Về trang chủ Giải trí Họa sĩ Lâm Đức Mạnh: Đi tìm và đã gặp “Ngày bình yên”

Họa sĩ Lâm Đức Mạnh: Đi tìm và đã gặp “Ngày bình yên”

Ngày 12/5  vừa qua, tại The World ArtSpace- TP.Hồ Chí Minh đã diễn ra khai mạc Triển lãm cá nhân của Họa sĩ Lâm Đức Mạnh, triển lãm mang tên Ngày bình yên.

tm-img-alt

Trong lần triển lãm cá nhân đầu tiên ở Hà Nội của họa sĩ Lâm Đức Mạnh tại Hà Nội cách đây chẵn 20 năm, anh cũng bày 32 bức tranh và tình cờ triển lãm solo lần này tại TP.HCM, họa sĩ cũng mang tới đúng 32 bức tranh. Tuy nhiên, sắc màu của hai đợt triển lãm thì có độ chênh rất lớn. Lần triển lãm cách đây 20 năm tại Hà Nội là những bức tranh “đồng quê u uất”, bức bối, thể hiện sự vật vã, kiếm tìm ngôn ngữ nghệ thuật của họa sĩ. Còn lần này, là một Lâm Đức Mạnh thanh thoát, nhẹ nhàng, tươi mới với những bức sơn dầu trong veo đến mức độ nhiều người tưởng như anh đang vẽ tranh màu nước.

tm-img-alt
“Có lẽ thời thanh xuân ai cũng bị rơi vào trạng thái bi kịch hóa cuộc sống, luôn làm cho mọi thứ vật vã hơn cả sự thật. Càng có tuổi, con người ta càng trầm lại, dễ tha thứ hơn, dễ bỏ qua để cuộc sống nhẹ nhõm hơn. Lựa chọn của tôi bây giờ là nhìn vào những gì tốt đẹp của cuộc sống!” – Họa sĩ Lâm Đức Mạnh giãi bày.
tm-img-alt

tm-img-alt

Họa sĩ Lâm Đức Mạnh sinh năm 1972 tại Thái Bình, tốt nghiệp khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1999. Anh đã có rất nhiều triển lãm cá nhân và tham gia nhiều triển lãm nhóm trong và ngoài nước.

Tranh Lâm Đức Mạnh chủ yếu sáng tác trên chất liệu sơn dầu vì với anh đây là một loại chất liệu có sức biểu cảm phong phú rất hợp với cảm xúc mạnh mẽ của người nghệ sĩ.

tm-img-alt

Tranh sơn dầu trong lịch sử hội họa (Châu Âu) đã đạt được những thành tựu không giới hạn và vẫn sẽ còn phát triển và khám phá mới cùng với sự tiến bộ về công nghệ sản xuất sơn. Còn ở Việt Nam, các họa sĩ cho hay, người ta khi đi học vẽ có thể không vẽ sơn mài hay lụa, phấn màu… nhưng không thể không vẽ sơn dầu.

tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt

Sơn dầu bây giờ (khoảng 20 năm nay) đã trở thành vật liệu vẽ mang tính phổ thông, tuy nhiên để làm chủ được sơn dầu cũng không hề dễ và cũng không mấy ai ở Việt Nam có thể nói mạnh được về sơn dầu. Họa sĩ Lâm Đức Mạnh được người yêu nghệ thuật biết đến là một người yêu thích sơn dầu, có những thành tựu nhất định với thể loại này và vẫn luôn đam mê khám phá với tranh Sơn.

tm-img-alt

Lâm Đức Mạnh vẽ sơn dầu bằng lối vẽ nhiều lớp vì có nhiều lớp ngay cả những mảng phẳng một mầu mới cất được tiếng nói, được âm vang của hòa sắc. Còn cách thể hiện thì họa sĩ không câu nệ, khi thì láng, lót, khi thì ướt trên ướt, chồng, phủ…. thâm chí cạo, loang, chảy đều có thể miễn là đạt được ý định.

tm-img-alt

Lâm Đức Mạnh cho rằng: “Tôi không câu nệ hay ép mình vào một bút pháp khi vẽ. Trong phạm vi kiểm soát của mình thì tùy theo cảm xúc lúc bấy giờ mà thể hiện”.

tm-img-alt
Tháng 3 quê ngoại
tm-img-alt
Xuân Mộc Châu 

Kỹ thuật chồng phủ của họa sĩ Lâm Đức Mạnh đã khiến cho người xem đến thưởng thức tranh ngây ngất trong phòng triển lãm, bởi độ trong của cái nắng “Sáng đầu hạ”, “Nắng mùa đông”, của cơn mưa vừa qua “Mưa tháng bẩy”, “Sau cơn mưa”, của cây lá “Sương khói Mộc Châu”, màu trời “Quê xưa”, “Chiều Cổ Loa”, “Làng ven biển”…

tm-img-alt
 Chiều trên bến sông
tm-img-alt
Chợ xuân cửa ô

“Có lẽ Lâm Đức Mạnh là họa sĩ vẽ sơn dầu đạt đến độ trong “cao thủ” nhất Việt Nam” – Họa sĩ Ngô Đồng nhận định – “Xem tranh, có cảm giác như Lâm Đức Mạnh đang cố níu kéo những cái đẹp, vẻ thanh xuân, sợ nó sẽ nhanh chóng mất đi. Chất thơ trong tranh Lâm Đức Mạnh không bị cực đoan, nên nó rất quyến rũ người xem. Nói gì thì nói, tranh Lâm Đức Mạnh làm mềm mại hóa cuộc sống ngày nay đang bị bê tông hóa ở mọi góc, mọi nơi, mọi vùng miền”.

tm-img-alt
Nữ sinh và hoa trắng

Trường phái Ấn tượng (Impressionism), trừu tượng xuyên suốt quá trình sáng tác của họa sĩ Lâm Đức Mạnh chứ không phải tranh tả thật, nhưng tranh của Lâm Đức Mạnh lại giữ được kết cấu vững chắc, hình khối được thể hiện trên cơ sở tôn trọng sự thật và là sự kết nối và rung cảm mạnh mẽ của tâm hồn người họa sĩ với màu sắc, ánh sáng, không gian, khiến cho người xem luôn có cảm giác họa sĩ đang tả thật một khung cảnh đầy ký ức, mộng mơ, ảo diệu.

tm-img-alt
Vườn xuân 
tm-img-alt
Một chiều hè 

Họa sĩ Lâm Đức Mạnh cho biết không bao giờ vẽ tranh từ những bức ảnh chụp lại. Anh thường vẽ trực họa nhiều buổi trong khung cảnh thật để rồi sau đó còn ghi nhớ mãi trong trí não những ấn tượng và cảm xúc về chuyển động của thiên nhiên, con người, thời tiết, nắng gió, ánh sáng… trong khung cảnh muốn vẽ, còn khi hoàn thiện bức tranh, toàn bộ mọi thứ trong tranh có thể không phải là tả thật. Chẳng hạn như hàng cây lá đỏ trong bức “Một chiều hè” hoặc hàng cây lá vàng trong “Phố huyện” khiến nhiều người khởi lên những thắc mắc.

tm-img-alt
Sương khói Mộc Châu 
tm-img-alt
Thu Hồ Tây 

Họa sĩ cho biết anh yêu sắc màu rực rỡ của mùa xuân Hà thành (trong bức “Mùa xuân cửa ô”, “Sáng đầu hạ”), màu đỏ của cây bàng mùa đông ở phía Bắc (trong bức “Một chiều hè”, màu vàng của những hàng cây mùa thu (trong bức “Phố huyện”, “Quán cà phê”, “Mùa nắng nhạt”, “Chiều trên bến sông”, “Sáng ngoại ô”…), nhất là khi đặt nó lên bối cảnh của một con phố nhỏ có dòng sông bao quanh, có cây cầu, có những con người giản dị, thân thương.

tm-img-alt
tm-img-alt

Họa sĩ tuổi Tý thường miệt mài vẽ suốt quanh năm, nhiều đêm, anh vẽ cả đêm trong xưởng. Mấy chục năm sống cùng cọ và màu, trăn trở với từng bố cục, từng lối thể hiện, tìm tòi pha trộn cả hiện đại, đương đại vào truyền thống, thế nhưng, anh bảo tại tính cầu toàn, nên cũng nhiều bức vẽ xong rồi lại phá bỏ để làm lại chứ không thể vẽ ào ào theo yêu cầu của khách đặt hàng được.

tm-img-alt
Xuân Hà Giang 
tm-img-alt
Chều Cổ Loa

Trong triển lãm cá nhân “Ngày bình yên” (từ 12/5 đến hết ngày 28/5/2023 tại The World ArtSpace – 21 Võ Trường Toản, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh lần này, họa sĩ Lâm Đức Mạnh trưng bày 32 bức tranh thuộc hai mảng là phong cảnh và nhân vật.

tm-img-alt
Sương Thu 
tm-img-alt
Mùa nắng 

Tranh phong cảnh là phố phường Hà Nội như “Thu Hồ Tây”, “Thu về trên phố”, “Chiều Cổ Loa”, “Phố Phan Đình Phùng”, “Phố Hoàng Diệu”… hay những vùng đất miền núi, miền biển, nông thôn anh đã sống và đi qua như “Xuân Hà Giang”, “Sương khói Mộc Châu”… Đan xen vào những bức tranh đặc tả Hà thành, nơi họa sĩ đang sống và làm việc, là nỗi nhớ vùng quê Thái Bình yêu dấu, đong đầy trong màu hoa xoan tím biếc “Quê xưa”, “Tháng ba quê ngoại”, “Bãi sông xưa”, “Chiều trên bến sông”…

tm-img-alt

Mảng tranh nhân vật của họa sĩ là các thiếu nữ Việt Nam với vẻ đẹp nhẹ nhàng trong sáng đầy tương lai và hy vọng. Hình ảnh tà áo dài Việt Nam thường xuất hiện trong nhiều bức vẽ những nhân vật được đặc tả của họa sĩ Lâm Đức Mạnh. Với họa sĩ Lâm Đức Mạnh, các nhân vật không nhằm tả kĩ như hiện thực, mà chủ yếu là gợi tả, cốt sao được cái tình trong tranh.

tm-img-alt

Quan niệm của Lâm Đức Mạnh là phong cách không phải ở bề ngoài của bút pháp, mà ở đời sống tinh thần, không gian tinh thần của cá nhân nên anh không nệ vào bút pháp. Anh thường dùng bút pháp khỏe khoắn, các lớp màu đan xen chồng lớp, hướng lực của nhát bút tạo sự nhẹ nhàng bay bổng, thánh thót tinh tế, như thơ, như nhạc.

Tranh Lâm Đức Mạnh phảng phất màu của Thơ Mới, chất lãng mạn trữ tình đầy ắp trong từng nhát cọ. Xuyên suốt từ mảng tranh dung dị đồng quê đến gợi cho người xem những nét đẹp lắng đọng giữa ồn ào phố thị, luôn thấy được khi hiện hữu, khi ẩn chứa cái tình lãng mạn, duy mỹ, hoài niệm trong góc nhìn của họa sĩ Lâm Đức Mạnh.

tm-img-alt
Làng ven biển 
tm-img-alt
Sau cơn mưa

“Tôi không khéo vẽ hình (hình hiểu theo ý phổ thông nhất) hay bày đặt mô-tuyp. Nhưng như ý Hoài Thanh viết trong “Thi nhân VN”: Bớt đi chút sắc sảo để thêm phần mơ hồ huyền ảo… thành ra điểm yếu lại là điểm mạnh. Tôi vẽ hình, tìm hình theo ý rộng và nó là tổng thể bức tranh” – Họa sĩ nói.

tm-img-alt
Chợ Xuân Cửa ô

Cũng chính vì đã chủ động xóa nhòa ranh giới giữa hiện thực và ấn tượng, cho nên đi tìm nguyên mẫu của rất nhiều bức tranh vẽ thiếu nữ khiến công chúng mê mẩn của họa sĩ Lâm Đức Mạnh là cả một sự bí ẩn. Họa sĩ bảo các nhân vật có người hiển hiện cụ thể trong đời sống thực của anh, cũng có khi chỉ là một dáng dấp, một nét đẹp thoáng qua, cũng có thể là một hôm nào đó anh đã gặp, ngay lúc đó chỉ là câu chuyện ngoài đời, nhưng đêm về, khi đứng trước giá vẽ, bóng dáng nhân vật lại hiện lên trong khung cảnh tươi mới y như vẫn đang ngồi đó trước mặt họa sĩ.

tm-img-alt

Các cô thiếu nữ trong tranh Lâm Đức Mạnh thường mơ mộng, trong trẻo (các bức “Nắng xuân”, “Thiếu nữ bên khung cửa”, “Tuổi hoa”, “Bên hoa”, “Bóng hoa”, “Nữ sinh và hoa trắng”… nhưng nổi bật vẫn là nét đẹp gợi cảm. Những nét đẹp xuân thì mong manh, nếu không được cây cọ tài năng lưu giữ lại bằng nghệ thuật thì sẽ nhanh chóng tan biến vào giữa ồn ã đời thực.

tm-img-alt
tm-img-alt

“Là bạn học cùng với nhau, tôi đã xem tranh Lâm Đức Mạnh từ thời cùng học ở Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Tôi biết Lâm Đức Mạnh là người làm thơ, cho nên từ hồi đó cho tới tận bây giờ, tôi vẫn thấy tranh Lâm Đức Mạnh đầy chất thơ, gây ấn tượng mạnh về những cảm xúc tức thời” – Họa sĩ Đặng Phương Việt nói.

tm-img-alt
tm-img-alt

“Xu hướng nghệ thuật mà họa sĩ Lâm Đức Mạnh theo đuổi là trường phái ấn tượng thì không mới, nhưng thường thì trường phái này buông phần hình mà chỉ tập trung vào ánh sáng để vạn vật hiện lên trong màu sắc, hình khối. Cái khác của Lâm Đức Mạnh chính ở điểm này vì họa sĩ được đào tạo chuyên nghiệp rất mạnh về căn bản nên đã kế thừa và tự tìm ra cho mình lối thể hiện theo trường phái ấn tượng về ánh sáng nhưng không buông phần hình, khiến cho bức tranh sâu hơn, đạt tới độ chạm mạnh về cảm xúc với người xem. Có lẽ đạt được đến điều đó cũng do Lâm Đức Mạnh vẽ bằng cảm xúc rất thật, không hề gồng mình, không cần cố gắng, nên những cảm xúc hồn nhiên, tươi mới, nhẹ nhõm, bình yên đó đã được chuyển tải nguyên vẹn tới người thưởng thức” – Tiến sĩ Mã Thanh Cao, nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM nhận định.

tm-img-alt

Họa sĩ Lâm Đức Mạnh kể: “Có nhiều người nhận xét tranh tôi hay dùng màu trắng và trắng đến nguyên chất, tôi nhìn lại thì quả đúng vậy. Có nhiều cách lý giải, tôi nói vui là yêu màu trắng (từ áo dài trắng đến màu da trắng thiếu nữ đang xuân). Tôi yêu cuộc sống, yêu sắc màu muôn điệu của thiên nhiên và con người bằng con mắt trong sáng lãng mạn và nhờ đó tôi tìm thấy hoặc là hướng tới sự bình yên trong đời sống tinh thần”.

Hành trình hội họa chuyên nghiệp với mỗi người họa sĩ đều không hề đơn giản nhưng họa sĩ Lâm Đức Mạnh đã tìm được sự bình yên trong tâm hồn và cảm thức sáng tạo, vì vậy mà đứng trước bộ sưu tập tranh Lâm Đức Mạnh, người thưởng lãm có thể dễ dàng kết nối và cảm nhận được từng cung bậc thánh thót “giao hưởng bốn mùa” hòa quyện với sắc màu của thiên nhiên và con người.

Tóm tắt về họa sỹ: Lâm Đức Mạnh


Sinh năm 1972
Tốt nghiệp khoa hội họa trường ĐH Mỹ Thuật Hà Nội năm 1999 – Hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam.

Triển lãm:

– Tháng 5/2023: Triển lãm cá nhân “Ngày bình yên” tại The World ArtSpace (TP.HCM, Việt Nam)

– Tháng 12/2022 Triển lãm nhóm “Mèo du xuân” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

– Tháng 9/2022 Triển lãm “Lặng nhìn” nhóm 4 người tại Hàng Bài Hà Nội.

– Năm 2021- Triển lãm nhóm 5 người tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Hàng Bài Hà Nội

– Năm 2015: Triển lãm sáng tác dựa trên xúc cảm của ca từ Trịnh Công Sơn.

– Năm 2012: Triển lãm giao lưu văn hóa Việt – Hàn.

– Năm 2011: Triển lãm nhóm 3 người tại Korea.

– Năm 2009: Triển lãm cá nhân tại Texas Hoa Kỳ.

– Năm 2007: Tham gia hội chợ mỹ thuật tại Singapore.

– Năm 2006: Triển lãm cá nhân tại Hong-kong.

– Năm 2005: Triển lãm nhóm 3 người tại Anh quốc, Nhật Bản, Mỹ. Triển lãm cá nhân tại khách sạn NiKo Hà nội.

– Năm 2004: Triển lãm cá nhân tại Hong-Kong.

– Năm 2003: Triển lãm cá nhân tại Hilton Opera Hà nội

– Năm 2001: Triển lãm cá nhân lần thứ nhất tại Hà Nội.

– Năm 2000: Tham gia triển lãm giải thưởng Nokia.

 

 

 

Gia Huy  (Theo TTV)

Có thể bạn quan tâm