Mỗi khi chào mời được nhà đầu tư tham gia, Công ty Cổ phần đầu tư Antech Group (Antech Group) sẽ đưa ra cho nhà đầu tư bản hợp đồng được soạn sẵn. Nhà đầu tư chỉ việc ký và nộp tiền. Tuy nhiên, sau khi ký vào các bản hợp đồng hợp tác kinh doanh này, nhà đầu tư sẽ có thể gặp rủi ro bất lợi với số tiền đã bỏ ra.
Cụ thể, tại bản hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh gồm 08 trang, với 23 Điều khoản, mà Antech Group cung cấp, ngay từ đầu bản hợp đồng, Antech Group đã liệt kê ra hàng loạt hạng mục đầu tư kinh doanh như:
1. Ứng dụng công nghệ trong quản lý hợp đồng kinh doanh, sản xuất thương mại;
2. Kinh doanh bất động sản và các dự án bất động sản;
3. Kinh doanh nhà hàng;
4. Phát triển chuỗi spa;
5. Chuyển giao công nghệ lắp đặt camera, quản trị doanh nghiệp;
6. Đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến công nghệ, cryptocurrency.
Theo nội dung hợp đồng, Bên B thỏa thuận hợp tác cùng với Bên A để xây dựng các dự án bất động sản và các lĩnh vực kinh doanh như trên và cùng nhau phân chia lợi nhuận.
Như vậy, sau khi đầu tư thì nhà đầu tư sẽ rất khó để biết được cụ thể là tiền sẽ được đầu tư như thế nào, không thể kiểm tra giám sát.
Mặc dù cam kết phân chia lợi nhuận theo ngày, chỉ trừ các ngày nghỉ thứ 7, chủ Nhật, ngày lễ, Tết, được công ty quy đổi là 480 ngày/24 tháng, là những ngày nhà đầu tư được phân chia lợi nhuận. Thế nhưng đơn vị này lại “gài” một điều khoản tại Điều 6: phương thức phân chia lợi nhuận như sau: “trong quá trình phân chia lợi nhuận, tùy theo tình hình kinh doanh và thị trường mà Bên A điều chỉnh tăng số ngày hoặc giảm số ngày phân chia lợi nhuận trên tuần, trên tháng hoặc trên năm cho phù hợp với tình hình kinh doanh của Bên A và để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho Bên A và Bên B”.
Như vậy, nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng, Antech Group có thông báo điều chỉnh tăng hoặc giảm số ngày phân chia lợi nhuận, thì phía nhà đầu tư phải chấp nhận? Tại Điều 13 thì quy định: từ chối làm việc với những cá nhân, tổ chức không liên quan với các quy định mang tính “trói buộc” nhà đầu tư không được phép kiện cáo hoặc nhờ bên thứ 3 can thiệp như sau: “hai bên tự nguyện cùng nhau hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận, cùng hưởng và cùng chịu kết quả kinh doanh của mình, đây là việc nội bộ giữa Bên A và Bên B. Hai bên không chấp nhận bất kỳ khiếu nại, tố cáo, đề nghị làm việc của bất kỳ bên thứ ba nào không hợp tác với Bên A hoặc không liên quan đến Bên A. Hai bên cam kết (Bên A và Bên B không chấp nhận bất kỳ cơ quan chức năng nào can thiệp vào hoạt động kinh doanh và Hợp đồng Hợp tác kinh doanh giữa hai bên).
Bên A và Bên B sẽ xử lý đến cùng những trường hợp không hợp tác kinh doanh với Bên A, làm đơn kiện, đơn tố cáo nặc danh với cơ quan chức năng. Đồng thời, hai bên từ chối làm việc với cơ quan chức năng khi những lý do làm việc là do những đơn thư tố cáo, khiếu nại nặc danh.
Đây là nguyên tắc bắt buộc trong kinh doanh, ràng buộc các bên phải tuân thủ theo đúng hợp đồng”. Đáng nói hơn cả, là trong bản hợp đồng này còn có điều khoản “trói buộc” nhà đầu tư, đó là các quy định tại Điều 16, về việc chấm dứt hợp đồng như sau: “Bên A có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và không hoàn trả lại số tiền mà Bên B đã hợp tác đồng thời hủy bỏ các khoản tiền thưởng, tiền phân chia lợi nhuận của Bên B trong trường hợp: Bên B kiện Bên A vì bất kỳ lý do gì hoặc nhờ Bên thứ 3 bất kỳ nào can thiệp vào việc nội bộ của hai bên.
Có thể thấy, bằng những Điều khoản quy định từ hợp đồng của Anteck Group, nếu Bên B (tức nhà đầu tư), có kiện cáo hoặc nhờ bên thứ 3 can thiệp, thì hợp đồng sẽ bị hủy và không lấy lại được tiền đã đầu tư.
Phóng viên sẽ tiếp tục thông tin!
Theo Tạp chí Doanh Nghiệp Và Thương Hiệu Nông Thôn