Tân Uyên đã chính thức được công nhận là thành phố thứ 4 của tỉnh Bình Dương kể từ tháng 4/2023. Đây là thành phố có nhiều khu công nghiệp và dân nhập cư.
Sáng ngày 12/4, UBND thị xã Tân Uyên tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập TP. Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự lễ công bố.
Cùng dự Lễ có Lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương, Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cùng đông đảo các thế hệ lãnh đạo thị xã Tân Uyên; Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang; lãnh đạo các cơ quan, Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh; lực lượng vũ trang; lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan của Thị xã, lãnh đạo các xã phường; đại diện các khu, cụm công nghiệp và và đông đảo nhân dân TP. Tân Uyên.
Ngày 13/2/2023, tại phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương. Nghị quyết số 725/NQ-UBTVQH15, ngày 13/2/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội “Về việc thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương” có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2023.
TP. Tân Uyên được thành lập trên cơ sở nguyên trạng thị xã Tân Uyên, diện tích 191,76km2, dân số 466.053 người. Sau khi thành lập, TP. Tân Uyên có 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 phường: Hội Nghĩa, Khánh Bình, Phú Chánh, Tân Hiệp, Tân Phước Khánh, Tân Vĩnh Hiệp, Thái Hòa, Thạnh Phước, Uyên Hưng, Vĩnh Tân và 2 xã: Bạch Đằng, Thạnh Hội.
Thành phố Tân Uyên nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bình Dương, tiếp giáp với TP. Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu thuộc tỉnh Đồng Nai cùng với các huyện, thị, thành phố đang phát triển của tỉnh Bình Dương như; TP. Dĩ An, TP. Thuận An, TP. Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên.
Với vị trí địa lý đặc biệt, TP. Tân Uyên là địa bàn quan trọng của tỉnh cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa, xã hội, thuận lợi trong việc thu hút đầu tư các ngành như công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Trên địa bàn thành phố có hệ thống giao thông đối ngoại, giúp việc giao thương, vận chuyển hàng hóa luân chuyển đi các tỉnh thành phía Nam; có cảng Thạnh Phước là cảng sông đầu tiên của thành phố, mở ra nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực logistics.
Trong những năm qua, Tân Uyên luôn đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Bình Dương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 12,57%/năm, trong đó ngành công nghiệp phát triển dẫn đầu. Hiện nay, Tân Uyên có 2 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp với 1.866 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đăng ký là 32.560,507 tỷ đồng; 637 doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đăng ký là 5.297,55 triệu USD.
Cơ cấu kinh tế công nghiệp – thương mại, dịch vụ – nông nghiệp với tỷ trọng lần lượt là 64,17% – dịch vụ 34,6% – nông nghiệp 1,23%. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng ước đạt 32.996 tỷ đồng, tăng 12,08% so với cùng kỳ năm 2021.
Tân Uyên đang có 2 dự án khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) lớn nhất Bình Dương và cả nước. Đó là khu công nghiệp VSIP II có quy mô 2.045ha và Khu công nghiệp VSIP III quy mô hơn 1.000ha, có tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến là 6.407 tỷ đồng. Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã chính thức động thổ dự án xây dựng nhà máy tại đây với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Đây là dự án đầu tư lớn nhất của Đan Mạch vào Việt Nam từ trước tới nay.
Thương mại – dịch vụ tiếp tục phát triển sôi động, giá trị ước đạt 17.795 tỷ đồng, tăng 23,15% so với cùng kỳ năm 2021. Trung tâm Thương mại Biconsi Uyên Hưng đã đi vào hoạt động, phục vụ mức sống ngày càng cao của Nhân dân. Nông – Lâm nghiệp không chiếm tỷ trọng cao nhưng tiếp tục tăng giá trị sản xuất 2,91% so cùng kỳ năm 2021, đạt 636 tỷ đồng.
Các dự án khoa học – công nghệ, nông nghiệp kỹ thuật cao được duy trì hiệu quả. Nhiều sản phẩm chất lượng trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được công nhận cấp huyện, cấp tỉnh, tạo động lực vươn xa và phát triển. Nhiều sản phẩm mang dấu ấn địa phương như Bưởi Bạch Đằng, rau Thạnh Hội ngày càng vươn xa, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Đề án Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025 gắn với xây dựng thí điểm Làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng bước đầu đạt kết quả tích cực, làm đổi thay dáng hình nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.
Những năm qua, Tân Uyên tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị nhanh chóng. Hệ thống giao thông đồng bộ, liên kết tới các khu vực trong và ngoài tỉnh bao gồm giao thông thủy, bộ, hệ thống bến cảng, nhà ga, kho bãi. Bên cạnh đó, các dự án đường kết nối vùng như Vành đai 3, đường Vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đi qua địa bàn Tân Uyên mở ra cơ hội tăng cường kết nối kinh tế, giao thương cho đô thị Tân Uyên.
Giai đoạn 2021 – 2025, Tân Uyên xác định quan điểm phát triển là khai thác lợi thế và tiềm năng mới, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật – xã hội theo hướng phát triển công nghiệp – dịch vụ – đô thị – nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ, tạo nền tảng để Tân Uyên trở thành trung tâm dịch vụ đô thị sau năm 2025.
Định hướng trong thời gian tới, về kinh tế, thành phố Tân Uyên sẽ phát triển thương mại, dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế chủ đạo; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ chất lượng cao; xây dựng hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, phát triển mạnh dịch vụ tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tạo bước đột phá, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững; phát triển kinh tế nông nghiệp gắn kết với tiến trình đô thị hóa theo hướng phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.
Như vậy sau khi thành phố Tân Uyên được thành lập, tỉnh Bình Dương có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 04 huyện (Phú Giáo, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên), 01 thị xã (Bến Cát) và 04 thành phố (Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên); 91 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 41 xã, 45 phường và 05 thị trấn.