Chia cổ tức vẫn là vấn đề nóng được cổ đông đặc biệt quan tâm tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Sacombank. Trả lời vấn đề này, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank khẳng định sẽ chia cổ tức khi hoàn tất tái cơ cấu…
Trả lời chất vấn của cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 tổ chức sáng ngày 25/04 về vấn đề tại sao Sacombank nhiều năm qua kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận mỗi năm thu về hàng ngàn tỷ đồng mà không chia cổ tức cho cổ đông, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng, cho biết Sacombank đã trình lên Ngân hàng Nhà nước phương án tăng vốn, chia cổ tức cho cổ đông nhưng chưa được chấp thuận vì đang trong giai đoạn tái cơ cấu sau khi sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phương Nam.
Cũng theo ông Minh, hiện Ngân hàng đã cơ bản xử lý nợ xấu, chỉ còn vấn đề duy nhất liên quan đến khoản cổ phiếu của ông Trầm Bê. Hiện Sacombank đã trình phương án bán đấu giá 32,5% vốn cổ phần của ông Trầm Bê để hoàn thành việc tái cơ cấu ngân hàng. Dự kiến trong quý 4/2023 sẽ đấu giá và khi hoàn tất xong sẽ chia cổ tức.
“Thực tế, không chỉ có cổ đông, mà bản thân tôi cũng là cổ đông lớn nhất của Sacombank; các thành viên trong Hội đồng quản trị và Ban điều hành cũng là cổ đông lớn và cũng muốn chia cổ tức. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa thực hiện được. Chúng tôi phấn đấu trong năm nay sẽ giải quyết xong những vấn đề còn tồn đọng và sẽ trình Ngân hàng Nhà nước xin được chia cổ tức. Khi được phép, ngân hàng sẽ chia cổ tức cho cổ đông luôn chứ không giữ lại làm gì”, ông Minh nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến cổ tức, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, cho biết hiện lợi nhuận mà Sacombank đang giữ lại đạt 12.600 tỷ đồng và sẵn sàng chia cổ tức cho cổ đông để tăng vốn khi Ngân hàng Nhà nước cho phép. Ngoài ra, Sacombank cũng trích khoảng 400 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi theo luật để thưởng cho gần 18.000 cán bộ – nhân viên.
Báo cáo với cổ đông, Tổng giám đốc Sacombank cho biết năm 2022 Ngân hàng đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số tạo sự phát triển đột phá. Nhờ vậy, lợi nhuận trước thuế đạt 6.339 tỷ đồng tăng 44% so với năm trước. Nếu tính con số trước trích lập đề án tái cơ cấu sẽ lên tới 19.940 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong năm 2022, Sacombank thu hồi xử lý 15.886 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó có hơn 12.000 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án. Ngân hàng cũng đã hoàn tất xử lý toàn bộ 21.576 tỷ đồng lãi dự thu được khoanh thuộc Đề án và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định. Tổng số dư dự phòng rủi ro đạt 22.742 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt 131%, tăng 12.4%.
Trả lời cổ đông về việc trích lập dự phòng trái phiếu VAMC, Tổng Giám đốc Sacombank cho biết hiện Sacombank đã trích đến 8.838 tỷ đồng, tương đương 100% dư nợ trái phiếu VAMC. Con số này cao gấp 2,5 lần năm trước, nhưng Ngân hàng vẫn lãi trước thuế 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021 và bằng 120% so với kế hoạch (kế hoạch lợi nhuận năm 2022 là 5.280 tỷ đồng lãi trước thuế).
Tính đến cuối năm 2022, quy mô tổng tài sản của Sacombank mở rộng 14% so với đầu năm, lên mức 591.908 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 13%, tiền gửi khách hàng tăng 6%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm mạnh từ 1,47% xuống còn 0,98%.
Năm 2023, Sacombank đặt mục tiêu lãi trước thuế 9.500 tỷ, tăng 50% so với thực hiện năm 2022. Tổng tài sản đạt 657,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11% năm 2022. Trong đó, tổng dư nợ tín dụng kỳ vọng đạt 491,6 nghìn tỷ, tăng 12% (tùy tình hình phân bổ của Ngân hàng Nhà nước); đồng thời, khống chế nợ xấu dưới 2%. Về huy động, Sacombank kỳ vọng đến cuối năm 2023, tổng huy động sẽ đạt 574,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11%.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023, Sacombank dự kiến trích 5% lợi nhuận sau thuế cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, 10% sau trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ cho quỹ dự phòng tài chính, 7% cho quỹ khen thưởng và 7% cho quỹ phúc lợi.
Kết thúc đại hội, cổ đông đã biểu quyết thông qua các tờ trình với tỷ lệ nhất trí cao.
|