Ngày 3/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ công bố quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh”.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, nghề làm tàu hũ ky, xã Mỹ Hòa, được khởi nguồn từ nghề gia truyền của người Hoa khi đến sinh cơ lập nghiệp tại địa phương. Theo thời gian, cư dân địa phương đã theo nghề và hình thành làng nghề đông đúc. Đến nay, làng nghề này có hơn 59 hộ, trong đó 29 hộ đã vào Hợp tác xã sản xuất.
Nghề làm tàu hũ ky không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa, mà còn mang lại lợi nhuận kinh tế, góp phần làm phong phú và đa dạng cho nghệ thuật ẩm thực địa phương. Năm 2013, làng nghề được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Tàu hũ ky Mỹ Hòa – Bình Minh”. Năm 2017, tàu hũ ky Mỹ Hòa đoạt giải thưởng sản phẩm Đồng bằng sông Cửu Long. Đến ngày 4/8/2022, “Nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh, việc đón nhận quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa là niềm phấn khởi, tự hào, đồng thời cũng đặt ra trọng trách cho các cấp, ngành và người dân làng nghề trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy tốt giá trị vốn có của di sản. Từ đó, lan tỏa giá trị, xây dựng thương hiệu văn hóa của địa phương.
Để bảo tồn và phát huy giá trị của “Nghề làm Tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đề nghị, thời gian tới, các cấp, ngành cần tập trung nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là của người dân trong làng nghề về giá trị của nghề thủ công và ý thức trách nhiệm trong việc khai thác vốn di sản văn hóa bền vững. Địa phương cần quan tâm phát triển đội ngũ thợ lành nghề, có giải pháp nâng cao trình độ, kiến thức để giúp các hộ dân làng nghề nắm bắt kịp thời những kiến thức mới và nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý, quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm, mở rộng thị trường hoạt động và xây dựng thương hiệu để làng nghề phát triển bền vững.
Cấp ủy và chính quyền địa phương cần nghiên cứu xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể để làng nghề phát triển; phối hợp với các sở, ngành có liên quan lập hồ sơ và thủ tục đề nghị công nhận Nghệ nhân của làng nghề. Cùng với đó, các cấp, ngành cần quan tâm, định hướng hoạt động du lịch và dân sinh khác trong làng nghề phù hợp với quy hoạch của địa phương; khuyến khích người dân chủ động cùng tham gia quản lý di sản, gắn lợi ích của cộng đồng địa phương với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Địa phương cần tăng cường huy động và thu hút các nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, du lịch; xây dựng các hoạt động trải nghiệm cho khách tham quan; đồng thời bồi dưỡng kiến thức làm du lịch cho người dân địa phương để phát huy giá trị di sản, góp phần phát triển du lịch bền vững.
Dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức Hội thi nấu các món ăn từ tàu hũ ky nhằm giới thiệu, tôn vinh các món ăn truyền thống, góp phần khẳng định giá trị của làng nghề đối với đời sống người dân ở địa phương.
Theo Báo Tin Tức