Dù chưa được cơ quan chức năng cho phép, vị giám đốc của một ngân hàng tại Đắk Lắk vẫn ngang nhiên đưa máy móc vào đào bới, san lấp đất lâm nghiệp.
Nhiều ngày qua, người dân ở thôn 6 (buôn Kom Leo, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bất bình trước việc ông Phan Ngọc Diễn (trú tại số 15 Hoàng Văn Thụ, TP. Buôn Ma Thuột – hiện là Giám đốc chi nhánh một Ngân hàng ở Đắk Lắk) tự ý sử dụng máy móc san lấp mặt bằng, đào ao, đắp đập trên phần đất rẫy cá nhân sở hữu, khi chưa được cơ quan chức năng cho phép.
Ông Ngô Quang Tiến – phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng cho biết, chiều 14/4/2020, Đoàn kiểm tra đã có mặt tại hiện trường để làm rõ sự việc trên. Tại thửa đất số 106 rộng 3.000 m2 do ông Phan Ngọc Diễn làm chủ, phát hiện máy múc Mitsubishi và xe ben loại lớn phục vụ việc đào, vận chuyển đất đá để san lấp mặt bằng.
Ngay khi phát hiện vụ việc, lực lượng chức năng yêu cầu ông Diễn tạm dừng các hoạt động, buộc di dời các phương tiện ra khỏi khu vực vi phạm, đồng thời yêu cầu ông Diễn đến UBND xã Hòa Thắng làm việc.
Căn cứ vi phạm về việc tự ý làm biến dạng địa hình, thay đổi hiện trạng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, xã Hòa Thắng đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Phan Ngọc Diễn.
Tổng diện tích vi phạm bước đầu được xác định là 1.901 m2. Do diện tích vi phạm quá lớn, vượt quá thẩm quyền xử lý, nên UBND xã Hòa Thắng hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND thành phố Buôn Ma Thuột xử lý.
Theo ông Đỗ Ngọc Dũng – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thành phố Buôn Ma Thuột, để làm rõ diện tích đất vi phạm tại thửa đất 106, UBND dân xã Hòa Thắng có mời đại diện Hạt kiểm lâm thành phố Buôn Ma Thuột phối hợp kiểm tra, xử lý.
Qua kiểm tra, lực lượng kiểm lâm phát hiện có 1.900 m2 đất bị san ủi trái phép thuộc đất rừng sản xuất. Ngay khi có kết quả đo thực địa, lực lượng kiểm lâm đã làm công văn đề nghị cơ quan chức năng ở Đắk Lắk xử lý theo quy định.
Ông Đỗ Ngọc Dũng chia sẻ, nếu trên đất có cây rừng thì lực lượng kiểm lâm sẽ tổng hợp số cây bị tàn phá tại hiện trường để xử lý theo quy định; còn trường hợp trên đất không còn cây rừng thì thẩm quyền xử lý thuộc ngành tài nguyên. Trường hợp vi phạm của ông Diễn thì hiện trạng đất không còn cây rừng nên trách nhiệm thuộc về Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc cao hơn là UBND thành phố.
“Đất lâm nghiệp ở các phường, xã thuộc TP. Buôn Ma Thuột hay ở một số huyện, thị xã trước đây do UBND tỉnh Đắk Lắk quản lý. Khi thực hiện chủ trương của Nhà nước thì UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao một số diện tích cho các tổ chức, cá nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương quản lý bảo vệ. Các hành vi sang nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đều bị nghiêm cấm”, ông Đỗ Ngọc Dũng cho biết thêm.
Theo ông Phan Thanh Tuấn – Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Buôn Ma Thuột, đơn vị đã nắm được thông tin và cử đại diện phối hợp với UBND xã Hòa Thắng xác minh, làm rõ vụ việc. Bước đầu kết quả xác minh cho thấy, nhiều diện tích đất tại thửa đất số 106, thuộc tờ bản đồ số 35, địa bàn thôn 6 bị cày xới. Địa hình bị biến dạng nhiều chỗ, diện tích lên tới gần 2/3 thửa đất. Đây là việc làm trái quy định.
Cũng theo ông Tuấn, cùng với việc xử lý hành vi tự ý sử dụng phương tiện máy móc cơ giới san lấp mặt bằng trái phép đất của ông Phan Ngọc Diễn, phòng cũng sẽ phối hợp với UBND xã Hòa Thắng làm rõ có hay không hành vi sang nhượng đất trái phép của ông này từ các hộ dân.
Tuy nhiên, liên quan đến sự việc trên, trả lời VTC News, ông Diễn cho biết, việc cho máy móc vào múc và san lấp đất chỉ với mục đích là làm ao hồ để tưới nước cây trồng vì đang mùa hạn, thiếu nước.
Được biết, thửa đất 106 được ông Phan Ngọc Diễn mua lại từ ông Y Dhan Byă, trú thôn 6, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột với giá 100 triệu đồng vào tháng 12 năm 2017.
Theo VTC