Thời gian qua, tình trạng “núp bóng” cải tạo vườn để khai thác đá trái phép liên tục xảy ra trên địa bàn huyện Chư Sê (Gia Lai), tuy nhiên vẫn chưa thấy động thái xử lý quyết liệt từ chính quyền. Từng nhóm người vẫn rầm rộ khai thác, chế biến đá lậu và ngang nhiên vận chuyển đi tiêu thụ.
Nóng tình trạng khai thác đá trái phép ở Chư Sê
Theo phản ánh của người dân, thời gian vừa qua trên địa bàn xã Al Bá, huyện Chư Sê liên tục xảy ra tình trạng khai thác đá trái phép.
Đáng nói, hoạt động khai thác đá lậu xảy ra khá rầm rộ, ngay gần trụ sở UBND xã, tuy nhiên vẫn chưa thấy động thái rốt ráo, quyết liệt từ chính quyền địa phương.
Sau nhiều ngày âm thầm theo dõi hoạt động khai thác đá, ngày 7/4 PV Báo Nhà báo và Công luận đã men theo con đường đất mục sở thị bãi đá trái phép tại làng Blút Griêng, xã Al Bá. Bãi đá này nằm sâu trong vườn cà phê của người dân, cách trụ sở UBND xã chừng 2km.
Theo ghi nhận của PV, tại vườn cà phê này nhóm “đá tặc” ngang nhiên tổ chức dựng lán trại, kéo điện xuống bãi rồi chẻ đá và thuê xe tải vào vận chuyển ra ngoài tiêu thụ. Từng nhóm người chia nhau các công việc như đập, chẻ đá và bốc đá lên xe tải. Các hoạt động này diễn ra khá rầm rộ.
Tại hiện trường, hàng trăm viên đá cục được nhóm “đá tặc” sử dụng các phương tiện cơ giới hạng nặng đào bới dưới lòng đất nằm ngổn ngang. Cạnh đó, hàng nghìn viên đá đã được chẻ theo quy cách chất thành từng đống lớn chờ được vận chuyển ra ngoài tiêu thụ.
Ngay sau khi ghi nhận hình ảnh hiện trường bãi đá lậu này, PV đã liên hệ với ông Đinh Như Hải – Chủ tịch UBND xã Al Bá. Xác nhận qua điện thoại, ông Hải cho hay: “Trên địa bàn hiện không có bãi đá nào được cấp phép khai thác. Cách đây mấy ngày, xã cũng đã đi kiểm tra và lập biên bản yêu cầu dừng ngay việc khai thác đá. Ngày 6/4, UBND huyện cũng đã vào kiểm tra vị trí này. Hiện mình đang họp ở huyện, mình sẽ chỉ đạo đồng chí Phó Chủ tịch và Công an xã đến hiện trường ngay”.
Khoảng 15 phút sau khi trao đổi với lãnh đạo xã Al Bá, hoạt động khai thác đá dừng hẳn. Một số thanh niên nhanh chóng vận chuyển các dụng cụ ra khỏi bãi đá lậu. Chiếc xe tải nhanh chóng đổ hết đá trên xe tải xuống mặt đất, di chuyển ra khỏi hiện trường ngay trước mặt của Công an và lãnh đạo xã Al Bá.
“Núp bóng” cải tạo vườn, liên tục khai thác đá trái phép
Có mặt tại hiện trường, ông Đinh Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND xã Al Bá cho biết: “Vừa qua xã đã lập biên bản, làm việc với 2 hộ dân về việc cải tạo vườn để trồng cà phê nhưng có hiện tượng chẻ đá. Sau khi làm việc xã cũng nghiêm cấm việc mua bán, khai thác khoáng sản. Trường hợp người dân cải tạo đất trồng cà phê thì xã cũng tạo điều kiện cho dân, tuy nhiên việc khai thác khoáng sản thì Nhà nước và xã không thể cho phép”.
Tại hiện trường, ông Tân liên tục nhấn mạnh việc xã đã lập biên bản về tình trạng khai thác đá trái phép, đã làm việc với các hộ dân và họ cũng viết cam kết không được khai thác đá trái phép. Thế nhưng, sau khi lập biên bản, hoạt động khai thác đá trái phép vẫn liên tục xảy ra. “Đá tặc” vẫn ngang nhiên kéo điện xuống bãi, chế biến đá xây dựng mang ra ngoài tiêu thụ.
Cũng tại hiện trường, khi đồng chí Phó Chủ tịch xã có hỏi tài xế xe tải làm gì ở đây thì người này có trả lời: “Hồi sáng có một số hộ dân kêu vô chở đá cho hộ nghèo”. Thế nhưng ít phút sau đó lại có một thanh niên đi vào nói thuê xe tải này chở đá ra làm đường. Trước sự bất nhất liên quan đến tình trạng vận chuyển đá lậu ra ngoài tiêu thụ, PV đã kiến nghị UBND xã Al Bá làm rõ về vấn đề trên.
Ở một diễn biến khác, theo tìm hiểu của PV đầu tháng 4/2023, UBND xã Al Bá cũng vừa lập biên bản về tình trạng khai thác đá trái phép tại làng Klăh. Hiện UBND xã này đang xác minh chủ sở hữu mảnh đất, người tổ chức khai thác khoáng sản trái phép để có hình thức xử lý.
Được biết, thời gian qua huyện Chư Sê là khu vực nóng về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Tình trạng “núp bóng” hình thức cải tạo ruộng vườn để khai thác, chế biến đá xây dựng rồi đưa đi tiêu thụ đang diễn ra rầm rộ trên địa bàn các xã.
Những bãi đá lậu liên tục được phát hiện, chính quyền ngay sau đó cũng lập biên bản đình chỉ việc khai thác đá trái phép. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, đâu lại vào đấy, tình trạng khai thác đá trái phép lại tái diễn như một vòng tuần hoàn.