Hàng trăm tỉ đồng thuế giá trị gia tăng lẽ ra phải hoàn lại cho doanh nghiệp nhưng cơ quan thuế lại “giam” hàng năm trời khiến họ kiệt quệ. Đặc biệt trong bối cảnh đói vốn hiện nay, việc không được hoàn sớm khoảng thuế giá trị gia tăng (GTGT) không chỉ gây bức xúc mà còn đẩy không ít công ty đứng trước bờ vực phá sản.
2 năm bị “giam” tiền thuế, công ty phải ngừng hoạt động
Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận (Q.1, TP.HCM) chuyên xuất khẩu cao su tươi đi các thị trường lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… hơn 20 năm qua. Thế nhưng tháng 3 vừa qua, công ty phải tạm ngưng hoạt động, cho nhân viên nghỉ và trả lương hỗ trợ 50%. Nhưng đại diện công ty vẫn chưa hết lo lắng, không biết vài tháng tới có còn tiền để trả lương không nữa, đồng nghĩa sẽ có nhiều người bị thất nghiệp. Bà Trần Lệ Thu, kế toán trưởng công ty, bức xúc, nguyên nhân chính là đơn hàng sụt giảm mạnh trong khi công ty không còn vốn lưu động. Đây là hậu quả từ việc bị “giam” tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) mà công ty đã nộp trước đó. Tổng cộng từ cuối năm 2021 đến nay số tiền thuế GTGT công ty chưa được hoàn lại lên đến 55 tỉ đồng.
Cụ thể, từ cuối năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp (DN) ngành cao su phải chờ được cơ quan thuế kiểm tra trước mới hoàn thuế sau. Quá trình kiểm tra xác minh kéo dài và có nhiều thủ tục, yêu cầu gây khó khăn cho DN. Chẳng hạn, ngành thuế yêu cầu xác minh của các ngân hàng mà công ty có giao dịch ngoại tệ, phải có thể hiện trên chứng từ báo có tên tài khoản ngân hàng nước ngoài. Khi đó công ty đã gửi 3 công văn của các ngân hàng có giao dịch đều trả lời thông lệ quốc tế không có quy định nào về yêu cầu các điện báo có thanh toán bằng thư tín dụng “L/C” và nhờ thu “D/P” phải thể hiện đầy đủ tên và thông tin số tài khoản của người chuyển tiền/người mua. Giấy báo có của ngân hàng thực hiện theo định dạng tiêu chuẩn của Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT)… Thế nhưng phía cơ quan thuế vẫn không đồng ý. Sau đó, công ty lại phải gửi công văn đến Ngân hàng Nhà nước và cũng nhận được phản hồi từ Ngân hàng Nhà nước là thực hiện theo quy định về quản lý ngoại hối và điều ước quốc tế.
Trong công văn giữa tháng 2.2023 gửi đến Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP.HCM cùng UBND TP.HCM, Công ty Hòa Thuận khẩn thiết kiến nghị các bộ ngành, thành phố giúp đỡ tháo gỡ khó khăn cho công ty được hoàn thuế GTGT theo luật định để công ty có tiền hoạt động kinh doanh xuất khẩu trở lại vì quá khó khăn. Cơ quan thuế TP.HCM phản hồi công văn này cho biết đang chờ ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thuế để thực hiện. Công ty Hòa Thuận lại tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến Tổng cục Thuế và mới nhất đến ngày 7.4, công ty nhận được thông báo từ Cục Thuế TP.HCM cho biết thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế là 40 ngày kể từ ngày cơ quan thuế có thông báo chấp nhận hồ sơ hoàn thuế. Đáng nói, trong khi bị ngâm số tiền lớn như vậy thì đầu năm nay, công ty đã bị tính tiền chậm nộp thuế thu nhập DN và phải đi vay để nộp. Bà Trần Lệ Thu đặt vấn đề: Vậy số tiền DN bị ngâm lâu vậy có ai tính lãi cho chúng tôi không? Chưa bao giờ công ty bị tình trạng như thế này, khốn khổ để xin hoàn lại tiền của mình. Trong năm vừa qua, ngoài việc gửi đơn, công văn đi khắp nơi, bản thân bà cũng liên tục đi đến các cuộc đối thoại giữa DN với ngành thuế, gặp gỡ với lãnh đạo TP.HCM hay cuộc gặp về ngành của Bộ NN-PTNT để phản ánh những khó khăn này nhưng vẫn chưa được giải quyết. Ngoài việc thiếu vốn, công ty thời gian qua cũng phải trả lãi vay ngân hàng hơn 4 tỉ đồng cho số tiền đi vay để duy trì hoạt động.
“Tôi đã liên tục gọi điện, lên tận Cục Thuế TP.HCM để hỏi xem khi nào cán bộ thuế xuống công ty để kiểm tra hồ sơ hoàn thuế vì đến nay đã hơn 40 ngày theo thông báo nhưng chưa thấy ai trả lời chính xác. Chúng tôi giờ chỉ mong được cơ quan thuế nhanh xuống kiểm tra xong rồi hoàn thuế sau. Nếu kéo dài như vậy không biết đến bao giờ mới được hoàn trả lại số tiền mà DN đã ứng trước nộp vào ngân sách nhà nước. Công ty thì ngừng hoạt động, công nhân thất nghiệp. Vậy chúng tôi cần được biết bao giờ mới được hoàn thuế theo luật?”, bà Trần Lệ Thu bức xúc.
Không thực hiện theo luật mà theo công văn?
Nhắc đến việc hoàn thuế GTGT, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hoàng Dũng, ngán ngẩm cho rằng: “Kêu la gần 2 năm nay mà có ai giải quyết gì đâu. Giờ quá chán vì việc hoàn thuế GTGT không thực hiện theo luật, nghị định, thông tư mà lại theo công văn. Cùng một vấn đề nhưng Cục Thuế TP.HCM chỉ làm theo công văn hướng dẫn nên bất lợi cho DN”. Cụ thể, cách đây 1 năm, Công ty Hoàng Dũng nộp hồ sơ xin hoàn thuế số tiền 23 tỉ đồng. Đoàn kiểm tra xuống và sau đó biên bản kết luận không vi phạm gì. Thế nhưng đến nay DN vẫn chưa nhận lại được số tiền thuế này. DN liên tục gửi công văn hỏi. Hồ sơ hoàn thuế trước chưa được giải quyết thì những hồ sơ sau cũng tắc. Kéo dài đến nay, số tiền xin hoàn thuế của DN này đã lên 36 tỉ đồng. Trong khi đó, để có vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty phải vay ngân hàng 120 tỉ đồng và riêng tiền lãi mỗi tháng khoảng 1 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Quang Vinh bức xúc, quy định của luật Thuế GTGT hay Thông tư 129/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn rất rõ về điều kiện hoàn thuế như phải có hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài, tờ khai hải quan, chứng từ xuất khẩu… Đồng thời quy định rõ thời gian hoàn trước kiểm sau là 6 ngày, còn kiểm trước hoàn sau là 40 ngày. Thế nhưng các hồ sơ xin hoàn thuế của DN bị “treo” lại do các công văn hướng dẫn của Tổng cục Thuế. Đó là xác minh nguồn gốc hàng hóa trước khi hoàn thuế; xác minh người mua hàng hóa ở nước ngoài; chứng từ thanh toán phải thể hiện số hiệu tài khoản của người mua. Những hướng dẫn trong các công văn này không hề nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đó là chưa kể “trời sinh 1 cặp”, cùng 1 vấn đề mà có 2 công văn hướng dẫn khác nhau. Năm 2018, Vụ Kê khai kế toán (Tổng cục Thuế) ban hành công văn hướng dẫn phải có số hiệu tài khoản thanh toán của người trả tiền mới được hoàn thuế. Đến năm 2019, Vụ Chính sách cũng của Tổng cục Thuế lại hướng dẫn không cần số hiệu tài khoản thanh toán khi làm hồ sơ hoàn thuế. Thế nhưng cơ quan thuế lại vận dụng công văn cũ, gây bất lợi cho phía DN. Một dẫn chứng khác, năm 2013, Bộ Tài chính chỉ yêu cầu kiểm tra xác minh nguồn gốc cao su đối với người bán hàng trực tiếp cho DN xuất khẩu (tức là chỉ kiểm tra tới F1). Thế nhưng năm 2021, Tổng cục Thuế lại yêu cầu xác minh hóa đơn của cả F1, F2, F3… Fn. Khi có kết quả xác minh cuối cùng mới thực hiện hoàn thuế cho DN xuất khẩu.
Ông Nguyễn Quang Vinh nhận xét: “Thời gian hơn 1 năm, DN thì nóng ruột. Thay vì gửi công văn hỏi cơ quan thuế sao chưa hoàn tiền qua đường bưu điện, mỗi tháng chúng tôi phải cử người trực tiếp đến cơ quan thuế chuyển công văn hỏi nhưng cơ quan thuế không có một phản hồi nào. Luật Quản lý thuế đã quy định rất rõ DN nộp thuế chậm, nợ thuế thì bị phạt 0,03%/ngày, tức 9%/năm. Nhưng cơ quan thuế chậm hoàn cho DN sẽ phải thực hiện trả cho DN số tiền 0,03%/ngày. Vậy cũng cần phải sòng phẳng vấn đề này”.
Trần ai hoàn thuế đủ kiểu hành DN khiến ai cũng mệt mỏi, kiệt quệ…
Hiệp hội Cao su VN nhiều lần gửi công văn nhưng chưa được phản hồiTrong năm 2022, Hiệp hội Cao su VN đã nhiều lần gửi công văn đến Cục Thuế TP.HCM, Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính phản ánh khó khăn của DN trong việc hoàn thuế GTGT. Mới nhất vào tháng 4 vừa qua, Hiệp hội cũng tiếp tục gửi công văn đến Cục Thuế TP.HCM tiếp tục kêu cứu khi số tiền hoàn thuế hàng trăm tỉ đồng kéo dài từ tháng 1.2021 đến nay chưa được giải quyết. Tuy nhiên, Hiệp hội cũng như các DN chưa nhận được phản hồi nào. |
Theo Báo Thanh Niên