Về trang chủ Văn hóa Văn hóa đọc chưa hề bị mai một hay ‘chết đi’

Văn hóa đọc chưa hề bị mai một hay ‘chết đi’

Các bạn trẻ hoàn toàn biết giá trị mà văn hóa đọc mang lại nhưng các bạn lại chưa có đủ lý do và động lực để kiên trì đọc, Nguyễn Hữu Phước – người sáng lập dự án cộng đồng mang tên Lang Thang – chia sẻ.
Nguyễn Hữu Phước (phải) cùng thành viên Lang Thang tham gia một talkshow liên quan đến sách, đọc sách

Với thông điệp “Đi để đọc, đi để học, đi để nhìn đời”, Nguyễn Hữu Phước cùng dự án Lang Thang đã mang văn hóa đọc lan tỏa đến cộng đồng từ năm 2022 đến nay. Bản thân có một tình yêu lớn lao với sách vở, anh “mong muốn góp một chút gió trong cộng đồng những người đã, đang làm cho văn hóa đọc len lỏi vào cuộc sống, nhất là với những người trẻ hiện đại”.

Những hoạt động mà Lang Thang tổ chức có talk show về văn hóa đọc, workshop chia sẻ kỹ năng đọc thông minh, cuộc thi quay video clip lan tỏa văn hóa đọc và một số chương trình đọc sách online, thực hành lòng biết ơn… Mới đây, Lang Thang đã đồng hành cùng dự án Chuyến tàu mùa thu và VCD Center trong chiến dịch kêu gọi và trao tặng tủ sách “Vì một Trái đất xanh”.

* Có nhiều người nhận định, người trẻ giờ ít đọc, văn hóa đọc bị mai một… Anh có bi quan trước thực tế đó không?

– Tôi từng cho rằng văn hóa đọc ở nước ta không thể theo kịp các nước phát triển khác. Nhưng giờ đây tôi phát hiện văn hóa đọc không hề bị mai một hay “chết đi”.

Biểu hiện, ta vẫn đọc báo, đọc bản tin, đọc sách tài liệu, đọc các bài viết ngắn hay các bài chia sẻ kiến thức trên mạng xã hội… Miễn sự đọc đó mang lại giá trị tốt đẹp cho con người, đó đã là văn hóa đọc.

Sở dĩ các bạn trẻ hiện nay ít đọc không phải là vì các bạn không thích đọc hay không hiểu rõ tầm quan trọng của việc đọc. Các bạn hoàn toàn biết giá trị mà văn hóa đọc mang lại, nhưng các bạn lại chưa có đủ lý do và động lực để kiên trì đọc.

Cộng thêm việc không có người hướng dẫn và truyền động lực đọc cho các bạn, nên các bạn mới cho rằng đọc sách thật nhàm chán. Đó cũng chính là lý do mà Lang Thang ra đời để giúp các bạn khơi dậy nguồn cảm hứng và niềm vui thích khi đọc sách.

* Theo anh, đọc sách có cần kỹ năng gì không? Làm sao để người trẻ yêu việc đọc sách thay vì tốn thời gian lướt TikTok, chơi Facebook?

– Để các bạn trẻ dành nhiều thời gian đọc sách hơn thì trước hết cần phải tạo cho các bạn một môi trường đủ thú vị, đủ vui vẻ để đọc. Không nên ép buộc hay gò bó quá trong việc đọc.

Ví dụ như khi Lang Thang tổ chức sự kiện We go together hồi tháng 7-2022, dự án đã chia các bạn thành các nhóm nhỏ, cùng nhau tổ chức các hoạt động đọc, chia sẻ kiến thức cho nhóm của mình để vượt qua thử thách và nhận lấy phần thưởng. Nhờ vậy mà các bạn có nhiều niềm vui hơn.

Thậm chí có những bạn chưa bao giờ đọc sách, nhưng vì có các thành viên khác trong nhóm mà họ sẵn sàng cùng Lang Thang thức dậy lúc 5h sáng để đọc sách và thực hành lòng biết ơn. Sau đó họ đã duy trì thói quen này đến tận bây giờ.

Muốn đọc sách hiệu quả thì còn cần rất nhiều kỹ năng khác nữa. Chẳng hạn như kỹ năng xử lý và chọn lọc thông tin, kỹ năng đọc sách siêu tốc để tìm kiếm thông tin cần thiết, kỹ năng áp dụng kiến thức từ sách vào thực tế…

* Dự định của anh cho Lang Thang trong năm 2023 này?

– Năm 2023 – 2024 này, Lang Thang chọn chủ đề là “Văn hóa đọc bền vững”. Ở đó, gia đình và trường học chính là những đối tượng quan trọng nhất mà chúng tôi muốn tác động đến.

Bên cạnh đó, năm nay Lang Thang cũng chú trọng hơn trong việc kết nối và hỗ trợ, bảo trợ chuyên môn cho các dự án, câu lạc bộ, tổ chức về sách, văn hóa đọc, văn chương. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tổ chức một số sự kiện nhằm mang tri thức đến các đối tượng yếu thế, giúp họ có đời sống tinh thần tốt đẹp hơn.

Tính đến tháng 4-2023, dự án Lang Thang đã đạt 14.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội, tổng lượt tiếp cận đạt hơn 200.000 lượt. Bên cạnh đó, các hoạt động và các sự kiện của dự án cũng thu hút gần 1.000 bạn trẻ trên khắp cả nước đăng ký tham gia.
Theo Báo Tuổi Trẻ

Có thể bạn quan tâm