Nhìn cảnh tượng tài xế chen lấn, xô đẩy để lấy phiếu hẹn đăng kiểm xe tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V (quận 12, TPHCM) diễn ra sáng 25-4, nhiều chủ xe không khỏi lo lắng cho chính mình khi ngày hết hạn đăng kiểm xe đã cận kề.
Trong cái nắng thiêu đốt những ngày qua, nhiều tài xế, đặc biệt các doanh nghiệp vận tải đã phải mệt mỏi đưa xe chạy đến nhiều tỉnh, thành khác nhau để tìm nơi có thể đăng kiểm sớm. Tổn thất cho họ không chỉ là thời gian chờ đợi để được đăng kiểm mà còn là các hợp đồng vận tải buộc phải ngưng, công việc làm ăn bị ngưng trệ… Thực ra, các ngành chức năng đã vào cuộc giải quyết, nhiều giải pháp cũng đã được đưa ra; công an, bộ đội cũng được tăng cường, song dường như mọi nỗ lực chưa đủ để… hạ nhiệt.
Cùng thời điểm này, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh karaoke, đầu tư xây dựng nhà, xưởng mới… cũng “than” quá khó để đáp ứng các tiêu chí về phòng cháy chữa cháy. Sốt ruột, khoảng 30 doanh nghiệp thuộc Hội Lương thực-Thực phẩm TPHCM đã ra Hà Nội tìm đến các cơ quan chức năng để trình bày. Nỗi bức xúc này của các doanh nghiệp đã được Chính phủ lắng nghe và ngày 5-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Công điện số 220 CĐ-TTg chỉ đạo Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, các địa phương rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định về phòng cháy chữa cháy nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong phát triển kinh tế, xã hội.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản “đứng hình” khi vướng vào các quy định về đất công xen cài trong dự án phải đấu giá; cơ quan chức năng chậm tính tiền sử dụng đất, chậm điều chỉnh quy hoạch… Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nhiều địa phương đã “ngồi lại” tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tại TPHCM, nhiều dự án của doanh nghiệp Hưng Thịnh, Novaland, Lê Thành… đã được Sở Tài nguyên Môi trường thành phố từng bước gỡ vướng.
Luôn có độ trễ hay khoảng cách nhất định giữa quy định của pháp luật với thực tế sản xuất kinh doanh; cũng như trong sản xuất kinh doanh, thực thi công vụ có một số cá nhân cố tình làm sai, làm trái, mưu lợi cá nhân. Các sai phạm có thể chỉ là việc của một ngành, một đơn vị cụ thể nhưng hoạt động kinh doanh là một mạng lưới mà mỗi khâu, một vị trí đều có liên hệ mật thiết với nhau. Chẳng hạn như xe tải chậm được đăng kiểm có thể ảnh hưởng tới hoạt động cung ứng hàng hóa của nhiều chợ, siêu thị. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản “đứng hình” có thể ảnh hưởng tới nhiều làng nghề ở các vùng nông thôn chuyên trồng cây cảnh, cỏ công trình…
Do đó, trong điều tra, xử lý vi phạm cần kỹ càng để không oan sai, không bỏ lọt nhưng cũng cần có giải pháp nhanh chóng đưa các hoạt động vào vận hành bình thường nhằm đảm bảo ổn định đời sống người dân và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng vậy, cần làm kỹ để không sai luật nhưng cũng cần được làm nhanh. Với lãi suất cho vay thấp nhất hiện nay khoảng 6%-7%, nếu dự án trăm tỷ đồng phải kéo dài thêm vài năm thì chi phí sẽ tăng thêm đến mức nào… Điều này, doanh nghiệp thiệt một phần thì người dân có thể thiệt 2, 3 phần, vì chi phí phát sinh đó có thể sẽ được cộng vào giá thành hàng hóa, dịch vụ mà người dân sử dụng.