Từ lâu, làng quê như một pháo đài xanh bảo vệ cộng đồng dân cư trong vỏ bọc kinh tế khép kín với những vốn văn hóa cổ truyền nhiều khi đến mức bảo thủ, trì trệ.
Nhưng rồi, thời cuộc đổi thay, ngay cả xu hướng trì trệ, khép kín đó cũng có nguy cơ bị triệt tiêu vĩnh viễn trước cơn sốt quyền lợi và những đam mê của cải từ đất cát mang lại.
Cũng từ lâu, nước ta đang gồng mình phấn đấu thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Rất gấp rút, những năm gần đây, đô thị mọc lên như nấm sau mưa tại các làng quê, nhất ở vùng ven đô. Nhà cao tầng san sát đua nhau tiện nghi, hiện đại phóng khoáng. Làng quê nhem nhuốc thủa nào giờ đây đã thơm tho mùi phố xá. Cũng từ đây, hàng vạn ha đất nông nghiệp vĩnh viễn biến mất phục vụ công cuộc đô thị hóa, mạnh mẽ và khốc liệt vô cùng, chưa biết khi nào kết thúc…
Ban đầu, làng quê hơi xao động nhưng rồi nhanh chóng bị cuốn vào cơn lốc đô thị hóa. Các tên Nôm, tên Hán của làng xưa nay chẳng còn, người ta gọi làng bằng phố, bằng phường. Người nông dân “cổ cày, vai bừa” bỗng dưng là người thành phố sau một đêm. Trâu bò bị bán hết hoặc giết thịt bởi làm gì còn cỏ ngoài đồng mà ăn. Cây lúa, cây ngô thân thuộc bao đời là vậy nay thành xa lạ trong đời sống thường nhật của một bộ phận không nhỏ người dân.
Được đền bù, người nông dân sung sướng bởi chưa bao giờ tiền đến với mình nhanh và nhiều như vậy. Thế là hùa nhau đập nhà ngói, chặt cây mít để xây nhà ống như người… trên phố… Vậy là, làng biến thành phố!
Thế rồi, làng quê không thể khước từ trước sự cám dỗ của chốn phồn hoa đô thị. Cái mới, cái lạ bao giờ cũng tạo sức hút và cả sự mê hoặc. Từ ngày gọi là phố, ô tô ra vào tấp nập. Người mới đến ở bị gọi là dân ngụ cư.
Các nhà máy mọc lên. Dòng sông quê vốn hiền hòa, nay nước đang chuyển từ xanh sang đen và bốc thứ mùi công nghiệp. Nhiều người béo tốt, son phấn đắt tiền, vàng bạc đầy cổ, cưỡi xe Camry chạy vè vè quanh làng “cò đất”. Trước anh em vô tư cho nhau cả sào, nay chém nhau vì vài mét đất. Trước bờ ao bụi chuối chẳng thèm để ý, nay thành lô, thành thửa tính bằng vàng cây với chỉ.
Trong làng tiếng chó sủa mất dần, chẳng thấy tiếng gà gáy lúc buổi sớm, karaoke nhức óc suốt đêm, rồi cả những âm thanh ồn ào cợt nhả, tạp âm nhưng cũng là tạp văn hóa. Trẻ con đua nhau chơi game, đứa choai choai đã thích mát xa, gội đầu thư giãn. Nông dân rỗi việc uống chè, hút thuốc lào chán thì rủ rê nhau chơi bài… Vậy là, làng ngày càng giống phố!
… Nhiều người mơ “bao giờ cho đến ngày xưa”, nhưng ngày xưa không trở lại. Một số nhà khoa học có lương tâm thì luôn trăn trở giữa phát huy và bảo tồn. Người cố hương thì thèm tiếc quá khứ và tuổi thơ. Nhìn chung họ đang bất lực nhìn làng quê trở mình biến đổi không theo ý họ mà theo ý của quy hoạch, của thị trường và của đồng tiền. Lương tâm, đôi khi chỉ để thông cảm chứ không còn sức mạnh nào cả.
Một số làng xưa, nay còn trơ lại mỗi mái đình rêu phong mà dân sợ không dám phá, nó cô đơn và lạc lõng giữa dòng người hối hả xô bồ. Làng nay đã đổi tên song vẫn chỉ là nơi ở của nông dân mất đất, thực chất phố vẫn chỉ là cái làng mới, bởi ở đó không có tâm lý thị dân. Kết cục, sau khi mất đi nhiều thứ mong tìm kiếm sự đổi thay, về mặt văn hóa, tư tưởng ở buổi ban đầu của sự chuyển dịch ấy… Rốt cuộc, phố cũng vẫn lại là làng!