Các đại lý bán lẻ xăng dầu sẽ được lấy hàng từ nhiều nhà cung cấp (thương nhân phân phối, đầu mối) thay vì chỉ một nguồn như hiện tại. Tuy nhiên, chuyên gia chỉ ra rằng, điều này là “lợi bất cập hại”.
Đại lý bán lẻ xăng dầu có thể được lấy hàng từ nhiều nguồn
Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, trong đó có nội dung sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương cho biết, sau khi ghi nhận góp ý từ các bộ, ngành, doanh nghiệp về sửa Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, việc sửa đổi sẽ hướng vào các nội dung như sửa công thức giá, phương thức điều hành; thời gian điều hành và công bố giá.
Trong đó, đại lý bán lẻ xăng dầu sẽ được lấy từ nhiều nhà cung cấp (thương nhân phân phối, doanh nghiệp đầu mối) thay vì chỉ một nguồn như hiện nay.
Thực tế thị trường có nhiều đơn vị cung ứng nên việc cho phép đại lý chọn, thay đổi đơn vị cấp hàng sẽ linh hoạt về nguồn, nhất là khi thị trường biến động.
Việc các đại lý chỉ được lấy từ một nguồn như hiện tại, theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, là một trong số nguyên nhân khiến họ chịu thiệt thòi, thua lỗ khi thị trường biến động hơn một năm qua.
Trao đổi với Lao Động, một doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu cho biết, hệ luỵ của việc không cho doanh nghiệp bán lẻ lấy nhiều nguồn – dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ thành lập quá nhiều doanh nghiệp nhỏ của gia đình mình.
Có một doanh nghiệp xây dựng, quản lý một cửa hàng xăng dầu, nhưng vì để được lấy nhiều nguồn, đối phó với quy định bất hợp lý của Bộ Công Thương, doanh nghiệp này đã tách ra, thành lập thêm 2 hoặc 3, thậm chí là 4 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu riêng biệt.
Mặc dù trên thực tế cũng chỉ là 1 người sở hữu tất cả các doanh nghiệp đó.
“Điều này đã làm cho tăng số lượng về doanh nghiệp, song không tăng về chất lượng; làm phức tạp thêm cho việc quản lý của chủ doanh nghiệp khi phải tách ra hạch toán sổ sách tài chính kế toán, vay trả, xử lý công nợ”, ông nói và cho biết, ngay bản thân ông cũng tách doanh nghiệp của mình ra cho vợ con đứng tên để được lấy nhiều nguồn.
Theo ông, để đảm bảo quản lý chi tiêu và quản lý tài khoản và cân đối toàn bộ nguồn tiền có được thì người chủ doanh nghiệp phải quản lý cả 3-4 con dấu cùng lúc để lệnh chi xuất điều phối nguồn tiền của tất cả các doanh nghiệp mà mình đang quản lý.
“Đây là việc làm phức tạp và không hề dễ chịu, không thuận tiện trong quản lý của chủ doanh nghiệp xăng dầu hiện tại đang phải gánh chịu để đối phó với quy định.
Còn về mặt quản lý nhà nước lại càng phức tạp hơn khi phải quản lý quá nhiều doanh nghiệp, nhất là vấn đề quản lý thuế, nhận báo cáo cùng lúc quá nhiều doanh nghiệp thay vì đúng nghĩa thực chất chỉ 1 doanh nghiệp”, ông nói.
Lợi bất cập hại
Ở góc nhìn khác, một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, việc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị được lấy hàng từ nhiều nguồn sẽ gây nên tình trạng “lợi bất cập hại”.
Vị này đặt câu hỏi, nếu doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được mua hàng từ nhiều đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu thì cửa hàng đó sẽ bán giá của đầu mối và thương nhân phân phối nào. Bởi hiện nay, trên cả nước có tổng cộng 34 doanh nghiệp đầu mối và gần 400 thương nhân phân phối xăng dầu.
Bên cạnh đó, khi muốn thu hồi sản phẩm xăng dầu không đạt tiêu chuẩn chất lượng thì biết thu hồi sản phẩm nguồn của đầu mối hay thương nhân phân phối nào. Bởi hàng của nhiều đầu mối và thương nhân phân phối đã được đổ chung bồn chứa.
Chưa kể khi tính nguồn hàng dự trữ lưu thông thì tính như thế nào cho doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối. Nếu đại lý được lấy hàng từ nhiều đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu thì điều kiện được cấp giấy phép cho đầu mối sẽ ra sao.
Theo quy định của Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, để trở thành doanh nghiệp đầu mối thì phải thoả mãn được điều kiện có tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu của doanh nghiệp, tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.
Do vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng khi bổ sung nội dung cho doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn vào dự thảo Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.