Nội dung chính các số phát sóng tháng 5 của chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống vẫn tập trung vào việc cung cấp kiến thức thiết thực trong đời sống cho khán giả và chủ đề “Tác hại của tâm lý “hóng drama” tuy không mới nhưng lại mang đến rất nhiều góc nhìn và lời khuyên có giá trị từ các chuyên gia.
Drama là một từ tiếng Anh quá quen thuộc, nhất là đối với những người thường xuyên dùng mạng xã hội, các kênh truyền thông đối với những dạng tin tức giật gân, ly kỳ, tiêu cực và đấu tố lẫn nhau gây dư luận trái chiều… Với tốc độ lan truyền nhanh khiến cho thói quen “hóng” hay còn thuật ngữ “hít” (theo dõi) của đông đảo người sử dụng mạng xã hội hiếu kỳ, thích bình luận thể hiện quan điểm hay cái “tôi” của mình mà không e ngại trở thành một hiện tượng phổ biến. Theo đó, tâm lý “hóng drama” có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và mối quan hệ của người tham gia trong đời sống hiện đại ngày nay. Chương trình đưa ra trường hợp anh Nguyễn Hữu Nghĩa (nhân viên văn phòng, TP.HCM) cho biết mỗi ngày dành vài giờ hóng hớt trên mạng xã hội và thừa nhận đã nghiện drama: “Vì tôi thường sử dụng mạng xã hội, lướt các fanpage đăng bài, video hài hước, showbiz, ‘drama’ ca sĩ, đánh ghen, giựt bồ… Tôi thích và coi đó như việc giải trí sau giờ làm căng thẳng”, Nghĩa nói. Dù biết bị mất thời gian, trí lực vì một chuyện không liên quan đến mình nhưng Nghĩa thừa nhận vẫn bị cuốn hút từ đó. “Lúc biết được chuyện mới sẽ kể cho bạn bè nghe rồi cùng nhau hóng tiếp. Thông thường đang đi làm hoặc đêm khuya mà có ‘drama’ mình vẫn sẵn sàng bỏ thời gian để hóng”, Nghĩa chia sẻ.
Không chỉ có vậy, nhiều người sau khi hóng drama thì còn để lại bình luận mang tính chủ quan, đôi khi còn khiếm nhã và tiêu cực gây ra nhiều hậu quả khôn lường ngay cả khi thông tin mà bạn tiếp cận chưa được kiểm chứng hay xác thực. Vô tình tạo nên những cuộc tranh cãi không đáng có trên mạng xã hội. Tuy nhiên ít người chú ý rằng việc bình luận qua lại trong những cuộc tranh luận này luôn để lại một danh tính số không tích cực nữa. Hệ luỵ sau này chính là người khác dễ dàng nhận ra bạn với những danh tính số này làm ảnh hưởng đến cá nhân và công việc. Công dân số văn minh chính là việc bạn sử dụng ngôn từ tích cực và khiêm tốn trên mạng xã hội để người xung quanh bạn có thể đón nhận được những điều bổ ích, con cháu có thể học hỏi thay vì chỉ bình luận vô bổ chỉ để thể hiện quan điểm cá nhân nhất thời ở một thời điểm nào đó mà thôi. Về mặt tâm lý, nó cũng khiến cho tâm lý của bạn trở nên tiêu cực từ đó cáu gắt, dễ nổi nóng và mệt mỏi từ tinh thần và sức khoẻ.
Nếu cứ tiếp diễn hóng “drama” mỗi ngày, chuyên gia của chương trình cho rằng về lâu dài sẽ gây hại về suy nghĩ, tư duy của người trẻ. “Tất nhiên “hít drama” là điều khó tránh, đó là một dạng tâm lý thường thấy ở con người. Người dùng mạng xã hội cũng nên nhận thức rõ hơn đâu là thông tin uy tín, chính thống, để không tự khiến mình “hít” phải “drama” giả. Ngoài ra, cũng phải nói thêm, mất quá nhiều thời gian cho những tin tức không hỗ trợ phát triển tư duy đồng nghĩa với tiêu khiển một cách vô bổ”. Tâm lý “hóng drama” có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần con người bởi vì nó có thể tạo ra căng thẳng, lo lắng, giảm năng suất lao động, ảnh hưởng đến giấc ngủ và gây ra stress. Ngoài ra, việc quá mức quan tâm đến drama cũng có thể dẫn đến mất đi sự tập trung, giảm khả năng quản lý cảm xúc và dẫn đến các vấn đề về tâm lý xã hội.
Vẫn còn nhiều chủ đề hay sẽ liên tục được cập nhật trong chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống. Đừng quên khung giờ quen thuộc của Câu Chuyện Cuộc Sống vào 19h50 thứ Ba, thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần trên THVL1.
Gia Vũ (Theo TTV)