Là gốc rễ của tăng trưởng xanh, phát triển bền vững nhưng ngành chăn nuôi với giá trị khoảng 23,7 tỷ USD vẫn loay hoay với bài toán “kinh tế tuần hoàn”. Nguồn tài nguyên là các phụ phẩm lên tới 75 triệu tấn/năm đang bị lãng phí.
Lãng phí triệu tấn phụ phẩm
Tại diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức” hôm nay, 21/3, ông Võ Trọng Thành, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) thông tin, đàn lợn của nước ta đạt hơn 28,8 triệu con, đàn trâu bò hơn 8,9 triệu con, đàn gia cầm 533 triệu con. Sản lượng thịt, trứng, sữa cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Giá trị toàn ngành chăn nuôi năm 2022 ước đạt 23,7 tỷ USD. Và với xu hướng tăng trưởng như hiện nay, số lượng đàn vật nuôi lớn có tác động nhất định đối với môi trường.
TS. Nguyễn Thế Hinh – Phó Trưởng ban Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, khẳng định, kinh tế tuần hoàn sẽ giải quyết các vấn tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.
Theo ông Hinh, có 3 công nghệ chính đang triển khai trong các trang trại chăn nuôi quy mô lớn: xử lý chất thải rắn bằng máy tách phân; xử lý chất thải khí bằng máy phát điện khí sinh học; xử lý chất thải lỏng bằng hệ thống tưới (nước thải sau biogas thông qua hệ thống lọc).
Thời gian qua, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp Carbon thấp (LCASP) đã triển khai xây dựng mô hình tại 10 tỉnh, với kết quả ban đầu khá khả quan. Dự án đã đầu tư máy tách phân tại các trang trại chăn nuôi quy mô trên 2.000 đầu lợn/bò cũng như hệ thống tưới bằng nước thải biogas. Các trang trại lớn đều đạt tỷ suất lợi nhuận trên 20%, thời gian hoàn vốn từ 5-6 năm.
Thí điểm triển khai tại một số trang trại lợn quy mô trên 5.000 con cho tỷ suất lợi nhuận lên đến 60% so với mô hình truyền thống, thời gian hoàn vốn từ 2-3 năm.
Bà Bùi Thị Hồng Hà, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), chia sẻ về mô hình liên kết gà – rau tại Thái Bình. Phân gà được xử lý bằng công nghệ vi sinh ngay tại trại, ủ hoai và đưa ra dùng tại ruộng rau.
Cách làm này được áp dụng tại trại gà đẻ quy mô 18.000-50.000 con. Nhờ đó, HTX rau sạch Trung An đã tăng năng suất 40%. Một HTX rau sạch khác dùng phân gà rắc trên ruộng và tận dụng dùng tàn dư trên ruộng, không cần tới thuốc BVTV, giúp sản xuất rau với chi phí rẻ, tạo ra chất lượng cao phục vụ khách hàng, bà Hà cho hay.
Theo ước tính, chỉ riêng ngành chăn nuôi khối lượng phụ phẩm lên tới 75 triệu tấn mỗi năm. Đây là nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế tuần hoàn, song ở nước ta vẫn bỏ phí hoặc sử dụng chưa hiệu quả.
Gỡ điểm nghẽn về pháp lý
Ông Nguyễn Anh Phong – Giám đốc Trung tâm Thông tin (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) – chỉ rõ, với phát triển và nhân rộng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, ở Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức như: nhận thức về kinh tế tuần hoàn tại quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX còn sơ khai; tâm lý ngại rủi ro, mức đầu tư cho các mô hình tái chế lớn; khung luật pháp chưa hoàn thiện.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho rằng, điểm nghẽn hiện nay đối với các đơn vị sản xuất nông nghiệp tuần hoàn (lấy phụ phẩm của ngành này để làm nguyên liệu cho ngành khác) nhưng vướng các quy định của Luật Môi trường, Luật Bảo vệ Môi trường.
Như nuôi bò đang tăng trưởng cao, song chúng ta lại không có đồng cỏ. Muốn tận dụng phụ phẩm của nông nghiệp trồng trọt làm thức ăn cho bò, nhưng khi thu mua tại các nhà máy chế biến nông sản, mua bã, thân, cành cây,… thì khâu vận chuyển lại khó khăn, bởi nó được coi là chất thải theo Luật Môi trường, ông dẫn chứng.
Theo ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt, kinh tế tuần hoàn là nền tảng của phát triển bền vững, nền tảng của kinh tế xanh. Chính vì vậy, chúng ta không nên tách bạch nhiều quá, không nên trói buộc mà tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi tổ chức, nông hộ để phát triển mô hình.
Ông kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu quy định hành lang pháp lý, khuôn khổ pháp lý cho đổi mới sáng tạo; có những chính sách phục vụ doanh nghiệp, nông hộ xử lý chất thải chăn nuôi để thí điểm, đánh giá, từ đó lan tỏa mô hình.