Về trang chủ Xã hội Tin tức ‘Lỗ hổng’ an toàn hàng không: Kỳ 1 – Hãng khai thác vận chuyển hành khách thiếu giấy tờ tùy thân

‘Lỗ hổng’ an toàn hàng không: Kỳ 1 – Hãng khai thác vận chuyển hành khách thiếu giấy tờ tùy thân

Nhiệm vụ đảm bảo an toàn hàng không là nhiệm vụ sống còn, là bộ phận quan trọng đặc biệt trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự xã hội của đất nước. Nhưng thực tế, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết phát hiện hàng loạt đường dây hỗ trợ bay cho hành khách không giấy tờ tuỳ thân, gióng lên ‘hồi chuông’ báo động về ‘lỗ hổng’ an toàn hàng không.
Hành khách xếp hàng để kiểm tra giấy tờ tuỳ thân tại cửa kiểm soát trước khi lên máy bay tại sân bay Đà Nẵng.

Theo quy định, nếu không có giấy tờ tùy thân thì hành khách không đủ điều kiện lên máy bay nhưng qua đường dây hỗ trợ bay trên mạng, hành khách chỉ cần chuyển khoản đến các đại lý bán vé từ 1-3 triệu đồng sẽ được ‘tạo điều kiện’ bay nội địa trên các chuyến của các hãng hàng không: Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Airlines, Jetstar Pacific.

Nở rộ ‘cò’ hỗ trợ bay không giấy tờ tuỳ thân

Vào các nhóm, hội, đại lý vé máy bay gõ các từ khoá: Mất căn cước công dân, mất chứng minh thư, chứng minh thư hết hạn, mất giấy khai sinh… sẽ hiện hàng trăm bài viết và số điện thoại của các đối tượng làm dịch vụ ‘hỗ trợ bay’ với mức phí từ 1 – 3 triệu đồng một lượt hành khách/chuyến bay.

Để tìm kiếm ‘khách hàng’, những đối tượng này còn đăng bài thường xuyên, chạy quảng cáo trên Facebook với những cam kết: “Dịch vụ bay không giấy tờ 100% thành công’; ‘Không bay được trả lại tiền’…

Các đối tượng hoạt động theo mạng lưới chặt chẽ từ Bắc – Nam và tự giới thiệu có thể ‘lo bay’ toàn bộ các hãng máy bay đến tất cả cảng hàng không cả nước mà không cần giấy tờ tùy thân (Ảnh chụp màn hình)

Thâm nhập trong các nhóm này từ năm 2021 đến nay, nhóm phóng viên ghi nhận nhiều trường hợp hành khách ra sân bay thiếu các giấy tờ tuỳ thân như: Căn cước công dân, chứng minh thư hết hạn, phụ nữ mang thai không có giấy khám thai… nhưng vẫn được cho lên máy bay sau khi chuyển tiền cho các đại lý bán vé máy bay để làm dịch vụ.

Đặc biệt, việc hỗ trợ bay này nở rộ khi năm 2022, thời điểm cả nước làm căn cước công dân gắn chip điện tử, hàng loạt chứng minh thư cũ đã hết hạn, chờ cấp mới… hành khách không có giấy tờ tùy thân gia tăng, cò môi giới dịch vụ bay lại tranh thủ trục lợi từ nhóm khách hàng này.

Không có giấy tờ tuỳ thân, hành khách chỉ cần chuyển khoản đến các đại lý bán vé từ 1-3 triệu đồng sẽ được ‘tạo điều kiện’ bay nội địa trên các chuyến của các hãng hàng không: Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Airlines, Jetstar Pacific.

Nhiều hành khách khi ra các cảng hàng không mới biết mình hết hạn chứng minh thư cũ, hay quên – rơi mất giấy tờ tuỳ thân. Lúc này ‘cò’ xuất hiện, phối hợp cùng những người mặc đồng phục của các hãng hàng không, những người mặc đồng phục an ninh sân bay, đưa khách đi cửa tiểu ngạch và để được hỗ trợ đi theo đường này, hành khách cũng đã phải chuyển khoản cho một đầu mối với giá cao hơn cả vé máy bay.

Quá trình tham gia các chuyến bay cùng những hành khách mất giấy tờ trên nhiều chuyến bay của các hãng hàng không nội địa, nhóm phóng viên hiểu rõ hơn những hoạt động tinh vi, có tổ chức của các nhóm đối tượng trong đường dây hỗ trợ bay.

Mục sở thị những chuyến bay không giấy tờ của nhiều hành khách, chúng tôi nhận ra việc làm dịch vụ bay không giấy tờ tùy thân có cả một đường dây khép kín từ khâu bán vé máy bay, nhân viên tại quầy checkin các hãng bay, những người mặc đồng phục của lực lượng an ninh các cảng hàng không.

Chi tiền triệu để được hỗ trợ bay không giấy tờ
Từ năm 2021 tại sân bay có rất nhiều hành khách vì sơ ý, không để ý CMTND đã hết hạn đã bị từ chối bay, chấp nhận vạ vật ở sân bay khi không có tiền nhờ “cò” làm “dịch vụ bay”. Ảnh: Cắt từ clip ở Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Đáng báo động hơn, đường dây vận chuyển ‘chui’ những hành khách không giấy tờ tùy thân này có sự hỗ trợ, liên kết chặt chẽ giữa các nhóm đối tượng, hoạt động ở nhiều tỉnh thành và trên tất cả các hãng hàng không Việt Nam: Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Airlines, Jetstar Pacific.

Sau khi chuyển khoản cho đầu mối làm “dịch vụ bay” khách hàng của hãng hàng không Vietjet được cấp tờ giấy này để đi qua các điểm kiểm soát

Đơn cử như, hành khách N.(tên viết tắt HHN) không có giấy tờ tùy thân đi trên chuyến bay của hãng Bamboo Airways Đà Nẵng về Hà Nội đã phải chi trả hơn 2 triệu đồng cho người làm dịch vụ bay để được nhân viên mặc đồng phục hãng Bamboo Airways phối hợp cùng nhân viên mặc đồng phục an ninh sân bay đưa ra cửa tàu bay theo đường riêng.

Trước đó, chiều 3/1, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt Nghị định 93/2022/NĐ-CP về quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không. Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: “An ninh hàng không là bộ phận quan trọng của ANQG, là cửa ngõ giao thương chủ yếu, gắn liền với các sự kiện chính trị quan trọng, chiếm gần 70% lưu lượng xuất nhập cảnh, các cửa khẩu hàng không luôn là địa bàn mà nhiều loại đối tượng triệt để lợi dụng vi phạm pháp luật. Đây cũng là mục tiêu tiềm tàng của khủng bố, phá hoại, bất cứ vụ việc nào xảy ra tại cửa khẩu đường hàng không cũng để lại những hậu quả hết sức phức tạp”

Hay hành khách A. (tên viết tắt P.T.A) bị mất giấy tờ tuỳ thân phải chi 1,5 triệu đồng để được lên máy bay của hãng Vietnam Airlines TP Hồ Chí Minh đến Huế; hành khác T. (N.V.T) phải chi hơn 2 triệu đồng để được lên máy bay Vietjet Airlines từ Đà Nẵng ra Hà Nội.

Tại buổi làm việc với vị đại diện Marketing của hãng Bamboo Airways phản ánh về hiện trạng trên, vị này cũng cho biết hãng bay từng hỗ trợ một số hành khách không có giấy tờ hợp lệ vì lý do nhân văn nhưng hãng không thu bất kỳ loại phí nào. Theo ý kiến cá nhân của vị này thì việc nếu có như báo Đại Đoàn Kết phản ánh chỉ có thể xuất phát từ các cá nhân.

Cũng tại buổi làm việc, phóng viên cung cấp nhiều clip, hình ảnh hàng loạt cán bộ, nhân viên mặc trang phục hãng Bamboo Airways, thậm chí sử dụng con dấu của hãng để trực tiếp hỗ trợ hành khách không giấy tờ lên máy bay sau khi hành khách chuyển phí từ 1 – 2 triệu đồng/lượt khách cho đầu mối “hỗ trợ bay”. Đại diện Marketing của hãng Bamboo Airways cho biết sẽ xác minh thêm thông tin và xem xét con dấu đại diện hãng là dấu thật hay bị giả mạo.

Hành khách không có giấy tờ được cấp cho tờ giấy có con dấu Bamboo Airways và được người mặc đồng phục an ninh sân bay hỗ trợ lên máy bay tại sân bay Đà Nẵng sau khi chuyển khoản hơn 1 triệu đồng với nội dung “Ck dịch vụ bay” cho đầu mối làm dịch vụ

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết thì không có trường hợp nào ngoại lệ trong việc thiếu giấy tờ tùy thân khi lên máy bay. Theo quy định thì kể cả bản chụp hay photo (không công chứng) giấy tờ tùy thân cũng đều là không hợp lệ và bị từ chối lên máy bay.

Vậy tiền phí dịch vụ thu của khách hàng không có giấy tờ tùy thân đang rơi vào túi ai? Có hay không việc  ‘chống lưng’ để các nhóm “hỗ trợ bay” trục lợi từ chính sách an ninh hàng không, trục lợi từ khách hàng hoạt động công khai, rộng khắp như thế? Việc vận chuyển những hành khách không có giấy tờ tùy thân liệu có phải hành vi bất chấp an toàn bay, coi thường an ninh hàng không?

Chúng tôi sẽ tiếp tục  thông tin đến bạn đọc ở các kỳ tiếp theo.

Theo Thông tư 13/2019/TT-BGTVT, Thông tư 41/2020/TT-BGTVT  hành khách mang quốc tịch Việt Nam phải xuất trình một trong các loại giấy tờ tùy thân sau khi lên máy bay:

+ Hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân;

+ Giấy chứng minh chứng nhận của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân;

+ Thẻ Đại biểu Quốc hội;

+ Thẻ Đảng viên;

+ Thẻ Nhà báo;

+ Giấy phép lái xe ô tô, mô tô;

+ Thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia;

+ Thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay loại có giá trị sử dụng dài hạn;

+ Thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam;

+ Giấy xác nhận nhân thân do công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận (giấy xác nhận có các thông tin thể hiện các nội dung sau: Cơ quan xác nhận, người xác nhận; ngày, tháng, năm xác nhận; họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quê quán, nơi thường trú của người được xác nhận; lý do xác nhận.

Giấy xác nhận có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và chỉ có giá trị trong vòng 30 ngày kể từ ngày xác nhận); giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hành khách là người vừa chấp hành xong bản án.

Hành khách chưa đủ 14 tuổi không có hộ chiếu riêng hoặc kèm hộ chiếu của cha mẹ khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau:

– Giấy khai sinh; trường hợp dưới 1 tháng tuổi chưa có giấy khai sinh thì phải có giấy chứng sinh;

– Giấy xác nhận của tổ chức xã hội đối với trẻ em do tổ chức xã hội đang nuôi dưỡng (chỉ có giá trị sử dụng trong thời gian 6 tháng kể từ ngày xác nhận).

Và các giấy tờ của hành khách sử dụng khi đi tàu bay phải bảo đảm các điều kiện sau:

– Là bản chính và còn giá trị sử dụng;

– Đối với giấy khai sinh, giấy chứng sinh phải là bản chính hoặc bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật;

Theo Báo Đại Đoàn Kết

Có thể bạn quan tâm