Bộ Giáo dục có báo cáo tình hình phát triển giáo dục vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2011-2022, nhiệm vụ và giải pháp phát triển đến năm 2030.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, về cơ bản, 100% đơn vị cấp xã trong vùng Đông Nam Bộ đều có trường mầm non, tiểu học. Hầu hết các xã đều có trường trung học cơ sở, các huyện đều có trường trung học phổ thông. Tính đến năm học 2020 – 2021, toàn vùng có 7.871 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, tăng hơn 1.000 cơ sở giáo dục so với giai đoạn năm học 2010 – 2011.
Với giáo dục mầm non: Năm học 2020 – 2021, toàn vùng có 2.641 cơ sở giáo dục mầm non, tăng 1.006 trường so với năm học 2010 – 2011, với 851 điểm trường, quy mô 736.268 trẻ em, trong đó trẻ mầm non là 632.355 em.
Tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng dần hàng năm. Năm học 2020 – 2021, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ vùng Đông Nam Bộ đạt 29,4% (tăng 9,5% so với năm học 2010 – 2011), cao hơn 1,1% so với bình quân của cả nước, đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế – xã hội, tuy nhiên vẫn thấp hơn 0,6% so với mục tiêu phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 – 2025.
Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ không đồng đều giữa các tỉnh trong khu vực, có 2/6 tỉnh trong khu vực có tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ thấp hơn so với bình quân khu vực, bình quân cả nước, và chỉ có 3/6 tỉnh trong vùng đạt mục tiêu về phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 – 2025.
Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 83,1% (tăng 8,6% so với năm học 2010 – 2011), tuy nhiên vẫn thấp hơn 6,1% so với bình quân cả nước, đứng thứ 5 trong 6 vùng kinh tế – xã hội, chỉ cao hơn vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. So với mục tiêu về phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 -2025, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo của vùng vẫn thấp hơn 8,9% so với mục tiêu đề ra.
Kết quả thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã có tác động sâu rộng, tạo nền tảng căn bản và động lực để phát triển giáo dục mầm non, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, tạo sự đồng thuận trong xã hội, chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1.
Bên cạnh đó, các địa phương đã triển khai Chương trình giáo dục mầm non kịp thời, đồng bộ với nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo. Đến nay, 100% nhà trẻ (cao hơn 0,2% so với bình quân cả nước) và 99,9% trẻ mẫu giáo (cao hơn 1% so với bình quân cả nước) được học 2 buổi/ngày.
Với những nỗ lực nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú, năm học 2021 – 2022, tỷ lệ trẻ được tổ chức ăn bán trú toàn vùng đạt 99,9% đối với trẻ nhà trẻ, 98,7% đối với trẻ mẫu giáo.
Giáo dục phổ thông: Năm học 2020 – 2021, toàn vùng có 2.592 cơ sở giáo dục phổ thông (tăng 62 cơ sở giáo dục so với năm học 2010 – 2011) với 2.901.400 học sinh (tăng 764.590 học sinh so với năm học 2010 – 2011), trong đó 168.739 học sinh là người dân tộc thiểu số (chiếm 5,82%).
Tỷ lệ lớp/trường các cấp học trong khu vực Đông Nam Bộ đều đứng thứ nhất trong sáu vùng kinh tế – xã hội, và cao hơn so với bình quân của cả nước.
Mặc dù vậy, do tốc độ tăng dân số cơ học của vùng, đặc biệt là tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp đã gây áp lực không nhỏ lên hệ thống giáo dục. Đây cũng là vùng có tỷ lệ học sinh/trường và sĩ số học sinh/lớp cao nhất cả nước, đặc biệt là tỷ lệ học sinh/trường ở cấp trung học cơ sở cao gấp 2 lần so với trung bình cả nước.
Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở cả 3 cấp học đều tăng. Năm học 2020 – 2021, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,93%, tương đương so với mức bình quân chung của cả nước và tương đương với các vùng khác.
Tỷ lệ học sinh trung học cơ sở đến trường đạt 98,14%, tăng 7,32% so với năm học 2010 – 2011, và tương đương với các vùng kinh tế – xã hội khác trong cả nước.
Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học vào học trung học cơ sở đạt tỷ lệ 96,55%, tăng 2,7% so với thời điểm của năm học 2010 – 2011.
Chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học thời gian vừa qua được giữ vững, và từng bước nâng cao. Năm học 2020 – 2021, 6/6 tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ duy trì, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 1 là 100%, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 là 100%, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 là 96%. Tỷ lệ đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 là 52,85%.
Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày được các địa phương triển khai thực hiện tích cực. Số trường và số học sinh học 2 buổi/ngày ngày càng tăng sau mỗi năm học.
Kết quả, tính đến năm học 2020 – 2021, tỷ lệ cơ sở giáo dục tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đạt 74,3% (tăng 19,6% so với năm học 2010 – 2011), tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 77%, tăng 205 so với năm học 2010 – 2011. Tỷ lệ cơ sở giáo dục trung học cơ sở tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đạt 76,9%, tăng 40,4% so với năm học 2010 – 2011. Tỷ lệ cơ sở giáo dục trung học phổ thông tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đạt 83,7%, tăng 49,9% so với năm học 2010 – 2011.
Ngoài những thuận lợi, thành tích đã đạt được, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ rõ 3 tồn tại, hạn chế của giáo dục vùng Đông Nam Bộ, đó là Quy hoạch mạng lưới trường lớp còn bất cập, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Ngoài ra, còn có việc số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên còn nhiều bất cập; chất lượng giáo dục chưa được đảm bảo tốt.
Nguyên nhân của những hạn chế này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định do thiếu chính sách đãi ngộ với giáo viên, đặc biệt là giáo viên đang làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, nhà giáo còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Đầu tư cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa tương xứng với các yêu cầu, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhân lực có khả năng làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới. Chưa có cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo vào thực tiễn sản xuất kinh doanh.
Dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề ra những mục tiêu cụ thể, với giáo dục mầm non trong vùng Đông Nam Bộ đến năm 2025, huy động được ít nhất 35% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường. Tỷ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 30% trở lên. Đến năm 2030, huy động được 40% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường.
Phấn đấu đến năm 2030, vùng Đông Nam Bộ đủ số lượng giáo viên mầm non theo quy định, 100% giáo viên mầm non đạt trình độ đào tạo từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 85% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức độ khá trở lên.
Phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 40% số trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Với giáo dục phổ thông: Phấn đấu đến năm 2030, 50% số tỉnh, thành phố trong vùng đạt phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở mức độ 3. Tỷ lệ lên lớp cấp tiểu học, tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99%. Tỷ lệ lên lớp đến cấp trung học cơ sở đạt 98,93%, và cấp trung học phổ thông đạt 98,91%. Tỷ lệ tốt nghiệp cấp trung học cơ sở đạt 99,02% và cấp trung học phổ thông đạt 99,01%.
Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia với giáo dục tiểu học đạt khoảng 65%, trung học cơ sở là 76% và trung học phổ thông đạt khoảng 60%.
Tiên phong đi đầu trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đặc biệt là thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông.
Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong vùng, đảm bảo đủ số lượng giáo viên về số lượng, cơ cấu. Kiên cố hóa trường, lớp học, giải quyết tình trạng phòng học nhờ, nhà vệ sinh và công trình nước sạch, phấn đấu đến năm 2030 đạt 96% tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.
Phấn đấu đến năm 2030, giáo dục phổ thông trong vùng Đông Nam Bộ đứng đầu cả nước.
Theo Báo Giáo Dục Việt Nam