Về trang chủ Văn hóa Du lịch Ngôi nhà bom – ký ức về chiến tranh

Ngôi nhà bom – ký ức về chiến tranh

Một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất lửa Quảng Trị, lúc chỉ mới ngoài 30 tuổi, anh đã ấp ủ sưu tầm những quả bom thời chiến tranh còn sót lại để thực hiện ấp ủ xây dựng nhà trưng bày… bằng bom. Hơn 20 năm sau, “ngôi nhà bom” anh hằng mong ước đang dần thành hình hài.

Một ngày cuối tháng 3 tôi có dịp về Vĩnh Linh, Quảng Trị – cũng là nơi tôi sinh ra và lớn lên, được nghe chuyện một người dân nơi đây bỏ hàng tỉ đồng để xây dựng nhà trưng bày bằng phế liệu chiến tranh từ những quả bom. Chuyện lạ tai nhưng hoàn toàn có thật và ý nghĩa!

Mô hình KDL ký ức Trường Sơn chủ yếu được làm từ phế liệu chiến tranh

Làm nhà từ hơn 300 quả bom

Một chiều sầm tối, tôi hối thúc người bạn cùng xóm chở đến nơi đang xây dựng ngôi nhà bom vì thời gian lưu lại quê nhà của tôi chỉ đếm bằng giờ. Dưới chân dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, hiện ra trước mắt tôi là căn nhà làm hoàn toàn bằng “bom” đang được xây dựng trên một phần đất rộng chừng 10.000 m2, thuộc xã Linh Trường, H.Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Riêng phần nhà bom, diện tích khoảng 300 m2, với hơn 30 dãy cột nhà được làm từ những quả bom rỗng ruột (không còn thuốc nổ và kíp nổ).

Ngôi nhà “bom” đang được hình thành

Ngạc nhiên hơn, vị trí xây dựng ngôi nhà bom nằm ngay mặt đường mòn Hồ Chí Minh dọc dãy Trường Sơn, cách cổng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn chừng 700 m. Đây là nghĩa trang lớn nhất cả nước, là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 người con ưu tú đất Việt hy sinh vì Tổ quốc. Trường Sơn là bản hùng ca vĩ đại luôn ngân vang trong triệu trái tim người Việt, mỗi giọt máu các anh nằm lại chính là những nốt nhạc tạo ra bản hùng ca đó.

Đủ các loại bom từ thời chiến được phục dựng thành ngôi nhà bằng “bom”

Chiều muộn, những công nhân trên công trường xây dựng nhà bom vẫn tất bật gắn kết những khối bom lại, sao cho thành những cột thẳng đứng thay cho vật liệu thông thường khác như gỗ, cột đúc xi-măng. Có những quả bom (thường gọi là bom tấn, bom tạ…) dù đã không còn thuốc bom bên trong nhưng nặng hàng trăm ki-lô-gam, chỉ có máy móc mới di chuyển được

Một chiếc cột làm bằng vỏ bom có từ 3-4 quả chồng lên nhau

Anh Hùng Vũ, thợ cơ khí chịu trách nhiệm chính thi công nhà bom cho biết, nhìn đơn giản nhưng việc gắn kết các quả bom với nhau lại rất phức tạp, làm sao để các điểm tiếp xúc phải chuẩn, không bị vênh thì cột mới tạo ra độ chịu lực cao. “Các quả bom kích cỡ khác nhau nên lúc sắp xếp đầu tiếp xúc để hàn gắn, mình phải lựa chọn từng loại thích hợp. Hiện cơ bản phần trụ ngôi nhà đã hoàn thành, tuần tới chúng tôi sẽ cho lợp phần mái”, anh Vũ thông tin.

Những quả bom nặng hàng tấn rỗng ruột được kết dính với nhau
Sừng sững những trụ bom được dựng lên

Chủ nhân “sáng tác” ngôi nhà bom nói trên là anh Trần Công Chức, 54 tuổi, sống tại thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, H.Vĩnh Linh. Theo anh Chức, ý tưởng làm nhà bom được ông đúc kết từ 20 năm trước, nên từ đó đến nay, khi có thời gian rảnh, anh lại đi sưu tầm các loại phế liệu chiến tranh. Sau khi có đủ vật liệu mình cần, anh Chức bỏ tiền mua đất và chọn khu vực gần Nghĩa trang Trường Sơn để xây dựng ngôi nhà bom mong ước. Để làm được căn nhà này, anh Chức phải sưu tầm hơn 300 quả bom các loại để tạo nên ngôi nhà có lẽ độc lạ nhất thế giới.

Để giữ độ bền từ những chiếc “cột bom”, một loại dầu bóng được quét phủ lên bên ngoài các vỏ bom

Nói về lý do chọn ngay cổng Nghĩa trang Trường Sơn để xây dựng nhà bom, anh Chức cho biết Nghĩa trang Trường Sơn là nơi thiêng liêng, ngày ngày có nhiều người đến thăm viếng để thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Vậy nên, anh muốn khi mọi người đến đây không chỉ làm tròn bổn phận viếng hương hồn các liệt sĩ đang nằm lại, mà còn có những trải nghiệm thực tế qua việc xây dựng các công trình ký ức chiến tranh xưa, giúp họ có thêm cái nhìn trực quan về chiến tranh.

Trao đổi kỹ thuật trong quá trình dựng ngôi nhà bom sao cho bảo đảm an toàn, thẩm mỹ

Tái hiện ký ức Trường Sơn

Đã có hàng nghìn phế liệu chiến tranh được anh Chức sưu tầm từ các vùng núi sâu, dòng sông hay từ những cửa hàng thu mua phế liệu, nhưng nhiều nhất phải kể đến là các loại bom, pháo, đạn cối mà quân Mỹ đã rải xuống vùng đất Quảng Trị – nơi được ví là vùng “đất thép, đất lửa”. “Tôi sinh ra và lớn lên trên miền đất lửa, ký ức về chiến tranh còn hằn sâu. Ngôi nhà bom là nơi lưu giữ những ký ức lịch sử của đất nước, nhắc nhở các thế hệ không bao giờ quên”, anh Chức chia sẻ.

Dự kiến, ngày 2.7 tới công trình sẽ hoàn thành đưa vào phục vụ người dân

Theo thiết kế, ngôi nhà bom này nằm trong quần thể Khu du lịch (KDL) ký ức Trường Sơn, do chính anh Chức và một số người bạn tham gia đầu tư. Ngoài việc ngôi nhà bom được xây dựng nên từ hàng trăm quả bom và phế liệu chiến tranh khác, thì khuôn viên KDL còn có những kiến trúc khác như: bếp Hoàng Cầm – đây là loại bếp dã chiến, có công dụng làm loãng khói trong lúc nấu ăn nhằm tránh máy bay do thám từ trên cao. Bếp Hoàng Cầm ra đời từ chiến dịch Hòa Bình (1951 – 1952) và rất phổ biến trong chiến dịch Điện Biên Phủ được áp dụng từ đó về sau. Bếp mang tên người chế tạo ra nó, anh nuôi Hoàng Cầm (1916 – 1996).

Thử độ đàn hồi của các cột trụ làm bằng vỏ bom

Anh Chức cho biết thêm, mục tiêu của KDL nhằm phục vụ cho người dân cả nước, nhất là các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ khi đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. “Tôi muốn khi đến đây, mọi người được hồi tưởng, hiểu hơn về cuộc chiến tranh mà đất nước trải qua bằng những dấu tích sót lại, để thấu hơn về những gian khổ mà bộ đội ta ròng rã giữa rừng sâu thời kỳ kháng chiến để đi đến thắng lợi”, anh Chức bày tỏ.

Địa điểm tái hiện bếp ăn Hoàng Cầm
Cây đoác được trồng tại khuôn viên KDL ký ức Trường Sơn để lấy rượu phục vụ du khách

Theo kế hoạch, KDL ký ức Trường Sơn và ngôi nhà bom sẽ được khánh thành và đưa vào phục vụ người dân và du khách dịp 27.7 năm nay. Mọi người dân đến đây được tham quan khu nhà bom và các công trình tái hiện thời kỳ bộ đội ta kháng chiến, hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, ở đây người tham quan còn thưởng thức được các món ăn từ rừng của bộ đội ta trước đây thường ăn, như muối vừng, rau lá tàu bay và một đặc sản phải kể đến nữa là “ăn rau dớn uống rượu đoác”. “KDL không đặt nặng đến lợi nhuận, muốn lợi nhuận thì chả ai làm cái này”, anh Chức chia sẻ thêm.

Theo Báo Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm