giúp Fast & Furious chinh phục con tim của khán giả trên khắp thế giới.
Một điểm sáng nữa ở Fast & Furious nằm ở chỗ nó có sự chuyển hóa tích cực, từ một bộ phim đầy nam tính tiến dần đến tôn vinh nữ quyền. Không giống với các phim hành động đơn thuần khác thích đặt các nhân vật nữ nào thế yếu, cần giải cứu, thương hiệu này lại làm đậm cá tính, khả năng kiểm soát cục diện cuộc chơi của phụ nữ. Phim đưa phái đẹp vào “cuộc chơi vô lăng”, hô biến những kiều nữ nóng bỏng thành các tay đua cộm cán, chiến đấu ngầu không thua kém đấng mày râu.
‘Drama’ từ phim đến đời thực
Xuyên suốt hơn 20 năm phát triển thương hiệu, các nhân vật trong Fast & Furious trải qua nhiều cột mốc thách thức, có hòa thuận, xích mích, thậm chí sinh tử. Ngoài đời, dàn diễn viên phim cũng trải qua nhiều thăng trầm tương tự. Sự tương đồng đó tạo nên sức hút về mặt truyền thông cho phim. Bởi công chúng luôn có chuyện để nhắc về Fast & Furious.
Dàn diễn viên trụ cột của Fast & Furious biết nhau từ khi còn là những diễn viên vô danh, họ sát cánh trên màn ảnh rộng và đồng thời trở thành những người bạn thân thiết thực sự ở ngoài đời. Điều này thấy rõ sau khi Paul Walker không may qua đời vì tai nạn ô tô. Sau khi Paul mất, Diesel vẫn thường xuyên chăm sóc con gái Paul là Meadow Walker dưới tư cách của cha đỡ đầu. Vào năm 2015, Diesel đã đặt tên con gái mới chào đời là Pauline, như một cách tưởng nhớ tới người bạn yểu mệnh. Cái chết của Paul Walker, tình nghĩa và cách đối đãi mà đoàn phim cùng các diễn viên dành cho anh đã đưa Fast & Furious một bước nữa gần hơn với một huyền thoại.
Bên cạnh sự gắn bó keo sơn, “drama” xoay quanh những vụ mích lòng, cạch mặt giữa các diễn viên hay giữa diễn viên với hãng phim cũng là đề tài được công chúng quan tâm. Cả Vin Diesel, Paul Walker và Michelle Rodriguez từng có những khoảng thời gian không hài lòng với mức cát sê mà Universal trả để họ tiếp tục góp mặt trong Fast & Furious. Riêng Michelle Rodriguez còn từng tính rút lui khỏi loạt phim vì không hài lòng với kịch bản có cách mô tả sáo rỗng về nhân vật của cô. Tuy nhiên, họ đều đạt được thỏa thuận với hãng phim sau đó và tiếp tục gắn bó.
Vụ xích mích đình đám nhất phải kể đến mâu thuẫn giữa Vin Diesel và Dwayne Johnson. Vin Diesel và Dwayne Johnson bắt đầu hợp tác với nhau trong phần Fast Five ra mắt năm 2011. Sau quãng thời gian phối hợp tốt với nhau, vào ngày 8.8.2016, The Rock bất ngờ lên Instagram bóng gió một số bạn diễn nam có thái độ thiếu chuyên nghiệp trên trường quay. Theo các tin đồn bên lề, sự bất hòa của Dwayne Johnson và Vin Diesel đã nhen nhóm từ lâu và bùng nổ dữ dội trên phim trường Furious 7 (2015). Fast & Furious 8 là phần phim cuối mà Dwayne Johnson tham gia.
Theo Báo Thanh Niên