Là một người đam mê nghệ thuật âm nhạc thuần túy như chính những nốt nhạc luôn có giá trị đẹp đẽ dâng cho đời, Nhạc sĩ – Bác sĩ Thành Nguyễn đã chọn cho mình một cách sáng tác riêng. Sau những bài hát ghi dấu như: Ngày mai tươi sáng, Chọn kiếp, Hà Nội mưa ngâu…, vừa qua, Nhạc sĩ trẻ Thành Nguyễn tiếp tục giới thiệu tới người yêu nhạc ca khúc mới mang tên “Đứng Gần”.
“Đứng gần”, sáng tác mới nhất của nhạc sĩ Thành Nguyễn mang tới cho người nghe một cảm nhận khác về khả năng sáng tác của anh. Chọn chất liệu là âm nhạc dân gian, mang màu sắc của những làn điệu dân ca Bắc Bộ, nhạc sĩ Thành Nguyễn khoác lên ca khúc “Đứng gần” giai điệu thanh thoát, uyển chuyển, nhẹ nhàng và mùi tai một cách lạ lùng. Bài hát được phổ nhạc từ bài thơ hay của GS.TS. Nguyễn Bá Đức, một người Giáo sư có tâm hồn thi sĩ, đã mang lại cho nhạc sĩ Thành Nguyễn nguồn cảm hứng sáng tác qua nhiều tác phẩm thơ hay của ông, trước đó là ca khúc Hà Nội mưa ngâu đặc biệt.
Nếu như “Hà Nội mưa ngâu” là một ca khúc viết về địa danh, một đề tài khá khó trong âm nhạc, mà lại là Thủ đô Hà Nội vốn đã đi vào thơ ca của không ít tên tuổi nhạc sĩ lẫy lừng Việt Nam, nhạc sĩ Thành Nguyễn mạnh dạn sáng tác về Hà Nội trong ca từ là tác phẩm thơ của Giáo sư Nguyễn Bá Đức. Thì nay, ca khúc “Đứng gần” lại mang ý tứ về mùa Xuân, mùa sum họp, mùa đoàn viên, được chọn và có chất liệu âm nhạc dân gian hết sức đặc biệt.
GS.TS. Nguyễn Bá Đức, Thầy thuốc nhân dân – Nguyên giám đốc Bệnh viện K trung ương, nguyên chủ nhiệm Bộ môm Ung thư trường Đại học Y Hà Nội. Hiện nay là phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, phó chủ tịch Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư “Ngày mai tươi sáng”. Giáo sư đã chia sẻ thêm: “Trong hơn 40 năm công tác trong nghành y tế, những bận rộn ngược xuôi với khám chữa bệnh, chứng kiến bao mảnh đời bất hạnh, bao nghĩa cử cao đẹp của các thầy thuốc, của người bệnh và gia đình, cộng đồng, muốn viết lắm nhưng phải dành hết thời gian cho chăm sóc người bệnh, cho công tác đào tạo, quản lý bệnh viện và bộ môn ung thư, mầm thơ cứ phải nằm im trong tiềm thức. Chỉ từ khi được rảnh rang, thôi quản lý và sau khi về hưu thì thơ lại nảy mầm thức dậy. Ban đầu là những cuộc nhắn tin, đùa vui với bạn bè bằng thơ, rồi ghi lại cảm xúc bằng thơ trước mỗi hoàn cảnh, ở mỗi vùng đất và người mình đặt chân đến như một sự tri ân. Có cả những lần mình phát biểu tổng kết hội thảo khoa học bằng một bài thơ dài mang đầy đủ nội dung hội thảo, nhiều đại biểu rất thích đòi xin bản sao. Trong hơn 500 bài thơ đã viết thì nhiều nhất là tình yêu cuộc sống, tình yêu đất nước, tình nghĩa vợ chồng, đạo lý ở đời… Mình thích khai thác mảng tích cực, ca ngợi cái đẹp, it khi đi vào mảng tiêu cực vì sợ bế tắc, mất phương hướng. Trong mỗi bài thơ mình cố gắng phản ánh hiện thực, đưa hơi thở cuộc sống, không quên tính giáo dục và tính triết lý vào thơ.”
Từ một tác phẩm thơ của người Giáo sư dành hết Tâm Đức cho đời, nhạc sĩ trẻ Thành Nguyễn đã khoác lên giai điệu của nét đẹp dân gian truyền thống. Chính điều này đã giúp cho ca khúc Đứng gần càng dễ đi vào lòng người yêu nhạc. Trình bày ca khúc “Đứng gần” là ca sĩ Quốc Đại, một ca sĩ có giọng hát ngọt, ấm rất được yêu thích ở mảng ca khúc về quê hương mang âm hưởng dân ca.
Khi được hỏi cảm nhận về yếu tố dân gian trong âm nhạc nói chung và ca khúc “Đứng gần nói riêng”, Giáo sư Nguyễn Bá Đức chia sẻ: “Theo tôi hiểu, yếu tố dân gian là nguồn cội của thơ, ca, nhạc, họa. Dân gian là cuộc sống cộng đồng. Thơ và nhạc từ cuộc sống mà ra và thơ, nhạc quay lại tô điểm, làm đẹp cho cuộc sống. Từ ngàn đời nay, từ cuộc sống, lao động sản xuất, đấu tranh với thiên nhiên, con người đã sáng tác ra thơ ca, ca dao tục ngữ, hò, vè, những làn điệu dân ca bất hủ của mọi vùng miền. Ngày nay, những bài ca, điệu nhạc hay nhất, đi cùng năm tháng vẫn là những bài ca mang hồn cốt dân ca. Bài thơ “Đứng gần” được nhạc sĩ trẻ Thành Nguyễn, một Bác Sĩ là đồng nghiệp của tôi phổ nhạc cũng thoát thai từ một câu dân ca Quan họ Bắc Ninh rất hay của các Liền anh, Liền chị hát, hôm tôi đi dự Hội thơ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám- Hà Nội trong dịp Tết Nguyên Tiêu năn 2019
“Yêu nhau đứng ở đằng xa
Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần”
Từ câu dân ca này, Tôi muốn “phản biện”, làm mới (pha chút dí dỏm) thành một bài thơ hoàn chỉnh:
Yêu nhau đứng ở đằng xa
Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần
Hôm nay vào hội thơ xuân
Cho anh xin được đứng gần bên em
Đứng gần thơ cũng có men
Mắt yêu mầu mắt, tay thèm bàn tay
Lẫn trong nỗi nhớ tháng ngày
Trao câu thơ mới, đắm say tình người
Đứng gần áo cũng thêm tươi
Trái tim rạo rực hơn mười đứng xa”
Tôi rất vui khi thấy Bác Sĩ Thành Nguyễn chọn bài này để phổ nhạc, Bất ngờ hơn là bài hát “Đứng dần” đã mang được làn điệu bài hát xưa của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bài hát có cải biên cho tươi mới nhưng vẫn giữ được chất dân ca đằm thắm, trữ tình.”
Là khách mời đặc biệt trong phần hòa âm của ca khúc “Đứng gần”, đó là nghệ sỹ ưu tú Hải Phượng – Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống Nhạc viện TPHCM. Khi chia sẻ về ý tưởng hòa âm cho ca khúc mang màu sắc âm nhạc dân gian, nhạc sĩ Thành Nguyễn đã nhận được nhiều sự khích lệ và ủng hộ. Nghệ sỹ ưu tú Hải Phượng chia sẻ về lần hợp tác thú vị này với Nhạc sĩ – Bác sĩ Thành Nguyễn: “Ngay lần đầu tiên nhận được bản nhạc của ca khúc Đứng gần, Hải Phượng đã cảm nhận được chất liệu dân gian trong ca khúc này rất ró, đặc biệt là dân ca miền Bắc đậm nét. Và ngay từ đầu tiếp xúc với tác phẩm, Hải Phượng đã chia sẻ ngay với nhạc sĩ Thành Nguyễn cũng như các kĩ thuật viên trong phòng thu, đây là bài hát có giai điệu nhẹ nhàng, tinh tế, có màu sắc của âm nhạc dân gian rất thú vị. Hơn nữa lại là tác phẩm của một nhạc sĩ trẻ thì Hải Phượng lại càng thấy thú vị, hào hứng khi tham gia cùng dự án. Hải Phượng thấy được niềm đam mê âm nhạc của nhạc sĩ trẻ này, hơn nữa lại có sự chọn lựa chất liệu âm nhạc dân gian vào sáng tác thì lại càng đáng quý hơn nữa. Hải Phượng biết con đường đi này sẽ không nhiều nhạc sĩ trẻ chọn đi, và Thành Nguyễn đã cố gắng, Hải Phượng mong người nhạc sĩ trẻ này sẽ còn tiếp tục mang những giai điệu, âm hưởng âm nhạc dân gian như thế này vào sáng tác mới của anh.”
Có thể nói, từ một đề tài khó là viết về địa danh như Hà Nội, đến một ca khúc mang âm hưởng dân gian, nhạc sĩ Thành Nguyễn đã cho thấy cái tình anh dành cho âm nhạc. “Hà Nội mưa ngâu” hay “Đứng gần”, đều được phổ nhạc trên hai tác phẩm thơ hay của Giáo sư Nguyễn Bá Đức đều mang đến cho người yêu nhạc một không gian cảm xúc hết sức gần gũi, đậm đà bản sắc của âm nhạc Việt Nam nhưng vẫn có sự tươi mới và tinh tế, mang hơi thở của nhịp sống hôm nay. Và con đường âm nhạc của nhạc sĩ Thành Nguyễn sẽ còn đi dài thêm cùng với đam mê của anh dành cho việc sáng tác nhạc, khi mà anh đã chọn y khoa và nghệ thuật song hành.
Link MV: https://www.youtube.com/watch?v=oGOuI5dQIyM
Gia Vũ (Theo TTV)