Sáng 2/4, tại thành phố Nha Trang, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức.
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; đông đảo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, ngày 29/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 318/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đến năm 2030, Khánh Hòa có 2 đô thị loại I là thành phố Nha Trang và Đô thị mới Cam Lâm; 1 đô thị loại II là thành phố Cam Ranh; 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và các đô thị loại V. Trong đó, thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch-logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; GRDP bình quân đầu người đạt nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước; quy mô dân số toàn tỉnh khoảng 1,4 triệu người; số lao động có việc làm tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 11.000-12.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo 90%…
Tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu của châu lục; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2031-2050 đạt khoảng 5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2050 đạt 690 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 75-80%.
Cũng theo Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 298/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Khu kinh tế Vân Phong được xác định là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước.
Trong đó, kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistic, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác; là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp có những sản phẩm dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế; là khu vực phát triển đô thị thông minh bền vững với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại.
Định hướng phát triển không gian tổng thể, Khu kinh tế Vân Phong được chia làm 2 khu vực chính, gồm bắc và nam Vân Phong. Khu vực bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh) gồm: Các khu du lịch cao cấp tại đảo Hòn Lớn và bán đảo Hòn Gốm, cảng trung chuyển quốc tế, cảng du lịch quốc tế, các công trình dịch vụ hậu cần cảng, công nghiệp tại khu vực Đầm Môn, các khu đô thị, du lịch, các không gian cây xanh, mặt nước và các khu đồi núi.
Khu vực nam Vân Phong (khu vực phía đông thị xã Ninh Hòa) gồm: Cảng trung chuyển container, cảng tổng hợp, các tổ hợp công nghiệp, kho tàng tận dụng được lợi thế của cảng nước sâu, các khu đô thị và các khu dịch vụ du lịch, được phân bố, đan xen với các không gian sinh thái ngập mặn, đồi núi sát biển.
Phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2023, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhấn mạnh: Tỉnh Khánh Hòa đang đứng trước thời cơ, vận hội mới, nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức, đó là quy mô kinh tế của tỉnh còn khá nhỏ, sức chống chịu không cao; cơ cấu kinh tế thiếu cân bằng và bền vững; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, tuy đã có cơ chế, chính sách đặc thù, nhưng tất cả chỉ là mới bước đầu, tỉnh Khánh Hòa cho rằng sẽ chưa phải là thành công nếu như chưa có sản phẩm cụ thể, chưa có dự án cụ thể của các nhà đầu tư.
Vì vậy, tỉnh Khánh Hòa xác định trước hết phải quyết tâm hành động để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện có; đồng thời, khai thác và phát huy tốt các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo nên những giá trị mới, hiện thực hóa khát vọng đưa Khánh Hòa phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Tỉnh sẽ hành động với tinh thần trách nhiệm,cầu thị, học hỏi từ các bộ, ngành Trung ương, các địa phương và lắng nghe các doanh nghiệp; xem việc tạo điều kiện cho nhà đầu tư cũng chính là vì sự phát triển chung của địa phương, và xem sự thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của tỉnh Khánh Hòa.
Nhằm thực hiện thắng lợi các quy hoạch, các Nghị quyết của Trung ương, Khánh Hòa đẩy mạnh việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, công nghiệp và hạ tầng số; quan tâm bố trí ngân sách giải phóng mặt bằng, kết nối giao thông, kết nối dữ liệu để tạo tiền đề thu hút các dự án sản xuất công nghiệp chất lượng cao, công nghiệp sản xuất phần mềm, trung tâm dữ liệu; năng lượng tái tạo; dự án đô thị hiện đại, sinh thái; phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp.
Việc đưa vào hoạt động của Cổng thông tin Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa, tổ chức lại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp với cơ cấu tổ chức và nhân sự phù hợp là minh chứng cụ thể của việc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Khánh Hòa.