Tương tự, tại Quận 4, nhiều nhà dân, văn phòng, dịch vụ tại khu vực đường Vĩnh Khánh, Hoàng Diệu, Đoàn Văn Bơ… cũng bị cúp từ 10 – 16 giờ. Chị Hoàng Ngọc Thùy Trang (Vĩnh Khánh, Q.4) cho biết văn phòng mở trong khu chung cư, điện cúp nên phải chạy sang quận 1 tìm quán cafe để ngồi làm việc.
Chị Thanh An (P. Tân Quy, Q.7) đã nhận được thông báo cúp điện từ 10 giờ sáng nay, đến 16 giờ mới có lại. Trước đó, ngày 17.5, nhiều tuyến đường tại phường Tân Phú (Q.7) cũng bị cúp điện.
Đa số người dân đã nhận được thông báo cúp điện trước 1 – 2 ngày nhưng không ít người quên, khiến xử lý công việc, sinh hoạt bị động . Anh Gia Khánh (P.9, Q.Tân Bình) kể: Lúc sáng, máy giặt trong nhà đang chạy bỗng bất động. Mình lật đật gọi ngay trung tâm bảo hành máy giặt yêu cầu nhân viên xuống ngay. Vừa gọi xong đi mở tủ lạnh, cũng không có điện. Lúc đó mới nhớ là hôm nay điện cúp. Lại lật đật gọi bên bảo hành máy giặt hồi lại. Nói chung có chút đảo lộn sinh hoạt hằng ngày hơi bất tiện.
Trước đó, chiều 17.5, giám đốc một công ty dịch vụ có văn phòng đặt trên đường Tú Xương (P. Võ Thị Sáu, Q.3) đang soạn hợp đồng gửi gấp cho khách hàng, điện cúp đột ngột, quên canh thời gian, chưa kịp lưu bị mất hết dữ liệu.
Nhiều bạn đọc bức xúc,, cúp điện gần nguyên ngày trong tuần thực sự bất tiện cho sinh hoạt và làm việc của người dân. Bà Nguyễn Thị Hoa (Q.3) nói: “Cúp luân phiên gì mà kéo dài hết 6 – 7 tiếng đồng hồ, quãng thời gian dài quá, rất khó cho buôn bán, kinh doanh”.
Cắt điện chủ động để vận hành an toàn?
Trao đổi với Thanh Niên chiều 18.5, ông Bùi Trung Kiên – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết không phải vào chu kỳ cắt điện luân phiên mà “tiết giảm chủ động” để hệ thống điện được vận hành an toàn.
Cụ thể, ông Kiên thông tin: Trong những ngày qua, nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng làm tiêu thụ điện tăng rất cao. Đồng thời giai đoạn này chuyển mùa qua mùa mưa nên có nhiều đường dây, trạm biến áp thường xuyên đầy tải. Trong thực tế, đã dẫn tới xảy ra một số vị trí có nguy cơ sự cố cục bộ trên lưới điện. Thậm chí cả nguy cơ xảy ra sự cố lưới điện trên diện rộng.
Thế nên, để tránh nguy cơ sự cố lưới điện lan rộng, nhằm hạn chế tối thiểu tình trạng gián đoạn cung cấp điện, một số khu vực cần thiết phải “tiết giảm chủ động” để hệ thống điện được vận hành an toàn.
“Các công ty điện lực đang nỗ lực cao nhất để cung cấp điện cho khách hàng, tăng cường 100% nhân lực, thiết bị và ứng trực 24/24. Tuy nhiên, trong một số thời điểm có thể không tránh khỏi gián đoạn cung cấp điện đối với khách hàng”, ông Bùi Trung Kiên phân trần.
Nhằm tiết kiệm điện, ứng phó với nguy cơ thiếu điện năm nay, UBND TP.HCM cũng ra văn bản gửi các sở ban ngành, UBND quận huyện và TP.Thủ Đức về đẩy mạnh tiết kiệm điện, yêu cầu cán bộ, người dân hạn chế mặc áo vest, đồ trang trọng khi làm việc, dự họp. Trường học, cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất, cơ sở công nghiệp, trung tâm thương mại cũng được đề nghị hạn chế sử dụng 50% thang máy… áp dụng từ ngày 16.5 – 30.6.
Theo Báo Thanh Niên