Gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển, nhiều di sản văn hóa, trong đó có những điệu múa truyền thống ở vùng đất phương Nam được gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ.
Độc đáo và đặc sắc
Ở vùng đất Nam Bộ, các điệu múa truyền thống là một trong những vốn quý văn hóa được lưu truyền, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật cho rằng, mỗi điệu múa truyền thống ở Nam Bộ phản ánh đời sống tinh thần của từng cộng đồng người, là câu chuyện về cuộc sống, sản xuất và cả tín ngưỡng của họ. Đến nay, nhiều điệu múa truyền thống còn giữ nguyên giá trị và trường tồn trong đời sống tinh thần, góp phần không nhỏ vào bức tranh văn hóa nhiều sắc màu của vùng đất phương Nam.
Một trong những điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa Nam Bộ là múa bóng rỗi. Thực chất là một loại hình diễn xướng dân gian, múa bóng rỗi có từ thời khai hoang, lập ấp của vùng đất phương Nam, gắn với tục thờ Mẫu ở Việt Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng. Nếu như ở Bắc Bộ, tục thờ Mẫu thường gắn với nghi lễ hầu đồng và hát chầu văn, ở vùng đất Nam Bộ, nơi nào có tục thờ nữ thần thường có nghệ thuật múa bóng rỗi.
Thạc sỹ Võ Văn Sơn (Trường Đại học Tiền Giang) cho biết, múa bóng rỗi thường được tổ chức vào các dịp lễ hội tại các đền, miếu ở Nam Bộ. Người múa phải có vũ đạo đẹp, điêu luyện, hóa trang “bắt mắt”, vừa múa, vừa đọc những bài vè nói về gốc tích đền thờ, tổ tiên, đất nước, tục lệ người xưa, tình yêu thương con người, sự hiếu thảo trong gia đình… Trang phục của người múa bóng rỗi rất sặc sỡ, màu sắc. Nghi thức và tiết mục mỗi nơi một khác nhưng trong múa bóng rỗi thường có múa dâng mâm, dâng bông, múa ghế, múa lu, múa mâm vàng, múa dao, múa ghế, múa xoay đĩa, múa rắn. Nghệ thuật múa bóng rỗi thường gồm hai phần là hát rỗi (điệu hát mời) và múa bóng. Các điệu múa bóng rỗi có sự hòa quyện, kết hợp giữa yếu tố linh thiêng, tâm linh và cả những niềm vui rất thực trong đời sống người dân.
Cùng ở Nam Bộ, các điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer là nét văn hóa đặc sắc, được quan tâm bảo tồn và lan tỏa giá trị. Người Khmer Nam Bộ có rất nhiều điệu múa, chủ yếu thuộc thể loại múa cổ điển có tính bác học, cung đình và múa dân gian.
Ông Trần Văn Xén (ở thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) là một nghệ nhân múa trống Chhay-dăm nổi tiếng. Ông tự hào chia sẻ, người Khmer có rất nhiều điệu múa như Ramvong, Sarvan, Lam leo hay múa trống Chhay-dăm. Nghệ thuật múa trống Chhay dăm của người Khmer ở Tây Ninh đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, thường được biểu diễn trong dịp Tết, lễ hội như Chol Chnam Thmay, Sen Dolta, Ok Om Bok… Ở điệu múa trống Chhay-dăm, các động tác đi, đứng, quỳ, uốn, lượn ngả người, xoay người, lăn người luôn biến đổi, nghệ nhân vừa múa vừa đánh trống rất linh hoạt.
Đề cập đến một điệu múa khác cũng rất phổ biến với đồng bào Khmer Nam Bộ là múa Rom Vong, theo giảng viên Sơn Cao Thắng ( Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer, Trường Đại học Trà Vinh), đây là điệu múa vòng tròn theo từng cặp nam – nữ. Trong điệu múa này, động tác múa của người nữ thường dịu dàng, nhẹ nhàng, trong khi các chàng trai với động tác múa khỏe, hai tay luôn dang rộng hơn để vừa múa vừa như bảo vệ người bạn gái, rất độc đáo và đặc sắc.
Đặc sản cho điểm đến du lịch
Cùng với các hoạt động bảo tồn, duy trì các lớp truyền dạy, các không gian biểu diễn phù hợp, một trong những hình thức phát huy, lan tỏa giá trị của nhiều điệu múa truyền thống ở vùng đất Nam Bộ đang được thực hiện là quảng bá, giới thiệu tới du khách tại các điểm đến du lịch ở từng địa phương.
Biên đạo múa Lê Hải Minh (Học viện Múa Việt Nam) khẳng định, khi đến mỗi địa hương trên đất nước Việt Nam, du khách không chỉ tham quan, chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên mà còn mong muốn trải nghiệm văn hóa bản địa. Nhiều điệu múa, tiết mục múa, nhất là múa dân gian đã lôi cuốn du khách bởi sự độc đáo riêng có của văn hóa mỗi vùng miền. Sự kết nối giữa du lịch với nghệ thuật múa đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, từ đó lan tỏa, quảng bá những giá trị văn hóa của Việt Nam tới du khách, góp phần hình thành các trải nghiệm văn hóa dành cho du khách.
Thực tế cho thấy, hiện nay, ở nhiều tỉnh, thành phố Nam Bộ, các điệu múa truyền thống được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị và trở thành sản phẩm du lịch, điểm nhấn đậm chất văn hóa bản địa gửi đến du khách. Trải dài trên vùng đất phương Nam, tại các lễ hội, liên hoan văn hóa dân gian như: Miếu Bà chúa xứ núi Sam (An Giang), Miếu Bà chúa xứ ở Tây Ninh, Miếu Bà chúa xứ Gò Tháp (Đồng Tháp), chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương), Liên hoan Văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam (tại Thành phố Hồ Chí Minh) hay các điểm đến du lịch, các điệu múa bóng rỗi, múa trống Chhay-dăm… đều được giới thiệu, biểu diễn phục vụ người dân và du khách.
Theo Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Dương Hoàng Sum, giá trị các di sản văn hóa, trong đó có các điệu múa truyền thống của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn luôn là nền tảng ý nghĩa để Trà Vinh hình thành các sản phẩm du lịch đậm sắc màu sắc văn hóa. Tỉnh đã có Làng Văn hóa – Du lịch Khmer, các tuyến du lịch trọng điểm như tuyến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, văn hóa với các hành trình: thành phố Trà Vinh – Làng Văn hóa – Du lịch Khmer – cồn Chim, thành phố Trà Vinh – Làng Văn hóa – Du lịch Khmer – cồn Hô, huyện Tiểu Cần – huyện Cầu Kè, du lịch biển Ba Động, du lịch văn hóa huyện Trà Cú. Trong các tuyến du lịch này, những điệu múa dân gian của người Khmer là một trong những điểm nhấn, được giới thiệu và tạo ấn tượng sâu sắc với du khách trong và người nước.
Từ góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Dương Hồ Nhật Khôi, Giám đốc Công ty Thương mại, dịch vụ, du lịch Ba Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, công ty có nhiều tour với các điểm đến mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất Tây Nam Bộ. Các tour trải nghiệm văn hóa, tham quan di tích, lễ hội, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống, điệu múa dân gian của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm… luôn được doanh nghiệp chú ý kết nối với các điểm đến để giới thiệu đến du khách khi đến các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau.
Đến Thành phố Hồ Chí Minh vào đúng dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 -1/5, du khách Phạm Thị Hằng (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, đã được thưởng thức tiết mục múa bóng rỗi Nam Bộ tại Liên hoan Nghệ thuật dân gian Việt Nam, diễn ra trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1). Chị Hằng và nhiều du khách cảm thấy rất may mắn, thích thú khi hiểu thêm về một nét văn hóa ở Nam Bộ. Trong không gian mở, du khách thoải mái thưởng thức các tiết mục biểu diễn. Với các đạo cụ như mâm vàng, ghế, chén, đĩa để chênh vênh trên thanh kiếm, người múa bóng rỗi có những động tác biểu diễn rất khéo léo, độc đáo khiến người xem khó có thể rời mắt.
Quan tâm giải pháp quảng bá nét văn hóa, trong đó có các điệu múa truyền thống đậm bản sắc vùng Nam Bộ gắn với phát triển du lịch, nhiều chuyên gia khẳng định: Nguồn tài nguyên cho sản phẩm du lịch từ những di sản văn hóa, các loại hình nghệ thuật truyền thống rất đa dạng, đặc sắc. Để tiếp tục phát huy giá trị, bảo tồn gắn với phát triển du lịch, cần tăng cường sự phối hợp giữa các ngành chức năng, chủ thể văn hóa và từng đơn vị khai thác sản phẩm du lịch, tổ chức chọn lọc, giới thiệu một cách bài bản, dễ hiểu, có điểm nhấn, có không gian biểu diễn phù hợp, góp phần quảng bá nhiều hơn những nét văn hóa đặc sắc của địa phương đến du khách, đồng thời qua đó tạo sự hấp dẫn, nâng tầm giá trị cho điểm đến du lịch.
Theo TTXVN