Thuốc hiếm không phải dùng thường xuyên, nhưng khi cần dùng mà không có thì tính mạng bệnh nhân bị đe dọa…
Đầu năm 2021, ở TP.HCM và một số tỉnh Đông Nam bộ có nhiều bệnh nhân (BN) được xác định ngộ độc botulinum. Các BN phải nằm điều trị nhiều tháng, thậm chí tử vong vì không có thuốc giải độc.
6 lọ thuốc quý hiếm xài 2 năm đã hết
Ngày 17.4.2021 BV Chợ Rẫy tiếp nhận 6 lọ thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải độc botulinum, trong đó có 1 lọ được tài trợ (lúc đó Bộ Y tế cho phép mua 30 lọ). Mỗi lọ có giá 8.000 USD. Tiền công vận chuyển thuốc từ Canada về là 2.500 USD (hiện nay tăng lên 6.500 USD). Sau đó, BV đã sử dụng 1 lọ để cứu BN trong vụ ngộ độc botulinum sau ăn pate Minh Chay.
Giữa tháng 3.2023, khi xảy ra vụ ngộ độc botulinum sau khi ăn cá chép ủ chua ở Quảng Nam với khoảng 10 BN, BV Chợ Rẫy đã mang ra BV đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam 3 lọ thuốc BAT, truyền cứu các BN nặng, còn lại 2 lọ.
Trong tuần vừa qua, tại TP.HCM đã xảy ra chùm ca bệnh ngộ độc botulinum với 6 người mắc tại TP.Thủ Đức, trong đó có 3 trẻ em. BV Chợ Rẫy điều chuyển 2 lọ thuốc BAT cuối cùng từ Quảng Nam vào truyền cho 3 bệnh nhi, đến nay 2 em vẫn còn thở máy. Còn 3 BN là người lớn (18, 26 và 45 tuổi) bị ngộ độc sau chỉ nằm điều trị hỗ trợ, thở máy, liệt cơ do đã hết thuốc BAT.
Ngày 23.5, BV Chợ Rẫy cho biết đã có kiến nghị Bộ Y tế cho phép mua thuốc BAT để điều trị ngộ độc botulinum.
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, hiện BV đã hết thuốc BAT giải độc đặc hiệu ngộ độc botulinum. Đây là vấn đề rất đáng tiếc cho BN cũng như nan giải cho các bác sĩ (BS) điều trị. BN ngộ độc botulinum nếu được sử dụng sớm thuốc BAT giải độc thì 48 – 72 giờ có khả năng thoát khỏi bị liệt, hay phải thở máy; nếu BN thở máy 1 – 2 ngày sau khi ngộ độc thì trung bình 5 – 7 ngày có thể hồi phục và có thể bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu để trở về với cuộc sống bình thường. Nếu không có thuốc BAT thì chỉ điều trị hỗ trợ, chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy. Nhiều biến chứng có thể xảy ra do BN thở máy kéo dài, BS điều trị phải đối diện với rất nhiều thách thức trong quá trình điều trị.
Thiếu nhiều thuốc hiếm khác
Vào tháng 4.2021, một BN 14 tuổi ngụ Tiền Giang bị rắn hoa cổ đỏ cắn. BN được chuyển đến BV Nhi đồng 1 trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo, rối loạn đông máu, máu chảy từ vết thương không cầm, xuất huyết nhiều nơi. Dù đã được truyền máu liên tục nhưng BN vẫn suy hô hấp, tử vong trong sự nuối tiếc của y – BS. Thời điểm này nhiều nước cũng không có huyết thanh kháng nọc rắn này, chỉ có Nhật Bản đang nghiên cứu, muốn sử dụng phải có ký kết hợp tác nghiên cứu.
PGS-TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc BV Nhi đồng 1, cho biết hiện nay BV cũng đang thiếu thuốc Methylen Blue để giải độc cho BN ngộ độc Methemoglobin (có trong củ dền, thuốc diệt cỏ, thuốc nhuộm…). Đây là thuốc quý hiếm, lúc có lúc không, và hiện không có. “BN thì lúc có, lúc không nên BV không thể mua số lượng nhiều, còn mua ít thì không ai bán. Do đó, nhiệm vụ quốc gia mà cụ thể là Bộ Y tế phải lo chuyện này”, PGS-TS Quang đề xuất.
BS Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc BV Nhi đồng TP.HCM, cũng cho biết thuốc Methylen Blue rất rẻ, chỉ vài ngàn đồng/lọ nhưng không ai nhập vì số lượng mua quá ít, do ít BN. Nếu mua xài không hết thì bị quy trách nhiệm vì dự trù không sát.
Về huyết thanh kháng nọc rắn thì BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng TP.HCM có huyết thanh kháng nọc rắn lục, rắn hổ đất trong nước sản xuất; huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp (mua ở Thái Lan), nhưng thiếu huyết thanh kháng nọc rắn đa giá (dùng điều trị những hội chứng nhiễm độc do rắn độc cắn trong tình huống chưa xác định chắc chắn loại rắn).
“Với 1 BN bị nọc độc rắn hổ cũng giống như ngộ độc botulinum, nếu có thuốc giải độc thì BN sẽ không phải thở máy, khỏe và sống. Còn không có thuốc thì BN thở máy kéo dài nhiều tháng và nguy cơ tử vong do nhiễm trùng huyết, viêm phổi”, PGS-TS Quang nói. Theo ông, tất cả những ca bị rắn cắn nếu BN đến được BV và có thuốc giải độc kịp thời thì phần lớn được cứu sống. Ông cũng chia sẻ nếu dùng thuốc hiếm mà “xách tay” (thuốc đúng, thuốc tốt) để cứu người khẩn cấp thì phải họp hội đồng chuyên môn, xin phép Sở Y tế cho phép thì mới dám dùng.
Không chỉ hết thuốc BAT, BV Chợ Rẫy cũng cho biết thêm đang thiếu thuốc điều trị ngộ độc các kim loại nặng, do chưa tìm được nguồn cung và còn vướng ở khâu kê khai giá.
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, không chỉ ngộ độc botulinum là nguy hiểm mà tất cả ngộ độc cấp đều nguy hiểm nên cần có các loại thuốc quý hiếm. Các loại thuốc này cũng có thể là thuốc đắt tiền và cũng không có sẵn ở nhiều nước, kể cả một số nước phát triển chứ không riêng VN. Theo ông, cần có thống kê, nghiên cứu và xây dựng chiến lược, danh mục thuốc quý hiếm để tích lũy, điều phối cấp Quốc gia, vì nhu cầu dùng thuốc giải độc ngày càng nhiều hơn. Khi có thuốc sẵn giúp cứu sống BN, ít bị biến chứng.
“Như ngộ độc botulinum, nếu không có thuốc giải độc thì BN phải thở máy 3 – 6 tháng, chịu rất nhiều biến chứng. Nếu tính kinh tế thì thở máy từ 3 – 6 tháng và quá trình chăm sóc phòng biến chứng có chi phí cao hơn nhiều so với giá 1 lọ thuốc. Có nguồn thuốc chủ động là điều chúng tôi mong muốn để giải quyết sớm cho BN”, TS-BS Lê Quốc Hùng cho biết.
Đề xuất lập kho thuốc hiếm cấp Quốc gia
“Ở các khoa hồi sức chống độc từ trước đến nay luôn thiếu thuốc chống độc. Hội Cấp cứu chống độc VN cũng từng đề xuất lập trung tâm thuốc hiếm đặt ở các BV lớn ở từng khu vực Bắc, Trung, Nam để khi cần thì điều chuyển. Thuốc chống độc, thuốc hiếm thì mua ít, mà mua ít thì không ai bán. Do đó, phải quản lý ở cấp Quốc gia”, PGS-TS Phạm Văn Quang đề xuất.
Theo đại biểu Quốc hội – PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, nhiều năm nay bên cạnh thuốc bình thường xài số lượng lớn, đấu thầu mua được thì còn nhóm thuốc hiếm lượng tiêu thụ ít, đa số các công ty ít khi nhập. Trong khi đó, các BV thường “nước tới chân mới nhảy”, vì mua để hết hạn dùng không sử dụng phải bỏ. Theo bà, việc mua thuốc hiếm hiện nay theo kiểu “ăn đong”, lúc cần mới loay hoay đi kiếm mua. Điều này vừa mất thời gian, vừa vướng thủ tục, lại lẻ tẻ từng BV.
“Nên có cơ chế dự trữ thuốc Quốc gia đặt ở 3 miền, dự trù thuốc hiếm cho nhiều năm. Khi có nhu cầu thì báo trước và thương lượng với các công ty để sản xuất, nhập khẩu, như vậy cũng sẽ có giá phù hợp. Đề nghị Bộ Y tế làm đầu mối, các BV thống kê các thuốc hiếm nhu cầu sử dụng mỗi năm. Đề nghị Chính phủ có quỹ để mua dự trữ thuốc Quốc gia. Cái quan trọng nhất là sinh mạng con người”, PGS-TS Phong Lan đề xuất.
Thuốc điều trị khẩn cấp ngộ độc Botulinum đã về đến TP.HCMTheo Bộ Y tế, tối 24.5, 6 lọ thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent (BAT) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ khẩn cấp được gửi từ kho của WHO tại Thụy Sĩ đã về đến TP.HCM, kịp thời điều trị cho các BN ngộ độc botulinum . Trước đó, Bộ Y tế nhận được công văn của Sở Y tế TP.HCM ngày 21.5 về các trường hợp ngộ độc botulinum đang điều trị tại TP.HCM và nhu cầu thuốc điều trị. Cục Quản lý dược đã khẩn trương liên hệ, trao đổi với WHO để nhận được hỗ trợ. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng đã có buổi làm việc trực tiếp với Văn phòng WHO tại Hà Nội. Ngay sau đó, WHO có quyết định viện trợ khẩn cấp thuốc BAT cho các BN ngộ độc được điều trị tại các bệnh viện ở TP.HCM. Theo Bộ Y tế, ngộ độc botulinum do nhiễm độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum, nguyên nhân chính là ăn phải thực phẩm kém chất lượng bị nhiễm khuẩn. Từ năm 2020 đến nay, trong nước ghi nhận rải rác một vài ca bệnh/năm, mới đây có 3 ca tại TP.HCM. Ngộ độc botulinum ít xảy ra tại VN cũng như các nước nên nguồn cung đối với thuốc chữa bệnh này (thuốc BAT) trên thế giới cũng rất hiếm. Đây là thuốc không dễ chủ động về nguồn cung và giá cũng rất cao. |
Theo Báo Thanh Niên