Bóng đá Nhật – Hàn đang chứng kiến rất nhiều cầu thủ thành công ở châu Âu.
Trong tuần qua chúng ta đã được chứng kiến khá nhiều sự kiện thú vị từ các cầu thủ Đông Á. Son Heung Min chạm mốc 100 bàn thắng tại Premier League trong màu áo Tottenham, Kaoru Mitoma trở thành cầu thủ Nhật Bản ghi nhiều bàn nhất trong một mùa giải Ngoại hạng Anh, trong khi Takefusa Kubo trở thành cầu thủ Nhật đầu tiên ghi 6 bàn trong một mùa giải La Liga.
Ngoài ra còn không ít cầu thủ nổi bật khác đang đứng trước cơ hội giành danh hiệu, hoặc đã trở thành nhân vật quan trọng ở CLB của mình. Takehiro Tomiyasu có thể trở thành nhà vô địch Premier League với Arsenal, trong khi Kim Min Jae là thành viên chủ chốt của một Napoli đang băng nhanh tới danh hiệu Serie A đầu tiên từ sau thời huyền thoại Diego Maradona.
Tại Đức, Freiburg gây sốc hạ Bayern Munich ở tứ kết Cúp quốc gia và với Bayern lẫn Dortmund văng khỏi giải, họ có quyền mơ về chức vô địch với Ritsu Doan và Jeong Woo Yeong trong đội hình (Doan đá chính). Daichi Kamada và Makoto Hasebe đã vô địch Europa League và Cúp quốc gia Đức với Frankfurt, và Kamada dự kiến sẽ đầu quân cho Dortmund mùa sau.
Nhà đương kim vô địch Scotland Celtic thậm chí có tận 5 cầu thủ Nhật và 1 cầu thủ Hàn Quốc, trong đó bộ ba tấn công Kyogo Furuhashi, Daizen Maeda và Reo Hatate gần như là xương sống của đội với Furuhashi là tay săn bàn số 1 của giải Scotland với 22 bàn. Trong khi đó Reims tại Ligue 1 có cú “đại nhảy vọt” dưới tay HLV trẻ Will Still, và Junya Ito luôn đá chính (5 bàn & 6 kiến tạo sau 28 trận).
Chúng ta đã biết nhiều về nền bóng đá học đường của Nhật Bản & Hàn Quốc nhưng có lẽ điều khiến cầu thủ của hai nước Đông Bắc Á này thành công còn nhiều hơn thế. Cách đây nửa năm HLV Ruben Amorim của Sporting nói rằng “mọi HLV nên có ít nhất 1 cầu thủ Nhật trong đội hình, họ luôn sẵn sàng giúp đồng đội, nói lời xin lỗi 1000 lần mỗi ngày và luôn tôn trọng người khác. Tôi chỉ có những điều tốt đẹp nhất để nói về Hidemasa Morita”.
Amorim trong quá khứ mới chỉ 1 năm trải nghiệm châu Á khi thi đấu ở Qatar, trong khi HLV Ange Postecoglou là người Australia và từng làm việc 3 năm ở Nhật, do đó ông đã đưa về liền bộ ba Furuhashi – Maeda – Hatate khi nhậm chức ở Celtic năm 2021. Không ngạc nhiên khi bộ ba này giúp ông đoạt chức vô địch Scotland, họ nhanh chóng được CĐV Celtic yêu thích bởi sân Celtic Park đã từng được chứng kiến những màn đá phạt thần sầu của Shunsuke Nakamura.
HLV người Đức Uli Stielike, người đưa Hàn Quốc vào chung kết Asian Cup 2015, từng nói: “Tôi không thể đòi hỏi nhiều hơn từ các cầu thủ Hàn Quốc về mặt kỷ luật, sự sẵn sàng cống hiến và bền bỉ ý chí của họ là quá đỗi ấn tượng. Điều duy nhất tôi phàn nàn là họ thiếu sáng tạo và làm theo chỉ dẫn mà không có sự tự tư duy, nhưng có lẽ đó là sản phẩm của nền giáo dục”.
Sự nỗ lực, chăm chỉ, tuân thủ kỷ luật và dám chịu trách nhiệm của cầu thủ Đông Bắc Á đã khiến tiếng lành đồn xa và họ lọt vào “mắt xanh” của các HLV lẫn giám đốc thể thao khi cần tuyển quân. Không những vậy họ giờ thậm chí còn được trao chức ở các CLB, Stuttgart có Wataru Endo là đội trưởng còn Schalke 04 có trung vệ kỳ cựu Maya Yoshida là đội phó thứ 2, người đã từng đeo băng thủ quân tại Southampton.
Nhưng quá trình này đã mất khá nhiều thời gian, từ những Yasuhiko Okudera và Cha Bum Kun của thập niên 1980, Hidetoshi Nakata và Seo Jung Won của 1990 cho tới Shinji Onoo, Nakamura và đặc biệt là Park Ji Sung và Lee Young Pyo của 2000. Họ phải nỗ lực gấp nhiều lần so với cầu thủ Nam Mỹ và châu Phi vì khác biệt ngôn ngữ lẫn quy định hạn chế ngoại binh của các giải. Di sản các đàn anh để lại giúp Kagawa, Honda, Inui, Okazaki, Ki Sung Yeung và Son được các đội châu Âu săn đón trong thập niên 2010.
Giờ đây báo chí châu Âu không còn gọi chung chung cầu thủ Nhật – Hàn là “cầu thủ châu Á” nữa, bởi sự thành công của họ khiến sự nể trọng cũng khác đi nhiều. Son đã trở thành một biểu tượng, Kim Min Jae và Mitoma cũng đang trên con đường thành công, giờ chỉ còn chờ một cầu thủ Nhật/Hàn trở thành siêu sao tại những CLB khổng lồ như Barcelona/Real Madrid/MU/Man City.