Hoàng Ngọc Hân, sinh viên Trường đại học Hòa Bình đã cùng 8 sinh viên khác đoạt giải ba và giải khuyến khích tại cuộc thi “Bảo tồn di sản văn hoá châu Á và các giải pháp bền vững” do UNESCO tổ chức.
9 sinh viên đoạt 2 giải quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa châu Á
Cuộc thi “Bảo tồn di sản văn hoá châu Á và các giải pháp bền vững” được UNESCO tổ chức lần đầu tiên vào tháng 9.2022, hướng đến đối tượng là các bạn trẻ đang theo học tại các trường đại học trên toàn châu Á.
Với mục tiêu kêu gọi các đề xuất tập trung vào chủ đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa châu Á trong bối cảnh biến đổi khí hậu; thúc đẩy giáo dục di sản văn hóa giữa các nước châu Á, cuộc thi đã thu hút gần 600 đội thi đến từ 17 quốc gia châu Á, trong đó Việt Nam có 16 đội tham gia.
Sau hơn 6 tháng tranh tài, Việt Nam có 2 đại diện đã xuất sắc giành được giải ba và giải khuyến khích, đó là 2 đội thi của Trường đại học Hòa Bình (P.Mỹ Đình 2, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Trước các đối thủ mạnh ở vòng chung kết như Philippines, Malaysia, Indonesia, Tajikistan và Trung Quốc, 2 đội thi đã chọn giới thiệu và đề xuất giải pháp phát triển bền vững cho điểm đến Tràng An (Ninh Bình) và di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).
Nam sinh vượt khó, cùng đồng đội mang giải quốc tế về Việt Nam
Được biết, 2 đội thi của Trường đại học Hòa Bình gồm 9 sinh viên từ Khoa Ngoại ngữ và du lịch. Ngày 8.5, lãnh đạo nhà trường đã tổ chức vinh danh cho 9 sinh viên này.
Chia sẻ với Thanh Niên, em Hoàng Ngọc Hân (sinh viên Khoa Ngoại ngữ và du lịch) cho biết, đến bây giờ, Hân vẫn chưa tin bản thân cùng đồng đội lại vượt qua gần 600 đại diện của châu lục để giành giải ba.
Hân kể, khi nhận được thông tin và quyết định tham dự cuộc thi, trong lòng “vừa mừng vừa lo”, mừng vì được tham gia một sân chơi mang tầm quốc tế, lo vì sợ rằng bản thân không đủ năng lực để cạnh tranh.
“Tôi được biết Việt Nam có 16 đội tham gia cuộc thi này, trong đó trường tôi có 3 đội, còn lại là các đội rất mạnh đến từ các trường có chuyên môn tốt về văn hóa như Trường đại học văn hóa, Đại học quốc gia Hà Nội”, Hân nhớ lại.
Không chỉ riêng mình Hân, các thành viên trong đội cũng có cùng suy nghĩ này, chưa kể việc tham gia cuộc thi còn ảnh hưởng tới việc học tập. Tất cả đã bàn bạc và chia sẻ với giảng viên phụ trách. Sau khi nhận được lời khuyên và động viên từ bạn bè, thầy cô tất cả đều tự tin lựa chọn một địa danh là di sản của Việt Nam để tham dự. Nhóm của Hân gồm 5 sinh viên, họ chọn di sản Tràng An.
“Chúng tôi mất khoảng 2 tháng đầu tiên để chuẩn bị tài liệu, khảo sát địa điểm. Do việc học tập vẫn là mục tiêu hàng đầu nên thời gian này quả thực khó khăn, cả nhóm phải tranh thủ từng ngày nghỉ, từng phút ra chơi để bàn bạc, lên kế hoạch. Thậm chí, nhiều hôm cả nhóm ở lại trường đến đêm làm việc cho kịp thời gian để nộp sản phẩm cho ban tổ chức”, Hân nói.
Thế rồi, quả ngọt cũng đến với chàng sinh viên và đồng đội, khi biết tin lọt top 20, cả nhóm vỡ òa vì mục tiêu ban đầu đã đạt được. Thế nhưng, niềm vui chưa được bao lâu khi Hân nhận được thông tin tham gia vòng chung kết cả đội sẽ phải sang Trung Quốc (nơi được UNESCO lựa chọn là nước chủ nhà) để tham dự. Theo đó, tất các các sinh viên tham gia đều phải ứng trước 20 triệu đồng (chi phí máy bay, ăn, ở, đi lại…) rồi sau đó sẽ được trả lại.
Hân kể, được sang nước ngoài tham dự cuộc thi tầm cỡ quốc tế là điều chưa bao giờ bản thân dám nghĩ tới. Sinh ra ở vùng đất nông thôn nghèo của H.Xuân Trường (Nam Định), đối với Hân, việc được đi học đại học đã là may mắn bởi gia đình em hiện đang rất khó khăn, người anh cả đã phải dừng việc học để phụ giúp bố mẹ nuôi các em.
“Gia đình tôi có 4 anh em, tôi là con thứ 2, sau tôi còn một em đang chuẩn bị vào đại học và người em út đang học tại nhà. Hàng ngày, bố mẹ đi làm lao động chân tay ở quê không đủ nuôi 3 anh em ăn học. Để tạo điều kiện cho tôi học đại học, bố mẹ đã vay mượn nhiều nơi nên việc đóng trước 1 khoản tiền lớn như thế là điều không thể”, Hân tâm sự.
Hân nghĩ, việc phải theo đuổi, bỏ sức để tham gia cuộc thi trong vòng hơn 6 tháng cũng ảnh hưởng tới việc làm thêm. Trước đây, sau mỗi giờ học, Hân thường đi chạy bàn cho các nhà hàng để kiếm thêm thu nhập nên việc nghỉ làm thêm sẽ khiến bố mẹ em vất vả thêm.
“Tôi đã suy nghĩ vài ngày trước khi đưa ra quyết định xin rút lui khỏi đội. Tôi cũng thẳng thắn trình bày với giảng viên phụ trách, rất may bài toán về kinh tế đã được giải quyết”, Hân nói thêm.
Thế rồi, đến ngày cả đội sang Trung Quốc tham dự vòng chung kết, khoác trên mình trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam, ai cũng tự tin thuyết trình trước sân khấu lớn.
“Khi nghe tin cả 2 đội của trường đều đoạt giải, chúng tôi đều vui mừng, cả nhóm ôm nhau khóc vì xúc động. Tôi cũng tranh thủ gọi điện báo tin cho gia đình, giải thưởng này, tôi xin dành tặng cho bố, mẹ, những người đã vì tôi mà vất vả, lo lắng”, Hân xúc động.
Theo đại diện Sở Du lịch Hà Nội, trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, để giữ gìn bản sắc văn hóa và giá trị truyền thống của dân tộc phải thông qua hoạt động du lịch, thông qua hình thức trải nghiệm và giáo dục di sản cho thế hệ trẻ.
Do đó, sự kiện sinh viên Trường đại học Hòa Bình đại diện cho Việt Nam đoạt giải tại cuộc thi quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa châu Á do UNESCO tổ chức là một sự kiện vinh dự và đáng tự hào. Các em đã góp phần đưa hình ảnh của Hà Nội nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung đến gần hơn với bạn bè quốc tế. |
Theo Báo Thanh Niên