Liên tiếp các vụ sụp đổ hay khó khăn của nhiều ngân hàng trên thế giới trong một thời gian ngắn gần đây cho thấy thị trường tài chính quốc tế đang có những xáo trộn nhất định. Đặc biệt, bài học từ Ngân hàng Credit Suisse cho thấy ngân hàng lớn không có nghĩa là mọi hoạt động đều lành mạnh và trong tầm kiểm soát…
Mặc dù là ngân hàng toàn cầu và đóng một vị trí quan trọng trong hệ thống tài chính quốc tế, trong 3 năm qua Credit Suisse không tránh khỏi những rắc rối trong hoạt động kinh doanh. Để bù đắp thua lỗ trong kinh doanh và đề phòng khả năng thiếu hụt vốn cấp 1, Credit Suisse đã phát hành trái phiếu AT1 với tổng số nợ hiện tại là 17,3 tỷ USD, chiếm hơn 20% tổng nợ phải trả của ngân hàng.
Trái phiếu AT1 là chứng khoán nợ cho phép ngân hàng phát hành không cần hoàn trả lại nợ cho trái chủ mà chuyển thành vốn chủ sở hữu nếu gặp khó khăn. Chính điểm này đã làm cho trái phiếu AT1 được ưa thích hơn trên thị trường bởi tỷ suất sinh lời lớn. Ngoài ra, Ngân hàng Credit Suisse cũng được Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia mua 9,9% cổ phần (khoảng 1,5 tỷ USD) vào tháng 11/2022.
CREDIT SUISSE ĐƯỢC GIẢI CỨU
Trong thời gian gần đây, sau khi 3 ngân hàng tại Mỹ sụp đổ, niềm tin của nhà đầu tư và người gửi tiền trên thế giới bắt đầu lung lay. Liên tiếp 8 lần tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đẩy giá các loại tài sản của Credit Suisse và trái phiếu AT1 giảm giá một cách nghiêm trọng, càng làm cho vấn đề trở nên khó giải quyết. Trong năm 2022, số dư tiền gửi đã giảm 40% xuống còn 252 tỷ USD, trong khi tổng tài sản giảm 30%, còn khoảng 571 tỷ USD, cùng với khoản lỗ ròng 7,6 tỷ USD được báo cáo vào cuối năm.
Giá trị cổ phiếu của Credit Suisse ngày 15/3/2023 giảm 30% và rơi xuống mức thấp kỷ lục sau khi Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia từ chối cấp thêm vốn. Vài ngày sau đó, giá cổ phiếu của Credit Suisse vào ngày 20/3 lại mất 61,95%, sau khi ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS đồng ý thâu tóm đối thủ đứng thứ 2 trong hệ thống ngân hàng của Thụy Sỹ (Credit Suisse) với giá 3,23 tỷ USD.
Chỉ trong ba ngày 13-15/3/2023, hơn 450 triệu USD bị rút khỏi các quỹ do Credit Suisse quản lý ở châu Âu và Mỹ. Đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh khoản do làn sóng rút tiền của các quỹ đầu tư và khách hàng cá nhân giàu có, vào đầu ngày 16/3, ngân hàng này cho biết sẽ sử dụng khoản cứu trợ trị giá 54 tỷ USD từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB). Giới chức Thụy Sỹ cũng đưa ra thông tin sẽ cấp thanh khoản cho Credit Suisse nếu có yêu cầu, đồng thời thúc đẩy giao dịch mua lại Credit Suisse của UBS, được hiện thực hóa vào ngày 19/3.
Trong thương vụ mua lại của UBS, không chỉ các cổ đông của Credit Suisse bị thiệt khi mất 22,48 cổ phiếu Credit Suisse mới đổi được 1 cổ phiếu UBS, mà các trái chủ AT1 còn bị Cơ quan giám sát tài chính Thuỵ Sỹ (FINMA) tuyên bố trái phiếu cấp 1 bổ sung này sẽ bị ghi bút toán về 0 khi Credit Suisse được sáp nhập vào UBS, thay vì được trở thành cổ đông.
Theo FINMA, hợp đồng của trái phiếu AT1 có điều khoản cho phép trái phiếu này “bị xóa sổ hoàn toàn trong một sự kiện mang tính sống còn, nhất là khi chính phủ cung cấp hỗ trợ đặc biệt”. Điều này cho phép cơ quan quản lý ưu tiên những người nắm giữ cổ phiếu trước những người nắm giữ trái phiếu AT1.sư
Với lo ngại về sự mong manh của hệ thống ngân hàng toàn cầu sau hàng loạt vụ đổ vỡ ngân hàng tại Mỹ và châu Âu, 6 ngân hàng Trung ương (Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương Canada, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ và Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ) đã cùng ra thông báo về cam kết phối hợp hành động để “tăng cường cung cấp thanh khoản”.
ĐẢM BẢO THANH KHOẢN THÔNG SUỐT TRONG BẤT CỨ TRƯỜNG HỢP NÀO
Đối với Việt Nam, trước hết, cần khẳng định rằng tại Việt Nam chưa có mô hình ngân hàng đầu tư như Ngân hàng Credit Suisse, nhưng tồn tại khá nhiều công ty chứng khoán, hầu hết đều có mối liên hệ với ngân hàng. Trong hệ sinh thái của các ngân hàng thương mại Việt Nam, các công ty chứng khoán tuy không phải là trụ cột, nhưng việc giảm lợi nhuận đang trở thành một dấu hiệu tương tự như trường hợp của Credit Suisse và Archegos Capital Management.
Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư và người gửi tiền cũng bị tác động bởi những thông tin không mấy tích cực trên thị trường kéo dài từ đầu năm 2022 đến nay, như tình hình nợ xấu có xu hướng tăng mạnh, thể hiện qua dư nợ xấu của của 27 ngân hàng niêm yết vào cuối năm 2022 đã tăng đến 35% so với hồi đầu năm, lên trên 136.400 tỷ đồng…