Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, những tháng đầu năm 2023 địa phương đã thu hút được 14 dự án đầu tư trực tiếp (1 dự án FDI), với tổng số vốn khoảng trên 7.700 tỷ đồng và 1 triệu USD. Trong đó có ba dự án tổng số vốn đăng ký lớn…
Dự án đầu tiên được nhắc tới là Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn tại Khu công nghiệp số 4 xã Tân Trường thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn, với vốn đăng ký 5.500 tỷ đồng.
Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần gang thép DST Nghi Sơn, dự án được chia làm hai gian đoạn, giai đoạn 1 sẽ đầu tư nhà máy luyện cán thép cuộn cán nóng từ nguyên liệu là thép phế liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu công suất 980.000 tấn/năm. Giai đoạn 2 của dự án sẽ đầu tư nhà máy kết cấu thép, sản xuất các sản phẩm kết cấu thép dùng trong xây dựng và sản xuất công nghiệp, công suất dự kiến 30.000 tấn sản phẩm/năm, nhà máy cán nguội và sản xuất ống thép định hình dùng trong xây dựng, công suất 300.000 tấn sản phẩm thép ống, hộp, tôn mạ/năm.
Diện tích đất dự kiến sử dụng cho dự án trên khoảng 51 ha, với vốn đầu tư của dự án là 5.500 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.
Dự án thứ hai là Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương có diện tích đất sử dụng đất dự kiến sử dụng khoảng 12,3 ha. Công suất thiết kế khoảng 2.000 m3/ngày, chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn có công suất 1.000 m3/ngày.
Mục tiêu dự án này là sản xuất các loại bê tông đúc sẵn, gồm có cột điện ly tâm dự ứng lực, cọc bê tông dự ứng lực các loại và cừ bê tông dự ứng lực, palen dự ứng lực đáp ứng nhu cầu cho các dự án, công trình tại Khu kinh tế Nghi Sơn và vùng lân cận.
Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng trên 1.000 tỷ đồng, trong đó, vốn tự có khoảng 250 tỷ đồng (chiếm 22,76%); vốn vay ngân hàng 848,5 tỷ đồng (chiếm 77,2%).
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Giai đoạn 1 sẽ được đầu tư xây dựng từ quý III/2023 đến quý I/2024 và đi vào sản xuất kinh doanh trong quý II/2024; giai đoạn 2 bắt đầu xây dựng từ quý II/2024 đến quý IV/2024 và đi vào sản xuất kinh doanh trong quý I/2025. Chủ đầu tư dự án này là Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản Đại Dương, có trụ sở đóng tại thôn Nam Sơn, xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn.
Dự án thứ ba làTrang trại chăn nuôi lợn Điền Thượng, huyện Bá Thước có vốn đăng ký 322,1 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư khoảng 48,3 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 15%); vốn vay từ tổ chức tín dụng khoảng 273,7 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 85%). Dự án này do Công ty Cổ phần chăn nuôi và dịch vụ thương mại Hưng Phát địa chỉ tại ngõ 141 đường Lý Nhân Tông, phường Đông Thọ, TP. Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Công ty này được thành lập ngày 4/4/2022.
Mục tiêu đầu tư của dự án là chăn nuôi lợn và sản xuất giống lợn cung cấp cho thị trường. Diện tích sử dụng đất của dự án khoảng 34,57ha.
Dự kiến dự án hoàn thành, đưa vào hoạt động chậm nhất trong 21 tháng kể từ thời điểm được Nhà nước bàn giao đất.
Khi chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chủ đầu tư trong thời hạn 12 tháng không hoàn thành thủ tục, hồ sơ để được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án Trang trại chăn nuôi lợn Điền Thượng theo quy định, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư không còn giá trị pháp lý, doanh nghiệp không được bồi thường, hỗ trợ bất kỳ các khoản kinh phí đã đầu tư, chi phí liên quan đến dự án.
Để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển, trong thời gian tới UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cấp, các ngành cần thực hiện thu hút đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tập trung thu hút đầu tư vào 03 trụ cột tăng trưởng: công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp.
Bốn Trung tâm kinh tế động lực: TP. Thanh Hóa – TP. Sầm Sơn; Khu kinh tế Nghi Sơn; Thạch Thành – Bỉm Sơn; Lam Sơn – Sao Vàng. Năm vùng liên huyện gồm: vùng liên huyện trung tâm, vùng đồng bằng trung tâm, vùng liên huyện phía Bắc, vùng liên huyện phía Nam gắn với Khu kinh tế Nghi Sơn, vùng liên huyện khu vực miền núi.
Sáu hành lang kinh tế gồm: hành lang kinh tế ven biển, hành lang kinh tế Bắc Nam, hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, hàng lang kinh tế Đông Bắc, hành lang kinh tế trung tâm, hành lang kinh tế Quốc tế. Đồng thời tiếp tục công khai 87 Dự án thuộc danh mục các dự án kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025 để giới thiệu, vận động, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.