Dần khẳng định là quốc gia xuất khẩu nông sản với kim ngạch hàng tỷ USD, song nông sản Việt lại trầy trật khi cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, điển hình là ở khâu đưa hàng vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại. Có thể nói, nông sản Việt đã lên kệ hàng quốc tế, nhưng ở ngay trong nước lại bị từ chối.
Hàng vào siêu thị: Ngâm vốn và thời gian
Theo thống kê của cơ quan quản lý, cả nước hiện có 9.000 chợ, 800 siêu thị, 130 trung tâm thương mại và khoảng 4.000 siêu thị mini-cửa hàng tự chọn. Hệ thống thương mại hiện đại khá rộng lớn, ngày càng phát triển, nhưng đến nay, tỷ lệ nông sản sạch vào các hệ thống thương mại này chỉ chiếm từ 7-10%. Như vậy nghĩa là còn tới 80-90% hàng hóa nông sản được bán tự do ở các chợ, cửa hàng lẻ và hàng rong. Trong đó, có đủ các loại gồm cả sản phẩm đạt chất lượng và không đạt chất lượng.
Ông Quốc Bình -Chủ cơ sở sản xuất cá khô TQ (Đồng Tháp), chia sẻ kinh nghiệm thực tế: Cơ sở TQ đã từng bán hàng vào một siêu thị từ cuối năm 2016, nhưng do có quá nhiều trở ngại nên từ tháng 3/2017 đến nay đã tạm ngưng. Lý do: Thứ nhất là thời gian cũng như quy trình kiểm tra sản phẩm quá lâu, phải mất hơn một năm mới đưa được hàng vào siêu thị, trong khi khoảng thời gian này hoàn toàn có thể rút ngắn. Thứ hai, khâu thanh toán cũng rất mất thời gian.
Theo ông Quốc Bình, trong hợp đồng với điều khoản “những đơn hàng bắt đầu từ ngày đầu tháng hoặc cuối tháng sẽ thanh toán vào ngày 12 của tháng tiếp theo”. Như vậy, nhà cung cấp phải chuẩn bị tới ba lượt vốn, đó là vốn ban đầu, vốn nằm trong một tháng, và vốn của 12 ngày tháng tiếp theo. Các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thường bị hạn chế về tài chính, việc thanh toán chậm khiến họ khó khăn trong việc tái sản xuất mở rộng đầu tư.
Nói về những rào cản khi đưa hàng vào siêu thị, ông Vũ Vinh Phú -nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, nêu quan điểm: Yếu kém ở khâu sản xuất là một trong những lý do khiến cho lượng hàng nông sản sạch vào siêu thị còn khiêm tốn. Lý do khác quan trọng hơn là bởi sự thiếu trách nhiệm, chèn ép của đơn vị phân phối khi đưa ra mức chiết khấu cao với các nhà cung ứng. Mức chiết khấu thông thường lên tới 25-30%, cộng với những chi phí bất hợp lý khác. Thực tế trên làm nhiều nhà cung ứng không chịu nổi.
“Tôi là người mở siêu thị đầu tiên, hàng hóa chỉ cần 30 phút kiểm tra là vào được siêu thị với mức chiết khấu bình quân 12,8%. Trong khi tại nhiều hội nghị liên kết cung-cầu, rất nhiều DN đã phản ánh những bất cập khi đưa hàng vào siêu thị. Nhiều siêu thị có doanh số bán lớn, có quyền quyết định đã gây sức ép cho nhà cung ứng. Ví dụ, 10 đơn vị gửi rau vào siêu thị, chỉ 1-2 đơn vị được chọn, đó là những đơn vị chịu chi chiết khấu cao. Thậm chí, khi đã bán hết hàng, siêu thị còn dùng chiêu “kế toán đi vắng” để trì hoãn việc thanh toán cho nhà cung ứng, nhằm chiếm dụng vốn” -ông Phú nói.
Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
Các chuyên gia cho rằng, những bất cập trong việc đưa nông sản vào siêu thị nói riêng, giải quyết nút thắt trong khâu phân phối hàng hóa nói chung tại Việt Nam, cần thực hiện ngay các giải pháp đồng bộ:
1/Về chính sách: Cần luật hóa khâu phân phối. Hiện nay, Thái Lan đã có quy định trong phân phối nông sản, 70% lợi nhuận là của người trồng nhưng tại Việt Nam, nông dân vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi.
2/Về thương mại: Xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất và phân phối nhằm giảm chi phí sản xuất và lưu thông hàng hóa nông sản; Hình thành hệ thống chợ đầu mối, sàn giao dịch nông sản để đảm bảo mua bán được công khai, minh bạch, chấm dứt những hình thức độc quyền của thương mại bán lẻ.
3/Về sản xuất: Đầu tư thỏa đáng cho việc hình thành những tập đoàn mạnh về sản xuất và phân phối, có đủ tiềm lực để phát triển sản xuất hàng hóa lớn và phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp; Hỗ trợ dự trữ nông sản, bảo quản sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, muốn khơi thông dòng chảy thương mại hàng hóa, cần tổ chức lại sản xuất lớn theo quy hoạch của từng địa phương và từng vùng có lợi thế cho sự phát triển từng loại nông sản, đồng thời mở rộng chính sách hạn điền, tạo điều kiện tốt, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm quản lý được chất lượng hàng hóa cũng như hạ giá thành sản phẩm.
Phạm Phước Vinh -Langmoi.vn
Hợp tác xã nông nghiệp: Địa phương phải dành nguồn lực để phát triển
TP.HCM: Bắt nghi phạm cướp túi xách trên cầu Thủ Thiêm làm cô gái tử vong