Về trang chủ Văn hóa Du lịch Khai thác tiềm năng du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng

Khai thác tiềm năng du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng

Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là tài sản quý hiếm của tỉnh Hậu Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, không những có giá trị về mặt sinh thái, thiên nhiên mà còn gắn với lịch sử, truyền thống đấu tranh cách cách mạng.
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng với vẻ đẹp hoang sơ.

“Công danh chi nữa mà chờ/Về kênh Long Phụng đặt lờ nuôi em”. Câu ca dao truyền miệng có sức sống vượt thời gian đưa du khách đến với Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang).

Lão nông Nguyễn Văn Nhỏ, sống từ nhỏ bên con kênh Long Phụng kể rằng, Lung Ngọc Hoàng là nơi ngập nước quanh năm nước rất sâu và xanh biếc, thủy sản rất nhiều, đặc biệt là cá. Thời khẩn hoang do điều kiện lập địa là vùng đầm lầy, trũng, thấp nên còn nhiều lung, đìa tự nhiên với hệ sinh thái đất ngập nước ngọt đa dạng, phong phú. Có thể xem Lung Ngọc Hoàng là cái rốn của tiểu vùng Tây Sông Hậu. Thực vật nơi đây có nhiều loài cây gỗ nhỏ, dây leo, thân thảo; còn động vật và thủy sản nhiều vô kể. Theo ông Nguyễn Văn Nhỏ, ngày trước, cá ở vùng kênh Long Phụng nhiều tới mức bắt không xuể. Người ta chỉ bắt cá lóc (cá quả), cá trê chứ không ai bắt mấy loại cá khác như cá sặc, cá nhỏ lại càng không đụng tới.

Ông Nguyễn Văn Niên nay đã tuổi 80 nhưng nhớ còn rõ thời trai trẻ đi đặt lờ bắt cá ở con kênh này: “Đặt lờ xuống một cái là phải lấy tay đỡ phía dưới cái lờ đưa lên, chứ xách phía trên là cá nhiều nặng làm bung luôn”.

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng với vẻ đẹp hoang sơ.

Theo Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng Lư Xuân Hội, Lung Ngọc Hoàng là nơi bảo tồn hơn 500 loài thực vật, động vật, trong đó có một số động vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam và nhiều dược liệu quý hiếm.

Nêu lên những thách thức để phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh Hậu Giang, đại diện đơn vị lập Dự án phát triển du lịch cộng đồng cho rằng cạnh tranh giữa các sản phẩm du lịch tại Hậu Giang và các địa phương lân cận ngày càng cao. Mô hình du lịch sinh thái không còn mới đối với du lịch cả nước, trong khi đó sức cạnh tranh của các sản phẩm đặc sản tại Hậu Giang chưa cao và phải cạnh tranh mạnh mẽ với những sản phẩm cùng loại của các địa phương khác trong vùng. Vì vậy, Hậu Giang cần tạo sự khác biệt rõ nét với các sản phẩm, dịch vụ tour, tuyến, điểm tham quan mới mẻ, đặc thù.

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng với vẻ đẹp hoang sơ.

Khai thác du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng với đặc trưng là tour “đặt lờ nuôi em” lại chưa được quan tâm đầu tư. “Với tiềm năng của Lung Ngọc Hoàng đang bảo tồn những sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, độc đáo, sự đa dạng sinh học, nơi cư trú của các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái đất ngập nước chuyển tiếp giữa phía Tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau, đồng thời góp phần các giá trị về văn hóa, lịch sử, nhân văn của vùng đồng bằng Nam Bộ, không chỉ một ngày mà một tuần du khách còn chưa khám phá hết”, Giám đốc Lư Xuân Hội chia sẻ.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là tài sản quý hiếm của tỉnh Hậu Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, không những có giá trị về mặt sinh thái, thiên nhiên mà còn gắn với lịch sử, truyền thống đấu tranh cách cách mạng của tỉnh. Do đó, cần giữ gìn, bảo vệ rừng nguyên sinh, môi trường rừng nghiêm ngặt, khoa học, hiệu quả.

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng với vẻ đẹp hoang sơ.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan hướng dẫn UBND tỉnh Hậu Giang xây dựng Đề án du lịch sinh thái tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm mục tiêu vừa bảo tồn bền vững thiên nhiên, môi trường sinh thái kết hợp với khai thác du lịch hợp lý, khoa học, hiệu quả, vừa phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh một cách lâu dài, bền vững.

Đây sẽ là điều kiện tốt để vừa bảo tồn, kết hợp khai thác du lịch sinh thái đặc trưng của tỉnh, của vùng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm