Ẩn chứa đằng sau mỗi kỷ vật là câu chuyện xúc động về cuộc đời, đạo đức cao đẹp, nhân cách lớn lao mà bình dị của Bác. Sau hơn một thế kỷ, mọi hiện vật trong nhà đều gần như nguyên vẹn, từ chiếc võng, khung cửi, chiếc rương gỗ đến đĩa dầu lạc đêm đêm vẫn thắp sáng…
Sáng 19/5/1890, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã cất tiếng khóc chào đời. Sau lũy tre xanh bình dị, dưới ngôi nhà tranh vách nứa là những kỷ vật thân thương đã gắn với một thời niên thiếu của Bác.
Phía trong ngôi nhà tranh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở làng Sen, nhiều kỷ vật gắn với cuộc đời của Người được lưu giữ nguyên vẹn, ẩn chứa giá trị lịch sử to lớn. Trong ảnh: Bộ ấm, chén của gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Chiếc võng Bác Hồ nằm khi còn bé trong ngôi nhà ở làng Hoàng Trù. Võng dài 3,2 m, rộng 1,5 m, đan bằng sợi cói bện vào nhau. Đêm đêm, trên chiếc võng này, cậu bé Nguyễn Sinh Cung say giấc ngủ trong tiếng ru ầu ơ, cùng những làn điệu dân ca, ví giặm của mẹ.
Bên cạnh là chiếc khung cửi đã đồng hành cùng “Người Mẹ Làng Sen” nuôi các con khôn lớn, trưởng thành.
Chiếc chum đựng nước bên góc tường đất.
Những chiếc thúng mây tre gác dưới mái nhà.
Chiếc rương gỗ và nhiều vật dụng khác.
Du khách lắng nghe những câu chuyện gắn với hiện vật ở quê Bác.
Mỗi kỷ vật, mỗi góc nhà, chái bếp, hàng hiên đều mang đến một nỗi xúc động khôn tả, bởi đã nhắc lại cuộc đời vô cùng thanh cao giản dị của Bác và gia đình Bác.
Hàng năm, đặc biệt là vào dịp sinh nhật của Người, du khách muôn phương đã về đây để thăm và nghe kể về những năm tháng ấu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo Báo Tiền Phong