Sáng ngày 17/4, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo có chuyến thăm và làm việc với Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương).
Kiến nghị có hướng dẫn chi tiết hơn về Nghị định 116
Tại buổi làm việc, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường – Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một đã chia sẻ về những kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường, chiến lược phát triển nhân lực cho tỉnh Bình Dương và khu vực Đông Nam Bộ cũng như định hướng phát triển của trường trong 10 năm tới tại vùng Đông Nam Bộ.
Theo đó, qua 13 năm phát triển, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã định hình là trường đa ngành, đa lĩnh vực phát triển theo định hướng ứng dụng và các chuẩn mực tiên tiến hiện đại, tiếp cận với chuẩn mực giáo dục đại học tiến tiến. Quy mô tăng nhanh, các điều kiện đảm bảo chất lượng ngày càng hoàn chỉnh. Đã khẳng định được uy tín, vị trí trong hệ thống giáo dục đại học và hội nhập với giáo dục đại học trong khu vực Đông Nam Á. Được phụ huynh, sinh viên tin tưởng lựa chọn làm nơi học tập và rèn luyện, hàng năm tuyển sinh đạt chỉ tiêu.
Sản phẩm đào tạo, sản phẩm khoa học công nghệ của trường đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của vùng Đông Nam Bộ.
Đối sánh với các trường đại học trong tỉnh Bình Dương và các trường tương đồng trong vùng Đông Nam Bộ (trường đại học thuộc tỉnh, nâng cấp từ trường cao đẳng sư phạm…) thì Trường Đại học Thủ Dầu Một có tốc độ phát triển nhanh, quy mô lớn; tỉ lệ tiến sĩ/tổng số giảng viên cao hơn trung bình của vùng Đông Nam Bộ (27/24,2%); là một trong những trường đại học địa phương tự chủ tài chính. Có triển vọng phát triển.
Bên cạnh đó cũng có một số khó khăn, hạn chế, Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Cường chia sẻ: “Quy mô lớn và tốc độ phát triển nhanh nên các điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng chưa bền vững: Đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ cần tiếp tục nâng lên (27%), cơ cấu ngành nghề, độ tuổi của đội ngũ chưa cân đối; Năng lực ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, trao đổi giảng viên với các trường nước ngoài còn hạn chế.
Trong tổng số các ngành đang đào tạo, cơ cấu sinh viên không cân bằng, tập trung nhiều ở khối ngành kinh tế, ngôn ngữ, kỹ thuật, luật. Các ngành khối xã hội nhân văn và sư phạm có số lượng sinh viên ít. Năng lực nghiên cứu khoa học (nội lực của đội ngũ cơ hữu) còn khiêm tốn.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất còn hạn chế, cụ thể, phòng học phần nhiều cải tạo từ cơ sở của Trường Cao đẳng Sư phạm, kể cả phòng làm việc của các phòng ban chức năng cũng cải tạo từ cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm; xưởng thực hành di chuyển lên Bến Cát; thiếu sân bãi thể dục thể thao, không gian sinh hoạt tập thể, không gian để xe cho sinh viên.
Về mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Trường Đại học Thủ Dầu Một hướng đến trở thành đại học thông minh; tham gia vào bảng xếp hạng châu Á năm 2030, người học có năng lực làm việc trong và ngoài nước.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường cũng đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương hỗ trợ Trường Đại học Thủ Dầu Một về một số vấn đề.
“Thứ nhất, về hội đồng trường nhiệm kỳ 2023-2028: Hội đồng trường nhiệm kỳ 2023 – 2028 được thành lập và công nhận theo quyết định số 533/QĐ-UBND ngày 10/3/2023 nhưng chưa có chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch. Hiện, trường đang thực hiện các bước về công tác cán bộ theo quy định của Đảng, của tỉnh và đang chờ được phê duyệt. Hội đồng trường là điều kiện tiên quyết để thực hiện tự chủ đại học.
Do vậy, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất cho trường thực hiện quyền tự chủ trong thời gian kiện toàn các chức danh này.
Thứ hai, về thực hiện Nghị định 116: Hiện nay hầu hết các trường và ngành giáo dục địa phương đều lúng túng trong triển khai thực hiện Nghị định 116 vì một số quy định chưa rõ và hiểu thống nhất, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn chi tiết hơn về:
Nghĩa vụ bồi thường/hoàn trả nếu không tốt nghiệp; Theo dõi, quản lý các em hưởng chính sách sau khi tốt nghiệp; Trình tự thủ tục đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ; Trường hợp năng lực đào tạo của trường lớn hơn đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ thì số dư ra có được thu học phí; Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật giáo dục đại học; Nguồn kinh phí đào tạo theo nhu cầu xã hội từ ngân sách địa phương hay Trung ương.
Thứ ba, về đào tạo đội ngũ giảng viên: Hiện nay, tỉ lệ tiến sĩ trên giảng viên của Trường Đại học Thủ Dầu Một đạt 27%, tương đương mặt bằng chung cả nước, nhưng vẫn thấp hơn nhiều trường thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện, hỗ trợ cho trường được tham gia nhiều hơn vào các Đề án 69, 89 để nâng cao tỉ lệ tiến sĩ/tổng số giảng viên đảm bảo đáp ứng quy định của Thông tư 02 về tuyển sinh và duy trì ngành đào tạo” – Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một bày tỏ.
Lưu ý trách nhiệm đào tạo sư phạm đáp ứng chương trình mới
Chia sẻ với các thầy cô Trường Đại học Thủ Dầu Một, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: “Tôi ấn tượng với khuôn viên của nhà trường, có dòng chữ “Khát vọng, trách nhiệm và sáng tạo”, mong rằng từ khát vọng sẽ trở thành con đường phát triển thực tế.
Nhà trường đã có một “đà” phát triển bền vững, cần phải tận dụng những cơ hội sẵn có để phát triển mạnh mẽ hơn.
Khu vực miền đông có nhu cầu đào tạo trình độ đại học, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là rất lớn. Đối với cơ sở đào tạo cung cấp nhân lực cho thị trường lao động thì nhu cầu đào tạo lớn chính là một thuận lợi.
Nhận diện những lợi thế của vùng và đặc biệt là những lợi thế trong sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, nhà trường cần có kế hoạch triệt để, tận dụng để tiếp tục phát triển.
Nhà trường đã xác định là một trường đại học đào tạo đa ngành, xác định rõ định hướng mang tính ứng dụng, đây cũng là một xác định mang tính thực tế, vì chúng ta có nhu cầu nhân lực lớn.
Thời gian chưa đầy 14 năm xây dựng và phát triển, trên cơ sở phát triển từ Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương, nhà trường đã cung cấp hơn 35.000 sinh viên tốt nghiệp, cung cấp và đóng góp nguồn nhân lực cho địa phương và khu vực”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề cập đến một số lưu ý: “Thứ nhất, nhà trường đi lên từ một trường cao đẳng sư phạm, hiện nay, trong quy mô đào tạo cũng vẫn còn 6 ngành sư phạm. Ngành giáo dục cũng mong nhà trường vẫn tiếp tục lưu ý, chăm lo cho các ngành đào tạo sư phạm, hay nói cách khác là có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ của trường cao đẳng sư phạm trước đây.
Đồng thời, ngày càng có đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp đổi mới giáo dục phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhu cầu về giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong giáo dục phổ thông hiện tại là rất lớn, đổi mới cần rất nhiều giáo viên ở các nhóm khác nhau. Chính vì vậy, nhà trường phải tự xác định đây là trách nhiệm của mình trong đào tạo sư phạm, để các giáo viên khi vừa tốt nghiệp có thể đủ sức tham gia ngay vào vào những yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông.
Thứ hai, trong cơ cấu đa ngành, nhà trường cũng cần phải xác định đâu là ngành đặc sắc, “mũi nhọn”… Trong số danh mục các ngành đào tạo phong phú của nhà trường, cũng cần xác định thế mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, bản sắc trong đào tạo… Trong đó, công nghệ kỹ thuật cao chắc chắn là một yêu cầu quan trọng, nhà trường đáp ứng được đến đâu thì sẽ khẳng định được vị thế đến đó.
Điểm quan trọng là nhà trường phát triển đa ngành, tăng quy mô, có những bước tiến nhiều hơn nữa nhưng cũng phải chú trọng đặc biệt vào chất lượng thực tế. Chất lượng được “đo” và đánh giá từ phía chính người học, xã hội và kết nối với doanh nghiệp, đưa các hoạt động giáo dục để sinh viên tham gia nhiều hơn vào các khâu sản xuất, kinh doanh của các đơn vị… Đương nhiên, kiểm định chất lượng, đánh giá quốc tế cũng là những ghi nhận rất quan trọng, nhưng vẫn cần có chất lượng thực tế được đánh giá từ chính người học, tạo dựng uy tín cho cả trước mắt cũng như tính bền vững cho tương lai.
Ngoài ra, với những vấn đề của ngành giáo dục nói chung đòi hỏi đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học hiện nay, như gia tăng quản trị số, xây dựng đại học thông minh, cần thực hiện khẩn trương. Nếu muốn trở thành một trong những trường đại học hàng đầu của quốc gia, thì quản trị, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng cần tiên phong, mới có thể phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững”.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Trong khu vực, cũng có rất nhiều cơ sở giáo dục đại học lớn, nhà trường phải xem đó vừa là những người bạn lớn, vừa cạnh tranh, vừa thách thức nhưng cũng là cơ hội để cùng phát triển”.
Theo Báo Giáo Dục 24H