Về trang chủ Xã hội Tin tức Dân số Việt Nam 100 triệu người: Cơ hội và thách thức – Bài 2: Có phải người trẻ ‘chán’ làng?

Dân số Việt Nam 100 triệu người: Cơ hội và thách thức – Bài 2: Có phải người trẻ ‘chán’ làng?

Câu chuyện ly nông và ly hương đã được bàn đến rất nhiều, khi mà nhiều người trong độ tuổi lao động rời làng quê tìm tới các thành phố lớn, khu công nghiệp. Không ít những ngôi làng vắng vẻ, chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Thực tế này cho thấy nông thôn đang dần mất sức hấp dẫn trong khi hấp lực từ các đô thị, khu công nghiệp ngày một lớn. Vậy cách nào để giữ người trẻ ở lại với làng?
Dù biết mưu sinh ở thành thị khó khăn, song nhiều người trẻ vẫn cố gắng tìm cách bám trụ. Ảnh: Quang Vinh.
Lao động trẻ bám trụ ở thành thị

Người dân ở Đô Lương, Nghệ An, hầu như ai cũng biết đến hai bạn trẻ 9X Nguyễn Bá Thắng (33 tuổi) và Nguyễn Ngọc Phương (34 tuổi), cùng trú tại huyện Đô Lương (Nghệ An) với thành công xuất khẩu đặc sản bánh đa vừng Lương Sơn, một thương hiệu của bánh đa Đô Lương ra nước ngoài. Để có được thành công đó, hai bạn trẻ đã có những ý tưởng rất đột phá, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư công nghệ vào sản xuất. Với sự kiên trì và ham học hỏi, cùng với tâm huyết góp một phần sức lực xây dựng quê hương, Nguyễn Bá Thắng và Nguyễn Ngọc Phượng, những doanh nhân trẻ đã thành công. Bánh đa – đặc sản của vùng quê Đô Lương (Nghệ An) đã bước ra thế giới.

Thắng, Phương là hai trong số ít những người trẻ tuổi đã quyết định lập nghiệp tại quê nhà và vận dụng những kiến thức, sự năng động, sáng tạo và nhiệt huyết của tuổi trẻ để đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, con số ấy không nhiều. Đa phần người trẻ sau khi ra thành phố học tập đều quyết định ở lại lập nghiệp.

Trường hợp của Nguyễn Ngọc Minh là một ví dụ. Minh (sinh năm 2001, quê ở Áng Sơn, Ninh Bình) vừa tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin tại một trường đại học ở Hà Nội. Ra trường cô xin vào làm việc tại một công ty tư nhân. “Nhà tôi làm nông nghiệp, có 3 sào ruộng, bố mẹ suốt ngày tảo tần, mưa nắng ngoài ruộng đồng mà cuộc sống vẫn thiếu trước, hụt sau. Tất cả số tiền dành dụm từ đồng ruộng, chăn nuôi chắt chiu lắm mới đủ lo cho hai đứa con ra Hà Nội ăn học. Bởi vậy, sau khi ra trường, dù biết còn nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn quyết tâm bám trụ lại thành phố lập nghiệp” – Minh tâm sự.

Những thanh niên sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn phần lớn đều có ước muốn như Nguyễn Ngọc Minh. Còn với những người đến tuổi lao động mà không thi đỗ đại học thì cũng ngược xuôi tìm vào các khu công nghiệp, nhà máy làm lao động phổ thông hoặc đi xuất khẩu lao động.

Nói về câu chuyện này, bà Dương Thị Bích Diệp – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Khởi nghiệp Xanh đã hơn một lần nhấn mạnh, hàng triệu người dân nông thôn trở thành thị dân, hàng triệu lao động nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp trong một thời gian ngắn dẫn tới sự thiếu hụt nghiêm trọng của lực lượng lao động trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo bà Diệp, khoảng 60% dân số nước ta đang sống ở khu vực nông thôn. Nhưng thống kê trong đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, số lao động ly hương chủ yếu là lao động nông thôn, trong đó trên 90% là lao động trẻ với độ tuổi bình quân khoảng dưới 34 tuổi.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, do lao động trẻ ở nông thôn thoát ly khỏi nông nghiệp rất cao, nên nhiều làng quê chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Nguồn lao động tại chỗ trong lĩnh vực nông nghiệp khan hiếm trầm trọng, nhất là lao động chất lượng cao.

Với con số khoảng 38 triệu lao động nông thôn, đây là nguồn nhân lực hết sức quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, bởi nguồn nhân lực này hội tụ rất nhiều tố chất quý như tuổi trẻ, sức khỏe tốt, khả năng tiếp cận kỹ thuật mới nhanh nhạy nhưng thiếu không gian lao động phù hợp tại quê nhà.

Nếu được hỗ trợ, lực lượng này sẽ là nhân tố trung tâm để thu hút, mở rộng, lan tỏa sang các nhóm lao động trẻ khác, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang còn rất nan giải.

Tìm xung lực mới cho nông thôn

Việc làm và thu nhập ngay tại làng quê, đó là hai vấn đề chính với người nông dân để họ vừa không ly nông vừa không phải ly hương. Nhất là với thanh niên, nguồn nhân lực có thể đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới sản xuất nông nghiệp thì việc giữ chân họ không phải từ những lời kêu gọi chung chung mà phải cho họ thấy tương lai khi ở lại làng.

TS Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, phần lớn lao động nông thôn không muốn ở lại quê hương, là bởi ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp không mang lại lợi nhuận cao, không có việc làm ổn định. “Tôi chứng kiến nhiều nơi đất đai bỏ không, thanh niên bỏ đất ở làng quê, không canh tác để ra thành phố làm ăn. Cho dù họ đi làm thuê, một tháng 4-5 triệu đồng tiền lương vẫn chấp nhận, bởi vì đó là nguồn thu nhập ổn định hàng tháng” – ông Lợi nói.

Với góc nhìn khá lạc quan, GS Phạm Tất Dong – cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam thì cho rằng, so với trước kia, khu vực nông thôn giờ đã “thay da đổi thịt”, nhiều làng xã được công nhận nông thôn mới. Và đi kèm với đó là những dịch vụ phát triển theo. “Nếu như trước đây, về các làng quê ở nông thôn, thấy nhà cửa vườn tược thưa thớt thì nay, nhà cửa mọc lên san sát, nhiều loại hình dịch vụ ra đời và sầm uất hơn rất nhiều” – ông Dong nói và cho rằng, những dịch vụ mới ngày càng phát triển ở khu vực nông thôn đã và đang tạo ra những xung lực mới thu hút lao động tại chỗ.

Tuy nhiên, thực tế sự phát triển vẫn chưa mạnh, chưa tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Điều này cũng không khó lý giải khi ở thành thị, có nhiều loại hình dịch vụ phát triển, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, rồi các loại hình kinh doanh sôi động tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho người trẻ.

Giữ người trẻ ở lại với làng

Việt Nam đã đạt số dân 100 triệu, với một lực lượng lao động nông thôn trẻ rất hùng hậu (38 triệu lao động). Vậy làm sao để giữ chân được họ ở quê nhà, từ đó đóng góp sức lực xây dựng quê hương, là vấn đề rất đáng quan tâm.

Cho rằng, hiện ở nông thôn, vẫn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, GS Phạm Tất Dong nhấn mạnh, ngành Giáo dục cần phải có chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn. Mặc dù chương trình này cũng đã có cả chục năm rồi nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Làm sao để người nông dân có thêm một nghề. Làm nông nghiệp nhưng vẫn có thể làm thêm một công việc nào đó để có thêm nguồn thu nhập thứ hai, thậm chí là thứ ba. Khi công việc và nguồn thu nhập ổn định thì chắc chắn người trẻ sẽ không muốn ly hương, bởi ở đó có gia đình, có không gian làng – nơi họ sinh ra và lớn lên.

“Chương trình dạy nghề chỉ cần dạy những nghề ngắn hạn, nhiều nhất là 3 tháng, không thì chỉ 1 tháng, thậm chí 10 ngày là lao động biết nghề, có thể sử dụng để mưu sinh” – ông Dong nói đồng thời nhấn mạnh, cần dạy nghề cho học sinh ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Để kể cả khi các em không đỗ đại học cũng đã có một nghề và có thể sống được bằng nghề.

Cùng với đó, theo GS Phạm Tất Dong, ngành giáo dục cần mở ra con đường đi vào đại học cho các em học nghề, để các em có thể vừa làm vừa học đại học, khi đó sẽ đủ năng lực sáng tạo để nâng cao tay nghề, trở thành những người thợ giỏi, có thể thăng tiến trong nghề mà các em chọn. “Phải có một hệ thống giáo dục thường xuyên ai cũng có thể đi học và học suốt đời. Học đại học hay học trung học thì cũng đều là những người lao động, như vậy thì mới tạo được cảm hứng cho các em trong định hướng tương lai” – GS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Sự di cư của lao động nông thôn gây tình trạng thiếu việc làm cho thành thị, đồng thời gây thiếu hụt lao động ở nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp của người di cư năm 2020 khoảng 9,82%, cao hơn khoảng 4,4 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung của lao động từ 15 tuổi trở lên (2,25%), phần lớn tập trung ở lao động không qua đào tạo chuyên môn, kỹ thuật. Đặc biệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ sơ cấp trở lên tại khu vực nông thôn chỉ đạt 16%, thấp hơn nhiều so với khu vực thành thị (39,3%). Đây là một thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn.
Theo Báo Đại Đoàn Kết

Có thể bạn quan tâm