Bộ phim “The Glory” và nhiều tác phẩm đề tài bạo lực học đường của Hàn Quốc đã được lên kịch bản dựa theo những chuyện có thật từng xảy ra ở các trường học quốc gia này.
Cảnh kinh hoàng nhất “The Glory” dựa trên chuyện có thật
Bộ phim “The Glory” (tựa Việt: Vinh quang trong thù hận) vừa ra mắt và gây bão trên nền tảng số, được xem nhiều nhất tại nhiều quốc gia, là tác phẩm được ngợi khen khắp các diễn đàn phim ảnh. Phim lấy đề tài gai góc về nạn bạo lực học đường. Ở đó, nhân vật chính Moon Dong Eun (Jung Ji So và Song Hye Kyo thủ vai) đã bị hủy hoại từ bên trong khi mỗi ngày đến trường đều bị bạn bè cô lập, đánh đập và tra tấn.
Trong phim, có nhiều cảnh bạo lực gây sốc với khán giả. Báo chí Hàn đưa tin, cảnh phim bạo lực kinh hoàng nhất ở “The Glory” được dựa theo vụ việc có thật.
Cụ thể, cảnh Moon Dong Eun bị bạn bè lấy máy kẹp tóc tra tấn, khiến người cô đầy vết bỏng. Đây là hung khí từng được sử dụng trong vụ bạo lực học đường xảy ra năm 2006 ở Cheongju, Hàn Quốc.
Năm 2006, tại một trường học dành cho nữ sinh ở Cheongju, một nữ sinh tên J thường xuyên bị nhóm bạn học do K cầm đầu hành hung, đánh đập. Nhóm bạn này đã dùng máy kẹp tóc để gây thương tích nghiêm trọng trên cánh tay và ngực của J. Không chỉ vậy, nhóm bạn do K cầm đầu còn cướp tiền của J.
Tất cả những chi tiết này đều được sử dụng và tái hiện lại trong phim “The Glory”. Nhân vật chính Moon Dong Eun đã phải chịu nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần trong suốt hành trình trưởng thành. Những vết bỏng do máy kẹp tóc để lại ghi hằn trên khắp hình thể của Moon Dong Eun.
Ngoài “The Glory”, nhiều tác phẩm của Hàn Quốc đã bóc trần những góc tối tàn bạo chốn học đường. Ở đó, những mầm ác đã được reo rắc, sự phân hóa giàu – nghèo diễn ra sâu sắc, đứa trẻ lớn lên từ nền giáo dục gia đình ưa bạo lực sẽ trở nên dễ nổi nóng, và thích đánh đập bạn bè.
Nhiều tác phẩm điện ảnh và truyền hình của Hàn Quốc gây sốc với dư luận khi dựa trên chuyện có thật xảy ra để phản ánh dưới góc nhìn gai góc nhất, kinh hoàng nhất, từ đó, đưa ra lời cảnh báo khẩn thiết đến Bộ Giáo dục và Chính phủ Hàn.
Lời cảnh báo thảm khốc từ phim “Mẹ ơi đừng khóc”
Bộ phim điện ảnh “Don’t cry mommy” (Mẹ ơi đừng khóc) sản xuất năm 2012 đã lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả thế giới. Phim dựa trên vụ án có thật về một nữ sinh đã tự sát sau khi phải chịu đựng bạo lực học đường, bạo lực tình dục từ chính bạn bè cùng trường.
Phim gây chấn động dư luận. Vụ án có thật xảy ra đối với nữ sinh 15 tuổi ở Miryang, Nam Gyeongsang, đã bị 41 nam sinh thay nhau hãm hiếp.
Bị khủng hoảng tâm lý, cô bé đã tự sát vào ngày sinh nhật và để lại dòng chữ “Don’t cry mommy” (Mẹ ơi đừng khóc). Nỗi đau quá lớn, người mẹ đã quyết định đi tìm công lý đến cùng, cho dù phải hy sinh cả mạng sống.
Bộ phim đã chạm đến tâm can, đến lương tri của tất cả những ai đang làm cha làm mẹ, đến những ai đang là thầy – cô đứng lớp. Chúng ta vẫn rao giảng về đạo đức, cách làm người cho bao thế hệ học sinh, nhưng đôi khi lại làm ngơ, lại im lặng trước tội ác.
“Thế giới này xấu xa hơn không chỉ vì tội ác của kẻ xấu, còn vì sự im lặng của những người tốt” – thông điệp này được khắc họa rõ nét ở các phim bạo lực học đường.
Tội ác của trẻ vị thành niên lại càng trở nên khủng khiếp, khi tội ác ấy được ươm mầm ở những tuổi đời còn quá trẻ, họ thực hiện tội ác với sự thản nhiên, ngây thơ, vô cảm và không phải chịu hình phạt nặng nhất trước pháp luật.
“Don’t cry mommy” là hồi chuông cảnh tỉnh khiến cả Hàn Quốc bàng hoàng. Bộ phim và cú sốc tạo ra đã trở thành lời kêu gọi để cả xã hội cùng chung tay cứu lấy những số phận non trẻ đang bị vùi dập, hành hạ trong những góc tối học đường.
Loạt tác phẩm gây sốc về bạo lực học đường, phản ánh góc tối trường học, sự đổ vỡ – rạn nứt trong mối quan hệ thầy trò, và những đứa trẻ đến trường mỗi ngày đều là địa ngục. Có thể kể đến: School 2015, Penthouse, Everyone is there, Sát nhân học được, Sự im lặng (Silence), Ngụy chứng của Solomon, Weak Hero Class, The Golden Spoon, Class Of Lies… |
Theo Báo Lao Động