Sau vài ngày im lặng, Con Cưng vừa bất ngờ tung ra giấy tờ của 30 doanh nghiệp, nhãn hàng xác nhận Con Cưng bán hàng của họ, nhưng một số giấy tờ có vấn đề về thời hạn ban hành.
Trước động thái các bên, dư luận bắt đầu “băn khoăn”, người tin Con Cưng đúng, kẻ ngại Quản lý thị trường (QLTT) sẽ “giơ cao đánh khẽ”. Bởi QLTT đang “xoáy” vào việc mà Con Cưng không khó để đáp ứng. Trong khi đó, vấn đề lớn cần cả hai bên, người giải trình, kẻ tập trung làm rõ thì…
Khi 70% quần áo CF sản xuất trong nước…
Bản chất Con Cưng chính là siêu thị, tức nhập hàng các hãng để bán. Nên với hơn 100.000 sản phẩm các hãng khác mà QLTT tạm giữ, tập trung lực lượng làm rõ nguồn gốc xuất xứ v.v… không khó để Con Cưng đáp ứng.
Bằng chứng mới nhất là tối ngày 6.8, trên web cũng như facebook, Con Cưng đồng loạt tung ra giấy tờ của hơn 30 thương hiệu, doanh nghiệp xác nhận Con Cưng phân phối bán hàng chính hãng của họ.
Thế nên không phải bỗng nhiên, ông Nguyễn Quốc Minh – Chủ tịch HĐQT Con Cưng – trong trả lời chất vấn của báo chí ngày 30.7 đã tự tin mà nói, nếu QLTT phát hiện hàng kém chất lượng… thì nhà cung cấp, sản xuất phải chịu trách nhiệm, thay vì Con Cưng.
Vấn đề mấu chốt trong những sai phạm của chuỗi siêu thị mẹ và bé Con Cưng không phải ở những sản phẩm mang thương hiệu của các nhà sản xuất…
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, sản phẩm duy nhất mà Con Cưng sản xuất, như xác nhận của ông Nguyễn Quốc Minh, chính là quần áo thời trang trẻ em thương hiệu CF. Sản phẩm này 30% Con Cưng thuê gia công ở Thái, 70% gia công trong nước. Giá hàng ngoại đắt hơn giá hàng nội.
Câu hỏi lớn đặt ra: Chất lượng quần áo thương hiệu CF gia công trong nước có đảm bảo? Ai kiểm soát? Con Cưng thuê đơn vị nào gia công và cơ sở đó có đủ điều kiện và đảm bảo chất lượng hàng hóa như quảng cáo?
Hơn thế nữa, lượng quần áo nhập khẩu bán ra có tương ứng với số lượng nhập khẩu (30%)? Nếu Con Cưng hoặc QLTT không phối hợp cùng hải quan làm rõ điều này, thì e rằng nghi vấn lớn sẽ khó giải tỏa: Hàng nhập ít nhưng bán nhiều là có sự nhập nhèm “hàng nội” gắn mác “hàng ngoại” để bán được giá cao?
Mà là sản phẩm thời trang mang thương hiệu riêng của Con Cưng: CF –Con Cưng Fashion.
Tại cuộc họp báo mới đây của UBND TP.HCM ngày 2.8, ông Nguyễn Văn Bách -Phó Chi Cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM – chỉ nói rằng, nếu phát hiện hàng hóa (các loại) bán tại Con Cưng có vấn đề thì cần thiết sẽ tiếp tục kiểm tra nhà cung cấp, sản xuất. Nếu vậy, với hàng nghìn mặt hàng khác nhau, việc kiểm tra từng cơ sở sản xuất thì e rằng QLTT không chỉ “quá sức” mà vẫn chưa vào đúng “trọng tâm” của Con Cưng.
Kinh doanh online: Hàng Nhật, sao lại gắn CF?
Con Cưng kinh doanh với 2 hình thức, siêu thị và thương mại điện tử (online trên web và facebook). Trên web Cty này có giới thiệu chi tiết hình ảnh, xuất xứ mã hàng hóa từng sản phẩm và cho khách đặt mua online, giao hàng tận nơi.
Phát hiện của chúng tôi, Con Cưng giới thiệu sản phẩm áo thun tô màu cho bé tay ngắn mã CF G058009 là “thương hiệu Marvy, sản xuất tại Nhật Bản”. Nhưng trên mép cổ áo, lại là thương hiệu CF, tức thương hiệu quần áo thời trang của Con Cưng (70% sản xuất trong nước, 30% thuê nước ngoài gia công, chủ yếu Thái Lan).
Cơ quan chức năng cần tìm hiểu kỹ về xuất xứ và chất lượng sản phẩm thời trang của chuỗi siêu thị mẹ và bé Con Cưng: CF-Con Cưng Fashion. Như sản phẩm này ghi xuất xứ tại Nhật Bản, trong khi Con Cưng công bố CF chỉ được sản xuất tại Thái Lan và Việt Nam.
Trong khi đó, ghi nhận của báo giới, QLTT tới giờ này chỉ mới tập trung làm rõ nguồn gốc xuất xứ hơn 100.000 sản phẩm tạm giữ tại các siêu thị, mà chưa “ngó” tới các sản phẩm kinh doanh online, loại hình thương mại điện tử đang phát triển như vũ bão, thậm chí là xu hướng tất yếu.
Cần lưu ý rằng, trong quyết định của số 2611 ngày 24.7.2018 của Bộ Công Thương về lập đoàn kiểm tra toàn diện Con Cưng, có yêu cầu đoàn phải làm rõ 6 nội dung cụ thể gồm: Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; chất lượng hàng hóa; ghi nhãn hàng hóa; hoạt động xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tung nhiều xác nhận “đấu” với QLTT
Các nhãn hàng xác nhận mà Con Cưng tung ra gồm 3 nhóm hàng gồm nhóm tã, sữa và thực phẩm; nhóm sản phẩm là đồ dùng; nhóm hóa mỹ phẩm. Đáng lưu ý, có cả chứng nhận ghi và không ghi thời hạn, ngày tháng. Có nhiều xác nhận từ nhiều năm trước, nhưng cũng không ít xác nhận mới đây, ngay khi QLTT vào cuộc. Điển hình như Cty TNHH Humana Việt Nam “chứng nhận Con Cưng là nhà phân phối chính hãng sản phẩm của Humana Việt Nam”. Trên xác nhận này ghi “giấy chứng nhận có hiệu lực từ ngày 1.7.2016” nhưng lại ký tháng 7.2018. Hoặc giấy của Cty Kimberly Clark xác nhận Con Cưng là đối tác bán lẻ ủy quyền sản phẩm Huggies & Kotex từ năm 2012, nhưng đóng dấu ký ngày 1.8.2018, tức sau khi QLTT nhảy vào cuộc và đang làm rõ. NGỌC UYÊN
Theo NGÔ NGUYÊN/Laodong