Thực trạng mạo danh tên tuổi, hình ảnh của người nổi tiếng để lừa đảo, trục lợi ngày càng có xu hướng tăng lên, dù cho nhiều lần báo chí, truyền thông lên tiếng. Các đối tượng vẫn sử dụng chiêu bài “xài chùa” hình ảnh sau đó tổ chức bán vé liveshow, fan meeting, bán hàng kém chất lượng… nhằm thu về khoản lợi nhuận bất chính.
Trò cũ, nạn nhân mới
Ca sĩ Tuấn Hưng vừa bức xúc lên tiếng trên trang cá nhân vì bị bầu show trong nước mượn danh để lừa đảo khán giả. Theo đó, nam ca sĩ cho biết, anh đang có chuyến lưu diễn ở Mỹ nhưng một đơn vị tổ chức hội chợ lại đưa hình ảnh của anh trên poster và giới thiệu trong vai trò ca sĩ tham gia chương trình, nhằm mục đích bán vé.
Vì không muốn khán giả bị lừa gạt thêm, Tuấn Hưng phải nhờ người thân đến làm việc với bầu show về việc anh bị lợi dụng tên tuổi và hình ảnh: “Mình đã nhờ người đến tận nơi để kiểm tra hiện trường. Các ông đổ qua đổ lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Thôi thì sự việc này phải nhờ đến pháp luật giải quyết thôi” – anh thông tin thêm.
Xuất hiện chung trên poster với Tuấn Hưng, NSƯT Xuân Hinh cũng cảnh báo việc anh không hề tham gia biểu diễn nhưng vẫn góp mặt trên băng rôn quảng cáo. “Bà con chú ý! Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền và Tuấn Hưng không biểu diễn tại nhà thi đấu thể thao huyện Kim Thành. Không biết đơn vị tổ chức nào đăng thông tin sai sự thật để lừa bà con đây” – anh khẳng định.
Vài ngày trước, đại diện Mỹ Tâm thông báo về việc hình ảnh nữ ca sĩ xuất hiện trái phép trên poster đêm nhạc “Đà Lạt sắc màu”. Cô cho biết mình không hề tham gia liveshow này, mong khán giả để ý, tránh bị lừa. Trước đây, không ít lần, ca sĩ Đức Phúc, Erik, Trúc Nhân… bức xúc khi bị lợi dụng tên tuổi để “câu khách” cho các đêm nhạc.
Không chỉ trục lợi từ việc bán vé, các đối tượng còn giả mạo tên nghệ sĩ để câu kéo người hâm mộ mua các sản phẩm kém chất lượng. MC Quyền Linh từng khốn đốn khi có đến hàng trăm tài khoản sử dụng hình ảnh của anh trái phép nhằm PR cho loạt các sản phẩm kém chất lượng. Sau đó, nam nghệ sĩ phải đăng bài cảnh báo liên tục để tránh có thêm nhiều người khác bị lừa.
Có thể thấy, mục đích và động cơ của các nhóm này khá giống nhau – dùng hình ảnh ca sĩ để thu hút sự chú ý sau đó trục lợi từ khán giả. Phải đến khi phía ca sĩ lên tiếng, các đối tượng mới lẳng lặng xóa bài đăng, xem như mọi chuyện chưa từng xảy ra; hầu như không có đơn vị nào dám công khai nhận lỗi vì hành động “xài chùa” kém văn minh, vi phạm pháp luật trắng trợn của mình.
Ở sự vụ liên quan đến Quyền Linh, nam nghệ sĩ cho rằng, việc ngăn chặn tình trạng này rất khó bởi khi phát hiện có vấn đề, các đối tượng lập tức xóa hết các sản phẩm, đóng các tài khoản Facebook. Đến khi mọi việc lắng xuống, họ tiếp tục trồi lên để lập hàng loạt tài khoản khác.
“Tôi có thử đặt mua hàng để tìm kiếm thông tin địa chỉ người gửi ở đâu, nhưng họ cũng cảnh giác và không giao hàng cho tôi. Tới hiện tại, tôi bị hơn 100 sản phẩm không rõ nguồn gốc lợi dụng hình ảnh của mình” – anh cho biết thêm.
Nghệ sĩ cần biết bảo vệ hình ảnh của mình
Với nhiều nghệ sĩ khi gặp tình huống này, họ thường chọn cách lên tiếng cảnh báo trên các phương tiện mạng xã hội, kênh truyền thông, báo chí. Đây là một trong những hướng giải quyết hiệu quả bởi thông qua sức ảnh hưởng lớn, mỗi nghệ sĩ có thể dễ dàng cung cấp thông tin chính xác để khán giả cảnh giác, không bị lừa về tiền bạc.
Tuy nhiên, thông báo qua mạng xã hội chỉ là giải pháp tạm thời, chỉ có thể dùng để “dập” nhanh chứ không hề có tác dụng lâu dài. Thực tế cho thấy, hết vụ lừa đảo này đến ồn ào khác liên quan đến “xài chùa” hình ảnh nghệ sĩ vẫn xảy ra nhan nhản và chính khán giả – những người đặt hết niềm tin, sự yêu mến cho nghệ sĩ lại trở thành “miếng mồi béo bở” để các đối tượng liên tục thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi cho bản thân.
Vậy nên, mỗi nghệ sĩ Việt phải có trách nhiệm và hướng xử lí đúng đắn để giải quyết dứt điểm thực trạng này. Không chỉ lên tiếng thông tin cảnh báo cho khán giả, nghệ sĩ cũng cần quyết liệt, đưa các vụ việc sai phạm, gây ảnh hưởng đến hình ảnh, quyền lợi ra pháp luật, không dung thứ cho hành vi sai trái.
Theo luật sư Trần Minh – văn phòng luật sư TP Hồ Chí Minh: Theo Khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại phải được sự đồng ý của người đó và phải trả thù lao cho hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Sử dụng hình ảnh của người khác sai quy định thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lí khác theo quy định của pháp luật.
Hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý cũng là hành vi bị cấm tại khoản 8 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012. Cụ thể, tại điểm b khoản 3 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng khi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý. Đối với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả lúc này là buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.
Luật sư Minh cũng nói thêm, Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu – 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu – 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.