Theo Thủ tướng, lưu vực sông Mekong đang đứng trước những thách thức rất lớn. Là quốc gia nằm ở cuối nguồn sông Mekong, Việt Nam đang cảm nhận rõ nét nhất những tác động nặng nề này. Năm 2020, lượng phù sa xuống Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm chỉ còn bằng 1/3 lượng phù sa của trước đó 15 năm.
Sáng 5/4, tại Thủ đô Vientiane (Lào) Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên họp hẹp và Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4.
Tác động chưa từng có
Phát biểu tại phiên họp hẹp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, với bốn nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan, dòng sông Mekong hùng vĩ bao đời qua đã là nguồn nước, nguồn tài nguyên, nguồn sống, là mạch nguồn gắn kết hàng chục triệu người dân sinh sống trên lưu vực.
Tuy nhiên hiện nay, lưu vực sông Mekong đang đứng trước những thách thức rất lớn. Nhu cầu gia tăng về tài nguyên cho các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia, cộng hưởng với những tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu đã và đang tạo nên áp lực ngày càng lớn đối với tài nguyên và môi trường sinh thái.
|
Là quốc gia nằm ở cuối nguồn sông Mekong, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang cảm nhận rõ nét nhất những tác động nặng nề này. Năm 2020, lượng phù sa xuống Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm chỉ còn bằng 1/3 lượng phù sa của trước đó 15 năm.
Theo Thủ tướng, những thiệt hại nghiêm trọng mà Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của hơn 20 triệu người dân Việt Nam sinh sống tại lưu vực cũng như an ninh lương thực và an ninh nguồn nước của Việt Nam và khu vực.
Báo cáo của nhiều tổ chức nghiên cứu độc lập đều đánh giá Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực địa lý chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới về các tác động tiêu cực biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở. “Nếu không có các giải pháp đồng bộ và kịp thời, dự báo đến cuối thế kỷ này, một nửa diện tích Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm dưới mực nước biển”, Thủ tướng nêu.
Mọi chính sách cần lấy con người làm trung tâm
Trước tình hình đó, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ, nghiêm túc tuân thủ và thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995, nhất là các nguyên tắc nền tảng về bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, sử dụng công bằng và hợp lý tài nguyên nước, duy trì hợp lý dòng chảy trên dòng chính, ngăn ngừa và hạn chế tác động tiêu cực, nhất là đối với các nước hạ nguồn.
Tập trung thực hiện tốt các kế hoạch, chiến lược, tuân thủ Bộ Quy chế sử dụng nước và kết quả Nghiên cứu chung, coi đó là cơ sở cho mọi hành động của Uỷ hội và mỗi quốc gia thành viên.
|
Theo Thủ tướng, mọi chính sách và hành động liên quan của Uỷ hội và các nước thành viên cần lấy con người làm trung tâm, với cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn lưu vực, nhằm bảo đảm sinh kế bền vững của người dân, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân sinh sống trong lưu vực, nhất là cư dân sinh sống trên và dọc sông, đối với các tình huống bất trắc xảy ra như dịch bệnh, thiên tai, bão lũ…
Tiếp tục triển khai các nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, xã hội và kinh tế của các kế hoạch khai thác, sử dụng nước và các nguồn tài nguyên liên quan trong lưu vực. “Đây là việc hết sức cần thiết để thiết lập các cơ sở khoa học đáng tin cậy phục vụ quá trình ra quyết định”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng đề nghị phát huy tinh thần “tự do giao thông thủy” như đã được nêu tại Hiệp định Mekong 1995 để tăng cường mạnh mẽ kết nối giữa các nền kinh tế, thúc đẩy giao thương giữa các nước thành viên, phối hợp và hợp tác trong việc phát triển vận tải an toàn và có hiệu quả, bền vững về môi trường đường thủy trên sông Mekong, không gây hại đến nguồn nước và môi trường sinh thái.
Việt Nam cam kết tạo mọi thuận lợi cho các phương tiện vận tải thủy của các nước quá cảnh Việt Nam, đảm bảo kết nối giao thông thủy xuyên suốt giữa các quốc gia ven sông đúng như tinh thần của Hiệp định Mekong.
“Việt Nam một lần nữa khẳng định luôn đề cao vai trò của Ủy hội và cam kết hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên để triển khai thành công các chiến lược, kế hoạch và chương trình hành động của Ủy hội, vì mục tiêu xây dựng lưu vực sông Mekong thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, lành mạnh về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng chung của Cộng đồng ASEAN”, Thủ tướng nêu rõ.