Ông là Nguyễn Văn Buôi được mọi người thường gọi là Tư Buôi. Nguyên quán ông Tư Buôi ở làng nghề truyền thống gạch gốm đất sét Vĩnh Long, bên dòng sông Cổ Chiên thơ mộng, ông Tư Buôi chính là chủ nhân căn nhà gốm đỏ nổi tiếng Vĩnh Long. Căn nhà đó chính là hồn đất sét Vĩnh Long mà ông Tư Buôi đã gửi gắm tâm huyết và thổi hồn vào đó…
Nghe danh tiếng căn nhà gốm đỏ của Vĩnh Long từ lâu và đã đích thị đến khám phá căn nhà gốm đỏ này nhưng chưa có dịp gặp được chủ nhân căn nhà. Mãi đến bây giờ, mới có dịp đến căn nhà gốm nằm cặp dòng sông Long Hồ thơ mộng, phường 5 thành phố Vĩnh Long, gặp chủ nhân Nguyễn Văn Buôi để hàn thuyên về chuyện hồi đó và nghe trăn trở về những câu chuyện làng nghề gốm đỏ Vĩnh Long.
Ông Tư Buôi đã qua tuổi lục tuần, nhưng những ký ức thời hồi đó vẫn nhớ như in. Ông Tư Buôi hào hứng kể lại thuở ấu thơ sống với gia đình ông nội, từng là trẻ trâu, cày, cấy, phát cỏ, gặt lúa, xay giả gạo, tát đìa, dỡ chà bắt cá… Có lẽ những ký ức đó mang theo cả đời nên đến căn nhà gốm đỏ gặp không ít những nông cụ thời xa xưa, thời cha ông đi mở đất phương Nam, đều được ông Tư Buôi dày công lặn lội khắp nơi để sưu tầm trưng bày giới thiệu giới du khách về hình ảnh văn minh lúa nước, miệt vườn sông nước Cửu Long. Cối xay lúa, cối giã gạo, sàng gạo, nọc cấy lúa, phảng phát cỏ, ghế nhổ mạ, cộ trâu… và cả nôm, lờ, lợp bắt cá tôm.
Thuở nhỏ, ông Tư Buôi gắn liền với mảnh ruộng, miếng vườn như vậy, lớn lên mưu sinh khởi nghiệp bằng nghề kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng duyên nợ nhiều hơn là nghề gốm đất sét. Ông Tư Buôi cho biết, Vĩnh Long không chỉ có cây lành trái ngọt mà hàng trăm năm nay nổi tiếng là làng nghề truyền thống gốm đỏ, được mệnh danh là “Vương quốc gốm đỏ”.
Theo tài liệu, nghề sản xuất gạch, ngói xuất hiện tại Vĩnh Long vào đầu thế kỷ XIX, ở khu vực Nam sông Cổ Chiên. Đến những năm giữa thế kỷ XX, toàn tỉnh có 39 lò hoạt động sản xuất gạch ngói nung, lao động làm gạch ngói, tại thời điểm đó có khoảng 600 – 800 người. Đến những năm đầu thế kỷ XXI, số lượng lò gạch tăng mạnh lên 2.284 miệng lò. Còn nghế gốm mỹ nghệ ra đời từ năm 1983 và phát triển mạnh từ năm 1997. Gốm mỹ nghệ Vĩnh Long có hàng ngàn ngàn mẫu mã khác nhau đã có mặt nhiều châu lục và nhiều nước trên thế giới như châu Âu, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Thời hoàng kim,Vĩnh Long đạt sản lượng sản xuất gần 50 triệu sản phẩm/năm, trở thành thương hiệu nổi tiếng “Gốm đỏ Vĩnh Long”. Vĩnh Long đã công nhận 7 làng nghề sản xuất gạch ngói gốm mỹ nghệ, trong đó huyện Mang Thít có 6 làng nghề. Giá trị sản lượng của ngành nghề sản xuất gạch ngói chiếm 37,19% tổng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn và chiếm 56,88% giá trị sản lượng nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh Vĩnh Long.
Nhưng đến những năm 2008-2010, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, kinh tế châu Âu gặp nhiều khó khăn, các nhà nhập khẩu gốm mỹ nghệ châu Âu không còn “ăn” hàng nữa, kéo theo nghề gốm mỹ nghệ Vĩnh Long lao đao. Nhiều ông chủ gạch gốm không thu hồi được nợ, sản xuất ngưng trệ, nghề gạch gốm Vĩnh Long tuột dốc không phanh. Thời hưng thịnh, Vĩnh Long có hàng ngàn lò gạch, ngói, gốm, thu hút hàng chục ngàn lao động. Vậy mà đến thời điểm khủng hoảng có đến cả ngàn lò gạch, gốm đóng cửa, cả chủ và người làm công phải đi làm thuê làm mướn, buôn gánh bán bưng kiếm sống qua ngày.
Mặc dù sóng gió ập đến làm “tắt lửa” lò gốm, nghề gạch gốm Vĩnh Long ngày mai một nhưng ông Tư Buôi vẫn nặng lòng đeo đuổi bám nghề với niềm hy vọng “lửa sẽ thắp lên”. Nhìn căn nhà gốm đỏ theo kiến trúc truyền thống, khang trang mà đã dày công chế tác tự chính mình tạo nên, ông Tư Buôi, trầm ngâm: “Làm xuất khẩu không được thì mình chuyển sang làm nội địa. Tôi quyết định chuyển sang làm gốm xây dựng. Xây dựng căn nhà gốm đỏ này là tôi muốn giữ hồn cho đất Vĩnh Long. Đất sét Vĩnh Long đã làm nên nghề gốm đỏ nổi tiếng, nhiều nước trên thế giới biết đến. Bây giờ, không lẽ nào để cho nghề gốm đã trăm năm lụi tàn. Vì vậy, tôi quyết định lấy thạch cao làm khuôn đổ đất sét để nung thành cột, thành kèo, thành ngói để làm nhà. Đó là cách mình giữ hồn cho đất Vĩnh Long…”.
Ông Tư Buôi nghĩ là làm ngay, giữa năm 2019, bắt tay khởi công xây dựng căn nhà gốm đỏ có diện tích 300m2. Ngày đó, không ít người e ngại sẽ không thành, Vì trước đến giờ ở làng nghề gốm trăm năm này không có ai xây dựng nhà bằng gốm. Tận dụng lò gốm có sẵn, ông Tư Buôi sử dụng thạch cao làm khuôn đổ đất sét rồi nung thành khuôn cột, kèo, lục bình… Bên trong cột nhà gốm vẫn là bê tông cốt thép, còn bên ngoài là gốm (gốm dùng làm coffa để đổ cột bê tông và giữ lại làm vỏ cột). Chỉ vài tháng sau, căn nhà gốm đỏ hoàn thành thành căn nhà “độc nhất vô nhị” thu hút không ít người đến xem khen ngợi vừa đẹp khang trang, vừa lạ mắt. “Nhiều du khách đến tham quan căn nhà gốm đỏ của tôi rất thích. Có người hỏi đặt hàng xây dựng nhà gốm đỏ giống như tôi. Bây giờ, công việc còn bề bộn, tôi còn đang lo xây dựng các căn nhà gốm, homestay, khu du lịch sinh thái nên chưa dám nhận. Khi nào các công trình xây dựng xong, tôi sẽ nhận xây dựng nhà gốm cho khách. Đó cũng là cách mình giữ hồn cho gốm đỏ Vĩnh Long”, ông Tư Buôi chia sẻ.
Trong lúc nhiều lò gốm mỹ nghệ ở làng nghề gạch gốm truyền thống trăm năm của Vĩnh Long đã “tắt lửa” từ lâu nhưng các lò gốm tại ấp Cái Kè, xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít, bên dòng sông Cổ Chiên, của ông Tư Buôi, “lửa” vẫn thắp lên, để sản xuất khoảng 20 loại sản phẩm gốm xây dựng như: cột, kèo, lục bình, gạch ống, gạch thẻ, ngói… để dùng làm vật liệu xây dựng nhà gốm. Ông Tư Buôi đã xây dựng được 2 căn nhà gốm đỏ cho “đại gia” ở tỉnh Trà Vinh và cung cấp nhiều cột, kèo bằng gốm cho các biệt thự sang trọng ở các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long…
Ông Tư Buôi cho biết là trong lúc tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên dừng tiếp khách du lịch đến tham quan nhà gốm đỏ, tập trung đầu tư xây dựng khu du lịch (resort, nhà hàng, vui chơi giải trí) tại phường 5 thành phố Vĩnh Long, khu du lịch sinh thái 10ha tại cồn Đồng Phú, huyện Long Hồ. Tất cả các căn nhà ở những nơi đây đều được xây dựng bằng gốm đỏ Vĩnh Long, để mang thông điệp làng nghề truyền thống gốm đỏ trăm năm nổi tiếng của miệt vườn sông nước Cửu Long giới thiệu đến du khách gần xa. “Bây giờ dịch bệnh thì tranh thủ thời gian đầu tư xây dựng để chờ thời. Đợi đến khi nào thiên thời, địa lợi, nhân hòa, hết dịch bệnh rồi thì mình sẵn sàng đưa vào sử dụng khai thác du lịch” – ông Tư Buôi bộc bạch.
Theo Huỳnh Biển