Thực phẩm chức năng là các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc là thực phẩm trong quá trình chế biến được bổ sung thêm các chất “chức năng”. Thực phẩm chức năng nằm ở vị trí giao thoa giữa thực phẩm và thuốc.
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 22/2018/TT-BYT Quy định danh mục thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện kê khai giá, “Danh mục quy định tại Điều 2 Thông tư này là cơ sở để Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan thực hiện quản lý giá theo quy định của pháp luật về giá”.
Trong suốt 5 năm qua qua, nhãn hàng BioAmicus được phân phối độc quyền bởi Dược Hunmed. Ngoài ra, BioAmicus cũng có mặt tại gian hàng toàn cầu Amazon, chuỗi nhà thuốc Long Châu, hệ thống Con Cưng, hệ thống Pharmacity, Bibomart, Kids Plaza, Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Hoà Bình, Y Dược Xanh, Siêu thị Thuốc MPG, BioAmicus Việt Nam, Nhà thuốc 365 Việt Nam, Omi Pharma, Sóc Baby Store, Nhà thuốc An Khang, Nhà thuốc Minh Châu, MB Mart… Tuy vậy, trên các trang online của các hệ thống cửa hàng, công ty nêu trên không kê khai giá cho bất kì sản phẩm nào. Từ đó, chúng ta có quyền nghi ngờ có hiện tượng thổi giá hoặc thổi phồng công dụng, từ đó thu về nguồn lợi không nhỏ, thậm chí các công ty đã vô tình tiếp tay cho những đơn vị nhập khẩu, phân phối thực phẩm chức năng dành cho trẻ em.
Các loại sản phẩm này được quảng cáo trên mạng như một loại thần dược được nhập khẩu độc quyền nhưng bị thổi phồng công dụng nên người sử dụng không đạt được hiệu quả mong muốn như quảng cáo, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Người bán câu khách bởi ngôn ngữ quảng cáo gây sự chú ý như: thực phẩm chức năng chất lượng cao, nhập khẩu chính ngạch, giải pháp cho trẻ ăn ngon, tăng sức đề kháng, chống táo bón, công dụng toàn diện, công thức hoàn hảo, công nghệ bao kép độc quyền, khả năng hấp thu vượt trội, thế hệ hữu cơ mới nhất, tăng cường khả năng ghi nhớ tốt nhất, v.v…
Chúng ta thấy rằng, việc bổ sung các loại thực phẩm chức năng có thể mang lại những lợi ích nhất định, đặc biệt đối với trẻ em thiếu hụt vi chất. Tuy nhiên, dùng quá nhiều các loại thực phẩm chức năng hoặc sử dụng không hợp lý sẽ gây nên những tác dụng phụ không mong muốn. Có nhiều người tiêu dùng tin vào những nội dung quảng cáo bắt mắt, tin vào uy tín của những chuỗi cửa hàng cho mẹ và bé hay những hệ thống nhà thuốc lớn nên bỏ ra số tiền không nhỏ để mua thực phẩm chức năng cho con trẻ sử dụng trong suốt thời gian dài. Đành rằng, thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ nhất định cho sức khoẻ trẻ em nhưng không phải là chìa khoá vạn năng. Thiết nghĩ, các cửa hàng phân phối nên niêm yết rõ giá bán và hướng dẫn cụ thể cách dùng cho khách hàng cũng như đưa ra một số khuyến cáo cần thiết.
Về mặt pháp luật, việc “thổi phồng” công dụng cũng như không niêm yết giá công khai thực phẩm chức năng là gian dối về thương mại. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết năm 2022 cơ quan này đã xử phạt vi phạm với tổng tiền phạt 1,26 tỉ đồng nhưng tình trạng thổi phồng công dụng cũng như không công khai giá thực phẩm chức năng nói chung, thực phẩm chức năng dành cho trẻ em vẫn còn tiếp diễn./.
Theo Báo Tri Thức Và Cuộc Sống