Ngành điện đang đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn do giá nhiên liệu tăng đột biến và đề nghị cho phép điều chỉnh giá điện một cách kịp thời. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đề xuất tăng giá điện để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
EVN đề xuất tăng giá điện, mức tăng vượt quá thẩm quyền Bộ Công Thương
Trao đổi với PV Lao Động bên lề họp báo Chính phủ ngày 1.12, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương – cho biết, hiện chi phí đầu vào cho sản xuất điện trên thế giới, khu vực và Việt Nam đều tăng cao, ảnh hưởng tới giá thành sản xuất điện.
Ông Hải dẫn số liệu từ báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, đơn vị này lỗ khoảng 16.000 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay và ước tính cả năm lỗ hơn 31.000 tỉ đồng.
“EVN đã đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện và Bộ Công Thương đang cùng Bộ Tài chính, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rà soát đề xuất này theo Quyết định 24”, ông Hải nói.
Không tiết lộ mức đề xuất cụ thể của EVN, nhưng Thứ trưởng Hải nói, mức tăng giá bán lẻ điện bình quân hiện nay đã “vượt thẩm quyền của EVN theo Quyết định 24”, tức là đã tăng trên 5%.
Theo Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, giá điện bình quân được điều chỉnh dựa trên biến động đầu vào của tất cả các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối – bán lẻ điện, điều hành – quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.
EVN cũng cho biết, các chi phí giá nhiên liệu sản xuất điện như than, dầu, khí đã tăng 3-5 lần so với trước khiến chi phí sản xuất, mua điện của doanh nghiệp này tăng vọt.
Với tình hình tài chính hiện nay, tập đoàn này cho biết, vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong cân đối dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện, cân đối và huy động vốn để đầu tư các dự án… Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của EVN năm 2023 và các năm tới.
Tính toán của EVN hồi giữa năm cho thấy, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 lên mức 1.915,59 đồng một kWh. Mức này cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019, là 1.844,64 đồng một kWh.
Muốn tăng giá điện phải tính đến phương án lạm phát
TS Nguyễn Hồng Minh – nguyên Trưởng khoa Đầu tư, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – phân tích, hiện nay chi phí của ngành điện rất cao. Với giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.864 đồng/kWh, tức là dưới 2.000 đồng/kWh, chắc chắn ngành điện đang phải bù lỗ. Nếu không muốn phải bù lỗ hoặc tiếp tục thua lỗ thì đương nhiên phải tính đúng, tính đủ giá, vì thế ngành điện rất có thể đề xuất chính sách điều chỉnh giá điện phù hợp.
TS Hồng Minh cho rằng, trước khi tăng giá điện, phải tính đến phương án lạm phát, vì điện chiếm tỉ trọng tương đối nhiều trong cả nền sản xuất, tiêu dùng cũng như đời sống, sinh hoạt của người dân.
“Giá điện tăng sẽ kéo theo một loạt hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo. Do vậy cần phải đánh giá thận trọng việc nếu tăng giá điện thì bức tranh chung của nền kinh tế sẽ thế nào. Ngay cả việc tăng ở mức nào, tăng bao nhiêu % cũng cần phải tính toán kỹ, được các bộ ngành chức năng cho phép chứ không thể để ngành điện tự ý tăng, nhằm tránh tình trạng đã độc quyền, lại tự ý tăng giá mà không tính toán đến các chi phí khác sẽ dẫn đến nhiễu loạn thị trường điện, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô”, TS Nguyễn Hồng Minh nói.
Trao đổi với Lao Động, TS Ngô Đức Lâm – nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường, Bộ Công Thương cho rằng, giá điện đang đứng trước áp lực tăng giá khi các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện đều tăng vọt từ đầu năm đến nay. Chẳng hạn, bình quân giá than trộn của TKV, Tổng Công ty Đông Bắc đã tăng 63%. Giá than nhập khẩu cũng tăng hơn gấp đôi, lên 304,8 USD/tấn. Dầu thô Brent lên 104,4 USD/ thùng, gấp gần 2,5 lần.
“EVN cũng là doanh nghiệp, khi kinh doanh không có lãi, họ có quyền đề xuất tăng giá điện. Tuy nhiên, việc thay đổi theo hướng tăng giá điện cần có sự điều tiết của Nhà nước, bởi điện là hàng hoá đặc biệt. Việc tăng giá điện này vượt quá thẩm quyền của EVN, Bộ Công Thương, thậm chí Chính phủ cần phải trình Quốc hội vào kỳ họp bất thường tới để xem xét, đánh giá kỹ các tác động của việc tăng giá điện với đời sống – xã hội”, ông Lâm cho hay.
Theo ông Lâm, EVN lý giải việc đề xuất tăng giá điện là do nguyên liệu đầu vào (than, dầu) tăng, thì đối với các ngành nghề khác, nguyên liệu đầu vào tăng, họ cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Chính vì vậy, nếu giờ tăng giá điện nữa thì doanh nghiệp, người dân lại phải chịu cảnh tăng giá hai lần, “một cổ hai tròng” (vừa tăng nguyên vật liệu đầu vào, vừa tăng giá điện”.
“Chính vì vậy, cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đề xuất tăng giá điện. Trước hết, EVN cần tiết kiệm tối đa chi phí; Bộ Công Thương cũng tính toán, xử lý những tồn tại liên quan đến chi phí của tập đoàn này để giữ ổn định giá điện”, ông Lâm nói.
* PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, cần đánh giá cụ thể hơn và có dự báo trong thời gian tới việc tăng giá điện ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của nhân dân. Vì tăng giá điện và giá xăng dầu sẽ làm tăng chi phí đầu vào của các đơn vị sản xuất kinh doanh, và đương nhiên chi phí này sẽ kết tinh vào giá thành sản xuất và làm tăng giá thành sản phẩm. Việc này sẽ là giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước, giảm sức mua của người dân.
“Khi tăng giá điện chắc chắn kéo theo tăng giá các mặt hàng, nhất là vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất. Do vậy, cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đề xuất tăng giá điện. Trước hết, EVN cần tiết kiệm tối đa chi phí; Bộ Công Thương cũng tính toán, xử lý những tồn tại liên quan đến chi phí của tập đoàn này để giữ ổn định giá điện”, ông Thịnh cho hay. Cải tiến biểu giá điện là không được làm tăng giá bán điện bình quân hiện hành Trong tháng 10.2022, Bộ Công Thương gửi công văn đến các bộ ngành, địa phương, cơ quan liên quan để lấy ý kiến về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới. Phương án bộ này đưa ra là thay đổi theo hướng rút gọn từ 6 bậc hiện hành xuống còn 5 hoặc 4 bậc. Bậc 1 từ 100kWh còn bậc cao nhất là từ 701kWh trở lên. Mức giá của bậc 1 là 1.678 đồng/kWh, còn bậc cao nhất là từ 3.076-3.356 đồng/kWh. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã 2 tháng trôi qua, Bộ Công Thương vẫn chưa xin được ý kiến các bộ ngành để tổng hợp, chỉnh lý và trình Chính phủ phương án biểu giá điện mới. Việc điều chỉnh biểu giá điện năm 2019 là tiền đề quan trọng để xem xét có nên tăng giá điện trong năm 2023 hay không? Nhận định về biểu giá điện mới, ông Nguyễn Tiến Thoả – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, Bộ Công Thương cần phải nêu được sự cần thiết trong việc bắt buộc phải cải tiến biểu giá bán lẻ điện. Đồng thời, cũng cần công khai tỉ trọng tiêu thụ điện của các bậc thang qua các năm của cả hai phương án trên. Đặc biệt phải làm rõ mục tiêu cải tiến biểu giá điện là không được làm tăng giá bán điện bình quân hiện hành. |
Theo Báo Lao Động